Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên hoang dã Thế giới (WWF) ước tính khoảng 20.000 đến 30.000 con voi bị giết tại châu Phi mỗi năm, chủ yếu để lấy ngà bán sang thị trường châu Á. Để ngăn chặn nạn săn bắt trộm, WWF phối hợp cùng chính quyền Tanzania, quốc gia nằm ở phía đông châu Phi, gắn thiết bị định vị lên 60 con voi đang sinh sống tại khu bảo tồn Selous Game. |
Bác sĩ thú y Justin Shamancha chuẩn bị bắn mũi tên chứa thuốc an thần vào một con voi. Khi nó đã hoàn toàn ngấm thuốc, đội bảo vệ động vật hoang dã sẽ treo vòi con voi lên một cành cây để giúp nó thở, sau đó buộc một chiếc vòng cổ nặng khoảng 12 kg vào con vật. Cuối cùng, họ tiêm thuốc giải mê và trả nó về bầy. |
Các bác sĩ thú y gắn vòng cổ định vị GPS lên một con voi ở vườn quốc gia Mikumi, Tanzania. Lực lượng kiểm lâm sau đó có thể nhận tín hiệu từ hệ thống này qua điện thoại, theo dõi vị trí của bầy voi, giúp chúng tránh khu vực săn bắt trộm hoặc lạc vào khu dân cư. Đây là chiến dịch định vị voi lớn nhất từng được thực hiện ở Tanzania, được biết đến với tên gọi "Khu vực số 0" (Ground Zero). |
Trả lời AP, đại diện chính phủ Tanzania cho biết lượng voi tại khu bảo tồn Selous Game và vườn quốc gia Mikumi giảm 60% từ năm 2009 đến 2014, hiện chỉ còn khoảng 43.000 cá thể. Khu vực này cũng là nơi diễn ra nhiều vụ săn trộm nhất. Tuy nhiên, số voi bị giết đang giảm dần, nhiều bầy từng bị săn đuổi đang có dấu hiệu phục hồi. |
Dù vậy, chính phủ và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã vẫn cảnh giác vì thị trường buôn bán ngà voi bất hợp pháp luôn trong tình trạng thiếu nguồn cung. Theo AP, các nhóm bảo vệ động vật chưa thể tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ khi những đối tượng săn trộm di chuyển sang khu vực mới, và thương buôn ngà voi luôn tìm được cách thích nghi với mọi hoàn cảnh, ẩn sau nạn tham nhũng. Trong ảnh, bác sĩ thú y Ernest Mjingo (áo trắng) bỏ chạy sau khi bắn thuốc mê vào một con voi, làm nó hoảng sợ tấn công ông. |
Tỷ lệ tử của bầy voi trong khu vực vẫn cao hơn tỷ lệ sinh. Bên cạnh vấn nạn săn bắt trộm, việc mở rộng diện tích sinh sống của loài người cũng là nguyên nhân khiến đất sống voi ngày càng bị thu hẹp. "Chúng tôi còn lâu mới có thể yên tâm về tương lai của loài voi", ông Chris Thouless thuộc Tổ chức Bảo vệ Voi cho biết. |
Hồi tháng 4, Vương quốc Anh ban hành lệnh cấm buôn bán ngà voi. Trong khi đó, Trung Quốc liệt kê mặt hàng này vào danh sách cấm từ năm 2018. Tại Mỹ, các thương vụ ngà voi bị coi là bất hợp pháp từ năm 2016. Theo AP, nếu nạn săn trộm voi tại Tanzania được kiểm soát, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã có thể hy vọng lượng voi không còn giảm mạnh trên toàn lục địa. |
Lượng voi ở châu Phi giảm từ hàng triệu cá thể từ những năm 1900 xuống khoảng 415.000 con hiện nay. Loài động vật thông minh, giàu cảm xúc, phát triển nhiều hành vi xã hội phức tạp này đã bị săn bắn để lấy ngà trong nhiều thế kỷ. Năm 1990, cộng đồng quốc tế đã cấm buôn bán ngà voi xuyên quốc gia, nhưng nhiều nước vẫn cho phép trao đổi mặt hàng này trong thị trường nội địa. |
Bác sĩ thú y chuẩn bị mũi tên chứa thuốc an thần trong chiến dịch đeo vòng cổ định vị cho voi. Các nhà bảo vệ động vật theo dõi bầy thú bằng nhiều phương tiện như trực thăng, xe ôtô và đi bộ. |
AP dẫn lời một hướng dẫn viên du lịch tại khu bảo tồn Selous kể chuyện ông từng cùng khách hàng chiêm ngưỡng cảnh tượng tuyệt vời khi một bầy voi thong thả bước đi dưới ánh hoàng hôn. Tuy nhiên, khi quay lại đây ngày hôm sau, đập vào mắt họ là hình ảnh bầy voi này bị xẻ thịt một cách man rợ để lấy ngà. |