Theo tiết lộ của Nikkei Asia, Tổng thống Joe Biden gọi cho nhà lãnh đạo Nhật Bản vào khoảng 10h47 ngày 28/1. Ở bên kia đầu dây, đồng hồ đã điểm đến 0h47 ngày 29/1. Chênh lệch múi giờ giữa Tokyo và Washington đến 14 tiếng.
Những cuộc gọi trước đây giữa lãnh đạo 2 nước thường diễn ra theo bối cảnh ngược lại, khi Tokyo đang trong buổi sáng còn tại Mỹ trời đã tối.
Thấy gì qua thời điểm cuộc gọi?
Vào đầu nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Donald Trump gọi điện đến cho ông Shinzo Abe, khi đó là thủ tướng Nhật Bản, vào lúc 23h05 ngày 28/1/2017 (theo giờ Nhật Bản).
Người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barack Obama, gọi điện cho Thủ tướng Taro Aso vào buổi sáng 29/1/2009 lúc 8h10 (theo giờ Nhật Bản). Tổng thống George W. Bush cũng chọn khung giờ tương tự khi gọi cho Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori vào lúc 9h ngày 24/1/2001.
Ông Trump là người gọi sang Nhật Bản trễ nhất trong số 3 tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Tuy nhiên, giữa ông và Thủ tướng Abe khi đó có mối quan hệ khá thân thiết, đồng thời cuộc gọi cũng diễn ra không muộn hơn nửa đêm.
Khác với đương kim tổng thống Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump nổi tiếng là một người hay thức khuya và dậy rất sớm. Điều này được thể hiện ở thời gian hoạt động trên Twitter của ông, trước khi ông bị trang mạng xã hội cấm cửa vĩnh viễn vì cuộc bạo loạn ngày 6/1 ở Điện Capitol.
Trong 4 năm qua, nhiều lần truyền thông Mỹ tiết lộ ông Trump có thói quen thức khuya xem truyền hình và tin tức rất muộn; sau đó đăng tải những phản ứng giận dữ của mình trên Twitter nếu thấy biên tập viên nói điều gì không vừa ý.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP/Kyodo. |
Cuộc gọi vào ngày 28/1 có thể cho thấy đội ngũ Nhà Trắng muốn giữ sức khỏe và sự minh mẫn cao nhất cho ông Biden, năm nay 78 tuổi.
Điểm đặc biệt khác ở cuộc gọi ngày 28/1 là tính bất ngờ.
Ông Biden nói điều ông Suga muốn nghe
Phía Nhật Bản được thông báo về kế hoạch điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo không lâu trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi điện. Điều này phần nào thể hiện một lịch trình bận rộn đối với tân lãnh đạo chính phủ Mỹ trong những ngày đầu làm việc.
Dù vậy, nội dung cuộc điện đàm trễ nải bất thường với ông Biden không làm phía Nhật Bản thất vọng.
Tokyo đã nhận được lời tái khẳng định hợp tác từ Tổng thống Biden về các vấn đề ứng phó đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và đặc biệt là an ninh.
Tổng thống Mỹ đồng thời cam kết Washington nhìn nhận quần đảo Senkaku (đang có tranh chấp với Trung Quốc, gọi là quần đảo Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông vẫn nằm trong phạm vi Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật và Mỹ sẵn sàng hỗ trợ bảo vệ quần đảo.
Thông điệp này mang ý nghĩa quan trọng đối với Thủ tướng Suga, đặc biệt khi tình hình an ninh trên biển Hoa Đông ngày một căng thẳng, chủ yếu vì tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Lời cam kết của Tổng thống Biden có thể được hiểu rằng Mỹ sẵn sàng phản ứng mọi cuộc tấn công lên quần đảo Senkaku với mức độ nghiêm trọng như một đòn đánh lên lãnh thổ Mỹ, theo Nikkei Asia.
Trong tuần qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng đưa ra cam kết tương tự với người đồng cấp Nhật Bản Shigeru Kitamura.
Bên cạnh đó, Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga nhất trí củng cố quan hệ đồng minh Mỹ- Nhật và hợp tác xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, bao gồm mô hình Đối thoại An ninh Bốn bên với Australia và Ấn Độ.
Trước thách thức chung từ Trung Quốc, ông Biden tái khẳng định kế hoạch "mở rộng răn đe" từ Mỹ nhằm hỗ trợ Nhật Bản, gia hạn "chiếc ô hạt nhân" cho quốc gia đồng minh ở châu Á.