Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung thất bại về Biển Đông

Trong cuộc họp báo chung hôm 25/9, tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc vẫn duy trì những quan điểm khác nhau về động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chiến hạm Trung Quốc (phía xa) theo sau tàu Mỹ khi nó áp sát các đảo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông giữa năm 2015. Ảnh: Hải quân Mỹ

Trong cuộc họp báo chung bên ngoài Nhà Trắng sau cuộc hội đàm thượng đỉnh Trung – Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama dành 110 từ để nói về Biển Đông và biển Hoa Đông trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng chính xác 233 từ để bào chữa về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tổng thống Obama bày tỏ những quan ngại về tự do hàng hải, hàng không trong khu vực Trung Quốc đang bồi lấp phi pháp các đảo cũng như hoạt động xây dựng và quân sự hóa khu vực tranh chấp của Bắc Kinh. Ông Obama khuyến khích các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển.

Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông từ thời cổ đại cũng như các quyền và lợi ích trong khu vực. Tuy nhiên, ông Tập khẳng định Bắc Kinh không theo đuổi tham vọng quân sự hóa Biển Đông và nhấn mạnh các nước liên quan cần giải quyết vấn đề thông qua đàm phán trực tiếp.

Từ phát biểu của các nhà lãnh đạo, chúng ta có thể nhận thấy Trung Quốc sử dụng từ “các đảo” trong hai tuyên bố “các đảo trên Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại” và “hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các đảo ở Trường Sa không nhằm vào bất cứ quốc gia nào”. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có cố tình đánh đồng các đảo nhân tạo với đảo tự nhiên, hay nói rộng ra là Bắc Kinh khẳng định vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo thay vì hành lang an ninh 500 m.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ luôn khẳng định Mỹ có quyền cho máy bay bay hoặc  tàu di chuyển qua những vùng mà luật pháp quốc tế cho phép. Quan điểm của Mỹ là tàu hoặc máy bay có thể áp sát khu vực 500 m bao quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc thay vì 12 hải lý như phía Bắc Kinh đưa ra.

Các chuyến bay tuần tra và việc đưa tàu tới áp sát các đảo của Hải quân Mỹ càng cho thấy rõ sự khác nhau trong quan điểm giữa hai quốc gia.

Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết không theo đuổi tham vọng quân sự hóa ở Biển Đông. Tuy nhiên cùng ngày, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất đường băng trên đảo nhân tạo, động thái có thể làm tăng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Liệu sân bay này có nằm ngoài cam kết “không quân sự hóa” của ông Tập?

Trung Quốc thường dùng chiến thuật gọi là “vùng xám” để gây sức ép với các quốc gia khác trong khu vực tranh chấp mà không làm leo thang căng thẳng hoặc thổi bùng đụng độ quân sự. Một trong những ví dụ cụ thể là việc Trung Quốc biến đổi tàu chiến thành tàu hải giám hoặc hải cảnh để quấy rối tàu nước ngoài và ngăn ngư dân khai thác hải sản. Cách này giúp Bắc Kinh tránh được nguy cơ đối đầu trực diện với chiến hạm và tàu sân bay Mỹ.

Việc sử dụng các chiến lược mơ hồ trên Biển Đông giúp Trung Quốc tiếp tục thực hiện mưu đồ độc chiếm tuyến hàng hải huyết mạch. Thay vì lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ), Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo để nhận dạng hoặc cảnh báo phi cơ bay qua khu vực. Nó dường như là ADIZ thay thế của Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình cũng đề xuất giải quyết vấn đề tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình và hợp tác để tăng cường lợi ích. Tuy nhiên, Trung Quốc không coi những khu vực Bắc Kinh đang cải tạo bất hợp pháp trên Biển Đông là khu vực tranh chấp. Trung Quốc luôn khẳng định cái gọi là chủ quyền với khu vực này.

Trung Quốc luôn rêu rao về “phát triển chung” và “cùng chia sẻ lợi ích thông qua hợp tác” nhưng Bắc Kinh đang tập trung sức mạnh để giành lấy những vùng lãnh thổ của nước khác mà Trung Quốc cho rằng họ bị “mất”. Ông Tập khẳng định Mỹ và Trung Quốc cùng chia sẻ lợi ích trên Biển Đông nhưng phản đối mọi sự can thiệp của Mỹ vì cho rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ cần sự giải quyết trực tiếp của các nước có liên quan.

Trên thực tế, dù Bắc Kinh có nói gì đi nữa thì Biển Đông vẫn không phải ao nhà của Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể thấy Bắc Kinh và Mỹ đã có những nhượng bộ dành cho nhau. Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải của Mỹ để đổi lại lấy sự hạn chế chỉ trích của Washington với các hoạt động bá quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Bài viết là quan điểm của Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao, chuyên gia về luật tại Đại học Quốc gia Hà Nội đăng trên tạp chí Diplomat hôm 9/10. PGS.TS Thao cũng là thành viên không thường trú tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.

'Trung Quốc tránh đụng độ tàu Mỹ ở Biển Đông'

Trao đổi với Zing.vn, tướng Lê Văn Cương và cựu Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường đều khẳng định Bắc Kinh sẽ không gây chiến với Washington khi Hải quân Mỹ đưa tàu áp sát các đảo nhân tạo.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm