Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc hội ngộ ân tình

Một cuộc hội ngộ bất ngờ, một cái kết có hậu và đẹp sau vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã diễn ra vào những ngày cuối năm 2014.

Công binh giải cứu 12 công nhân mắc kẹt ở Đạ Dâng thế nào?

Năng suất lao động tăng gấp 2,3 lần chỉ trong vòng 5 giờ. Một hệ thống đường thông từ nhiều phía để thông hơi, thoát nước, cấp thức ăn… dần hình thành.

Một tuần sau khi được cứu thoát khỏi hầm tối, nữ nạn nhân duy nhất trong vụ sập hầm Đặng Thị Hồng Ngọc đã về quê Nghệ An đón con trai 5 tuổi cùng bố chồng đi cảm ơn những người lính công binh ân nhân của mình.

Chị Đặng Thị Hồng Ngọc và con trai từ Nghệ An tìm đến lữ đoàn công binh 293 (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) để cảm ơn các ân nhân.
Chị Đặng Thị Hồng Ngọc và con trai từ Nghệ An tìm đến lữ đoàn công binh 293 (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) để cảm ơn các ân nhân.

Gia đình Ngọc có ba người bị mắc kẹt. Ngoài Ngọc có anh chồng và cháu chồng. 

Trên chuyến xe tìm đến Cam Ranh (Khánh Hòa) nơi lữ đoàn công binh 293 đóng quân, ông Phạm Văn Diệm - ba chồng của Ngọc - nhắc đi nhắc lại: “Nếu không có công binh, chắc gia đình tôi phải mang nỗi đau quá lớn. Ba người thân gặp nạn chứ ít ỏi gì đâu”.

Lúc tuyệt vọng đã nghĩ đến công binh

Trên đường đi, Ngọc liên tục dặn con trai: “Gặp các chú nhớ nói cảm ơn nghe, không có mấy chú là giờ con không được ôm mẹ đâu”. Ngọc nói giọng đầy áy náy: “Không biết vào đó mình có được gặp những anh đào hầm và cõng mình ra không nữa. Lúc đó bối rối, mình lại xúc động và ngất xỉu sau đó nên không biết mặt những ai đã cứu mình. Tệ quá, người cứu mình chắc nhớ mặt mình còn mình là người được cứu mà không biết gì hết”. Cô loay hoay kiểm tra lại đồ đạc, xe nhồi nhẹ là cô lại xuýt xoa sợ bể đồ. Hỏi ra cô mới bảo: “Em có mang ít bánh đa ngoài quê vào tặng các anh chứ em cũng không biết tặng gì”.

Ngồi bên cạnh Ngọc, bố chồng góp chuyện rằng ngay khi nghe tin sập hầm và ba người thân trong gia đình đều mắc kẹt trong đó, không chỉ gia đình ông mà cả làng như chấn động. Một nửa số nạn nhân cùng quê, cùng xã với nhau. Mọi người ai nấy đều xác định tinh thần chuẩn bị cho một kết cục buồn. 

Rồi ánh mắt ông sáng rỡ: “Có phép mầu, chúng nó đều sống cả”. Ông nắm bàn tay Ngọc day day rồi nói: “Đây này, còn nguyên vẹn hết”. Ông Diệm ngỡ như đang trong không khí của buổi chiều đón tin vui lực lực công binh hoàn thành giải cứu 12 nạn nhân (19/12). Ông nói như reo: “Chúng nó được sinh ra thêm một lần nữa. Đại nạn còn qua được thì từ nay an bình”.

Ngọc nhớ lại thời điểm mắc kẹt trong hầm đến ngày thứ ba (18/12), lúc đó mọi người không còn muốn ăn, không ai đi lấy sữa lực lượng cứu hộ truyền vào qua ống. Lạnh, ướt và bóng tối khiến 12 người trở nên mệt mỏi và đuối sức. Một công nhân trẻ tuổi trở nên hoảng loạn, bất chấp nước lạnh ngập ngang cổ, lội đến ống cấp dưỡng và hét vào đó: “Đừng truyền cái gì vô đây nữa, để cho chết luôn đi”. Lặng im được vài phút, công nhân ấy khóc òa rồi gọi lớn: “Cứu, cứu”. 

Chứng kiến cảnh đó, những nạn nhân đang co ro không cầm được nước mắt tuyệt vọng. Ngọc kể lúc này anh Phạm Viết Nam (anh chồng Ngọc) mới lội đến ống cấp dưỡng dìu công nhân trẻ đã lả người sau một hồi la hét trong tuyệt vọng đến chiếc xe trộn bêtông, “ngôi nhà” của 12 công nhân. 

Nhờ có chiếc xe mà họ có chỗ tránh bị ngâm nước, kéo dài sự sống. Là người có kinh nghiệm, anh Nam biết đến sở trường của lính công binh. Anh quay ra ống cấp dưỡng nói vọng ra bên ngoài, có tiếng đáp lại: “Cần gì?”. Anh Nam đáp: “Không cần gì, nhờ công binh cứu đi”. 

Thời khắc chị Đặng Thị Hồng Ngọc được đưa ra khỏi hầm tối.
Thời khắc chị Đặng Thị Hồng Ngọc được đưa ra khỏi hầm tối.

Đến chiều, nghe tin lính công binh đã đào thêm một hầm cứu hộ. Hi vọng trở lại với những người gặp nạn bên trong khu hầm bị sập. Ngọc bảo mọi người đã bình tĩnh trở lại. Ở hầm tối, anh Nam động viên những người cùng cảnh ngộ và thỉnh thoảng lại lấy những câu chuyện lính, những chiến công ra kể để tiếp thêm niềm tin cho mọi người. 

Lúc gặp anh Nam trong bệnh viện sau khi được cứu thoát, anh kể lại chuyện này và cười hể hả thừa nhận đa số câu chuyện về lính anh đều có thêm bớt cho ly kỳ dựa vào trí nhớ về những chiến công phi thường thời chiến tranh. “Mình có niềm tin nên mình mới thêm bớt chuyện bộ đội để động viên mọi người” - anh Nam nói.

Cái hậu nghĩa tình

Đón gia đình chị Ngọc tại lữ đoàn công binh 293 là những người lính đã tham gia đào hầm giải cứu 12 công nhân mắc kẹt. Đặc biệt là người chỉ huy toàn bộ quá trình đào hầm giải cứu là thượng tá Lê Đình Hùng (lữ đoàn phó lữ đoàn công binh 293) và trung úy Nguyễn Văn Tiền, người chui qua đường hầm cứu hộ bơi vào sâu bên trong cứu từng người ra. 

Khi họ giáp mặt nhau, Tiền cũng không nhận ra chị Ngọc dù chỉ hơn một tuần trôi qua. Anh bảo: “Lúc đó mình vừa đưa người ra, vừa nghe tiếng đếm, vừa hỏi thăm để thăm dò tình trạng sức khỏe từng người, đủ 12 người là mình thở phào nhẹ nhõm. Chỉ nhớ là vui lắm chứ không nhớ gì nữa”. 

Tiền kể lại: “Khi vào bên trong đường hầm, gọi 5-6 lần không có ai đáp lại khiến tôi lo lắng, hoang mang. Nước trong hầm khi đó đã dâng tới cổ. Khi chạm được vào tay anh Nam tôi mừng muốn khóc. Tôi reo thầm, vậy là cứu được rồi”. Khi nghe Tiền kể vì đường hầm hẹp nên anh phải đưa từng người ra ngoài ở tư thế lê từng bước một, cả gia đình Ngọc xúc động nắm lấy tay Tiền, miệng thì cười nhưng mắt ngân ngấn nước. 

Sau buổi chiều giải cứu công nhân nghẹt thở (19/12), đây là lần đầu tiên những người lính công binh gặp lại người bị mắc kẹt. Câu chuyện không còn là giữa người cho ơn và người thọ ơn mà là chuyện đạo nghĩa ở đời. 

Giữa những người lính, chị Ngọc kể chuyện mình và những nạn nhân khác đã sinh tồn trong 82 giờ giữa lằn ranh sống chết như thế nào. Cuối câu chuyện, giọng rưng rưng, phải dừng khá lâu Ngọc mới nói được: “Cảm ơn các anh đã cho em mạng sống này. 

Trong đường hầm ai nấy cũng đã chuẩn bị tâm lý để chết rồi, chỉ mong điều đó đến nhanh nhanh, không ai ngờ được cứu sống”. Nói rồi, chị ôm con mình lên, hôn một hơi dài như thể đã lâu lắm mới gặp lại. 

Giữa bữa cơm cùng gia đình chị Ngọc, thượng tá Hùng còn nói với Ngọc: “Tôi nghĩ câu chuyện Đạ Dâng đã dừng lại ngay sau khi chúng tôi rút quân khỏi Lâm Đồng. Ngờ đâu gia đình cô lại tìm đến đây. Chúng tôi phải cảm ơn vì câu chuyện nghĩa tình này”. 

Cuộc hội ngộ bên ngoài đoạn hầm tối đã khiến đoạn kết của câu chuyện Đạ Dâng trở nên lung linh, đầy nghĩa tình. 

Tận thấy những ngách hầm giải cứu 12 nạn nhân mắc kẹt

Để giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt do sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (Lạc Dương, Lâm Đồng), các lực lượng cứu hộ đã khoan đào nhiều ngách hầm.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150213/cuoc-hoi-ngo-an-tinh/711573.html

Theo Mai Vinh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm