CLB Hà Nội lên ngôi vô địch năm 2016 nhờ chỉ số phụ hơn CLB Hải Phòng. Quãng thời gian bộ ba HAGL, Long An và Bình Dương tạo nên cuộc tranh chấp đầy thú vị ở giai đoạn 2002-2006 đều là những mùa V.League hấp dẫn của bóng đá Việt Nam.
Song, chúng chưa đủ sự kịch tính như cách SLNA vượt qua đương kim vô địch Hà Nội T&T ở V.League 2011.
Những năm gần đây, CLB Hà Nội quá mạnh so với phần còn lại của V.League và đăng quang tương đối dễ dàng. Ảnh: Minh Chiến. |
Phong độ đỉnh cao của SLNA mùa giải 2011
Đương kim vô địch Hà Nội T&T khởi đầu mùa giải khá thuận lợi với vị trí thứ 2 sau lượt trận đầu và dẫn đầu bảng xếp hạng khi vòng 2 kết thúc. Tuy nhiên, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng có dấu hiệu hụt hơi ở 3 vòng kế tiếp. Trong khi đó, SLNA thể hiện phong độ ấn tượng dù khởi đầu với trận hòa 2-2 trên sân Long An. Sau vòng 7, đội bóng xứ Nghệ vươn lên vị trí thứ 2 và từ vòng 9 trở đi, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng luôn dẫn đầu bảng xếp hạng.
Kết thúc vòng 21, Hà Nội T&T trở lại đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng trong khi SLNA vượt qua Thanh Hóa để tiến gần hơn tới chức vô địch. Cuộc đua giành ngai vàng V.League 2011 bắt đầu hấp dẫn từ đây.
Ở vòng 22, SLNA thất bại trước Bình Dương còn đại diện thủ đô vùi dập Đồng Tháp 7-1 trên sân nhà. Khoảng cách giữa 2 đội được thu hẹp xuống còn 4 điểm (42 và 38). Tại vòng 23, Hà Nội T&T bị Bình Dương cầm chân 2-2 khiến khoảng cách điểm số được nới rộng lên thành 6 điểm.
Cách biệt một chiến thắng được thiết lập ở vòng 24 khi Hà Nội T&T đánh bại N.Sài Gòn 4-2 trong khi SLNA bất ngờ bị Ninh Bình vượt qua với tỷ số 3-1. SHB Đà Nẵng với 39 điểm, trên lý thuyết, vẫn còn cơ hội vô địch bởi thắng về hiệu số đối đầu với SLNA (đang hơn 6 điểm).
Song, họ tự rời cuộc đua sau khi chỉ có 1 điểm ở trận làm khách trước Bình Dương tại vòng áp chót, trong khi hai đội dẫn đầu cùng giành chiến thắng. Trang chủ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bình luận về cục diện: "Kết quả này đồng thời đã khiến cuộc đối đầu trực tiếp giữa SLNA và Hà Nội T&T tại vòng đấu cuối có tính chất như một trận chung kết của mùa giải".
Cuộc đua vô địch của SLNA và Hà Nội T&T | ||||||||||
SLNA lên ngôi vô địch V.League 2011 với 3 điểm hơn đối thủ sau trận hòa ở vòng đấu cuối trên sân nhà. | ||||||||||
Nhãn | Vòng 1 | Vòng 7 | Vòng 9 | Vòng 21 | Vòng 22 | Vòng 23 | Vòng 24 | Vòng 25 | Vòng 26 | |
SLNA | Điểm | 1 | 13 | 19 | 42 | 42 | 45 | 45 | 48 | 49 |
Hà Nội T&T | 3 | 12 | 13 | 35 | 38 | 39 | 42 | 45 | 46 |
Vô địch vì một bàn thắng
Hà Nội T&T có phần lợi thế bởi trận hòa 0-0 trên sân nhà tại lượt đi. Thầy trò HLV Phan Thanh Hùng sẽ đăng quang nếu giành 3 điểm trên sân Vinh. Ngược lại, SLNA sẽ soán ngôi đối thủ.
Đúng như chờ đợi, trận đấu diễn ra kịch tính đến phút chót. Andre Fagan giúp đội chủ nhà vươn lên dẫn trước từ phút thứ 5. Nhịp độ trận đấu được đẩy cao trước khi SLNA chủ động chơi thấp, nhường quyền kiểm soát cho đội khách hòng bảo vệ tỷ số. Tới phút 64, tỷ số là 1-1 cho CLB Hà Nội T&T sau cú sút xa của Lê Hồng Minh.
Đội khách vẫn là những người cầm bóng nhiều hơn. Một bàn nữa là đủ để thầy trò HLV Phan Thanh Hùng vô địch V.League lần thứ hai liên tiếp. Phút 89, Antonio Tavares sút phạt dội xà ngang đội chủ nhà trong sự tiếc nuối của cầu thủ và ban huấn luyện Hà Nội T&T. 1-1 là kết quả cuối cùng của trận đấu. SLNA trở thành nhà vô địch của V.League 2011.
SLNA bước vào mùa giải 2011 với đội hình kết hợp của những cựu binh đã khẳng định tên tuổi như trung vệ Nguyễn Huy Hoàng, cùng dàn cầu thủ trẻ tài năng như Ngô Hoàng Thịnh (19 tuổi) hay bắt đầu vào độ chín như Nguyễn Trọng Hoàng và Hoàng Văn Bình. Năm đó, SLNA còn sở hữu chân sút Andre Fagan. Dẫn dắt SLNA là HLV Hữu Thắng, người có nhiều tiếng nói và luôn được các cầu thủ xứ Nghệ nể trọng.
Trong khi đó, Hà Nội T&T, đội về nhì giải đấu, cũng sở hữu nhiều cái tên chất lượng. Lê Công Vinh, Dương Hồng Sơn hay Nguyễn Ngọc Duy, Nguyễn Quốc Long đều là hảo thủ. Nguyễn Văn Quyết mới 20 tuổi nhưng đã dần chứng tỏ được bản thân ở đội bóng thủ đô dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng.
SLNA vô địch V.League 2011 sau khi cầm hòa Hà Nội T&T 1-1 ở trận đấu cuối mùa giải. Ảnh: SLNA FC. |
Mùa giải kịch tính nhất lịch sử
Bình luận viên (BLV) Ngô Quang Tùng, người theo dõi sát sao chuyển động của V.League, nêu quan điểm rằng có nhiều mùa giải các đội bóng đem lại cho khán giả cuộc đua đầy gay cấn và sôi động.
"Với nhiều người, V.League 2016 đem lại ấn tượng đặc biệt bởi màn rượt đuổi giữa CLB Hà Nội và Hải Phòng. Tuy nhiên, mùa giải đó không đem lại nhiều bất ngờ với cá nhân tôi. Có thể nói, việc CLB Hà Nội vươn lên dẫn đầu chỉ là chuyện sớm muộn trước khi đăng quang ngôi vô địch".
"Với trường hợp SLNA, họ vô địch năm 2011 dù đầu tư hạn chế. Họ là đội bóng thuần chất địa phương nhưng lại vượt mặt nhiều CLB lắm của nhiều tiền", Quang Tùng nói.
Theo lý giải của BLV kỳ cựu, thời điểm từ 2002 trở đi, các doanh nghiệp bắt đầu đổ tiền vào làm bóng đá và chức vô địch với họ trở thành mục tiêu tối thượng. Điều đó đồng nghĩa cuộc cạnh tranh, tính khốc liệt ngày càng tăng cao, đem lại những trận đấu hấp dẫn cho người hâm mộ.
"Họ có tiền, có động lực và tạo nên cuộc đua tranh gay cấn ngay từ đầu mùa cho tới vòng đấu cuối cùng. Đó thực sự là giai đoạn khó đoán của V.League. Năm 2009, Hải Phòng cạnh tranh cùng Đà Nẵng cũng là một trong những cuộc đua hấp dẫn. Đội bóng đất cảng khi đó thực sự mạnh và quyết tâm", Quang Tùng nêu quan điểm.