Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống áp lực của những nhân viên ngân hàng

Công việc hàng ngày một nhân viên ngân hàng giống như môn thể thao phối hợp, phải chạy marathon liên tục trong 6 tiếng, đi chân trần trên sa mạc, sau đó lao tới đỉnh Kilimanjaro.

Tháng 6/2015, câu chuyện về Sarvshreshth Gupta, một nhân viên công nghệ, truyền thông đến từ New Delhi (Ấn Độ) từng làm việc cho Goldman Sachs, đã gây sốc với nhiều người. Sau khi làm việc liên tục 2 ngày không nghỉ cho ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ, nhân viên này bị đột tử.

Cái chết của Sarvshreshth Gupta cho thấy bức tranh đầy áp lực trong cuộc sống của những nhân viên ngành ngân hàng. Tuy nhiên, Sarvshreshth Gupta không phải là trường hợp duy nhất. ​Trước đó, ít nhất có 3 vụ nhân viên ngân hàng cũng đột tử vì làm việc quá sức được báo cáo từ tháng 8/2013 đến nay.

Trong lời tự thú viết trên mạng xã hội BankDestination, một nhân viên ngân hàng tại Stockhom, Thụy Điển cho biết, công việc hàng ngày của ông giống như thực hiện một môn thể thao phối hợp. Ông phải chạy marathon liên tục trong 6 tiếng, đi chân trần trên sa mạc, sau đó lao tới đỉnh Kilimanjaro (đỉnh núi cao nhất châu Phi tại Tanzania).

Ngân hàng Goldman Sachs - nơi chàng trai 22 tuổi Sarvshreshth Gupta từng làm việc. Ảnh: WJS.

"Thời gian trong ngành ngân hàng là tiền bạc, và nhân viên đi làm cũng vì thu nhập. Nhưng đặt nó bên cạnh cuộc sống thì nhiều người sẽ phải tự hỏi họ có đang làm điều tốt nhất cho chính mình hay không. Nếu họ thực sự yêu công việc, chuyện đó là quá tốt. Nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng, đấy chỉ là thiểu số", người này chia sẻ.

Ông nói rằng đã lâu chưa được về nhà ăn cơm tối, do công việc lúc nào cũng kéo dài đến giữa đêm. "Hãy thử tưởng tượng về một cuộc sống khi bạn đặt bữa ăn ngon vào 20h tối với gia đình, nhưng sẽ ở lại văn phòng tới 20h01. Tôi không có lấy một phút rời khỏi đống giấy tờ. Nhân viên cứ đưa chúng ra trước mặt tôi, mặc kệ lúc đó tôi đang ngấu nghiến bánh mì cho bữa sáng, trả tiền học phí cho con qua mạng, hay lùng tìm một món đồ cho vợ vào dịp kỷ niệm ngày cưới".

Freud Adam, cựu nhân viên của một chi nhánh ngân hàng Thụy Sỹ nói với tờ The Guardian rằng, nỗi sợ hãi lớn nhất khi làm việc trong ngành tài chính là mất việc trong khi thị trường đang khủng hoảng.

"Tâm lý lo sợ khi đó giống như một cơn bão tràn qua. Bạn sẽ phải tự nhủ làm chăm chỉ hơn với một nụ cười luôn nở trên môi. Điều đó thực sự điên rồ trong hoàn cảnh bình thường, chưa kể tới việc bạn thường phải chiến đấu hơn 100 giờ mỗi tuần. Sáng phải dậy sớm hơn, thực ra là bật lên như bị chích adrenaline, trong cơn mơ cũng thấy các tập tin excel và power point. Ham muốn tình dục lúc này chỉ còn ở trong thùng rác", Adam tâm sự.

Còn với những quản lý cấp trung, công việc là cuộc sống, bạn bè chính là đối tác, và người bạn cần có trách nhiệm nhất là nhân viên, lãnh đạo chứ không phải vợ con.

"Trong sở làm, bạn bị sếp ép phải năng động hơn, biết cách tạo áp lực cho nhân viên cấp dưới. Hơn một nửa thời gian làm việc chỉ để la hét trên điện thoại đốc thúc nhân viên, một nửa còn lại là nghe lệnh từ sếp. Khi làm được điều đó với gương mặt ít biểu lộ cảm xúc nhất, bạn sẽ được sếp đánh giá là một người có cam kết vững chắc với công việc, và được thưởng. Đó quả là một thứ nghệ thuật kỳ lạ", Brian Shelfiel nói với trang M&I.

Ngân hàng 'cày' để dọn nợ xấu

Nợ xấu ngân hàng đã giảm mạnh, đến nay chỉ còn dưới 3%. Thế nhưng, nhiều đơn vị vẫn đang phải “cày” cật lực, “thắt lưng buộc bụng” để có lợi nhuận xử lý nợ xấu.

Hạ Minh (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm