Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc đua thần tốc để Nga điều chế vaccine Covid-19

Nhiều nước nỗ lực vượt lên trong cuộc đua điều chế vaccine chống Covid-19. Nước có được vaccine này sẽ sở hữu sức mạnh mang ý nghĩa lớn, không chỉ ở lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.

cuoc dua dieu che vaccine cua nga anh 1

Wall Street Journal miêu tả vào hồi tháng 4, khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trên khắp nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã triệu tập cuộc họp trực tuyến với các nhà khoa học và quan chức y tế hàng đầu đất nước để ra chỉ thị khẩn cấp: Làm bất cứ điều gì để có vaccine, càng sớm càng tốt.

Bốn tuần sau, Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya, nói với truyền hình nhà nước rằng các nhà nghiên cứu của viện đã điều chế được vaccine. Ông nói họ rất chắc chắn rằng vaccine này an toàn - các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên chính cơ thể họ.

cuoc dua dieu che vaccine cua nga anh 2

Các tình nguyện viên thử nghiệm vaccine tại Đại học Sechenov hôm 20/7. Ảnh: Zuma Press.

Chiến thắng chính trị

Tháng trước, ông Putin tuyên bố Nga đã phê duyệt vaccine Gamaleya, khiến họ trở thành quốc gia đầu tiên đăng ký vaccine trong cuộc chạy đua toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Chiến thắng tự nhận của Moscow vấp phải sự hoài nghi của các nhà khoa học và chính trị gia phương Tây. Các nhà nghiên cứu Nga khi đó chỉ vừa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn đầu trên 76 tình nguyện viên và không công bố phát hiện nào của họ. Thử nghiệm quy mô lớn trên 40.000 tình nguyện viên mới bắt đầu vào tuần trước.

Vadim Tarasov, người giám sát việc thử nghiệm vaccine tại Đại học Sechenov ở Moscow, khẳng định việc tiêm loại vaccine nói trên vào cơ thể người là an toàn.

"Hiệu quả của nó thế nào là một câu hỏi khác", ông nói.

Sức ép trong việc đưa Nga trở thành nước đầu tiên tạo ra vaccine đã đẩy các nhà khoa học giỏi nhất nước vào cuộc đua nghiên cứu.

Nga gọi vaccine của họ là Sputnik V, ám chỉ vệ tinh mà nước này phóng lên quỹ đạo trước Mỹ trong cuộc chạy đua không gian thời Chiến tranh Lạnh. Một loại vaccine được đồng phát triển bởi AstraZeneca PLC và Đại học Oxford, hay vaccine của Moderna Inc. và Pfizer Inc., đã bước vào giai đoạn cuối, tức giai đoạn 3, thử nghiệm lâm sàng, tương tự vaccine từ các nhà sản xuất dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech Ltd. và China National Biotec Group Co.

"Mục đích của chuyện này là giành được lợi thế địa chính trị", Konstantin Chumakov, nhà virus học người Nga tại Mỹ, thành viên của Mạng lưới Virus Toàn cầu, một tổ chức hợp tác khoa học quốc tế, cho biết.

"Đó có thể là một loại vaccine tuyệt vời. Nhưng chúng ta chỉ là chưa biết được", ông nói.

cuoc dua dieu che vaccine cua nga anh 3

Ông Putin chủ trì một cuộc họp chính phủ trực tuyến hôm 11/8. Ảnh: Reuters.

Nhiều nơi khác cũng đã tìm cách tiến lên trước khi toàn bộ quá trình thử nghiệm hoàn thành. CanSino Biologics Inc. của Trung Quốc đang đàm phán với một số quốc gia để đảm bảo sự chấp thuận khẩn cấp cho việc sử dụng loại vaccine thử nghiệm mà họ phát triển cùng quân đội Trung Quốc, trước khi hoàn thành các thử nghiệm quy mô lớn, theo một lãnh đạo cấp cao của công ty.

Trong khi đó, chính quyền liên bang Mỹ đã yêu cầu các bang chuẩn bị cho kịch bản phân phối vaccine vào ngày 1/11, theo một bức thư giám đốc CDC gửi.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cộng đồng chỉ ra rằng việc thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối vẫn đang tuyển tình nguyện viên và xa nhất chỉ mới được nửa chặng đường. Vì vậy, họ không hiểu bằng cách nào có thể có đủ dữ liệu về việc liệu vaccine có hiệu quả và an toàn trước ngày 1/11.

Khởi đầu được rút ngắn

Wall Street Journal dẫn lời các nhà quan sát cho rằng không có gì lạ khi chỉ thị từ trên xuống được ưu tiên hơn các quy trình khoa học nghiêm ngặt.

Các nhà khoa học Nga tham gia vào nỗ lực điều chế vaccine nói rằng công việc của họ vẫn chưa hoàn thành. Họ nói việc đăng ký vaccine là điều kiện cần và sẽ phải có thêm bằng chứng trước khi vaccine đến với công chúng. Và vaccine có thể bị rút khỏi thị trường nếu được chứng minh là không an toàn hoặc không hiệu quả, các quan chức y tế cho biết.

Tuy nhiên, ông Tarasov, Giám đốc Viện Y học Tịnh tiến và Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Sechenov, cho biết: "Nếu có một làn sóng mới vào mùa thu, chúng ta sẽ có một công cụ an toàn để có thể sử dụng".

Khi Nga báo cáo những ca Covid-19 đầu tiên, hai công dân Trung Quốc sống ở Siberia, vào ngày 31/1, tin tức này đã làm dấy lên sự hoảng loạn ở Moscow. Các nhà khoa học nhanh chóng tìm hiểu càng nhiều càng tốt về loại virus này.

Làm việc trong nhiều tuần với thông tin mà các nhà khoa học Trung Quốc đưa lên mạng, các nhà nghiên cứu tại Viện Gamaleya đã so sánh với một chủng virus corona khác, virus gây Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS). Ông Gintsburg cho biết viện khi đó đang trong quá trình sản xuất vaccine phòng ngừa MERS.

cuoc dua dieu che vaccine cua nga anh 4

Viện Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya. Ảnh: Google Maps.

Bằng cách sử dụng công thức tương tự công thức mà họ đã phát triển cho MERS - và trước đó là công thức vaccine cho bệnh Ebola - các nhà khoa học đã rút ngắn được thời gian ở bước khởi đầu. Gamaleya nhận được bộ gene tổng hợp đầu tiên của virus corona mới vào cuối tháng 2. Ông Gintsburg cho biết khoảng một tuần sau, họ đã có vaccine.

Họ đã áp dụng một phương pháp được phát triển từ những năm 1950 để tạo ra thứ được gọi là vaccine vectơ virus adeno. Vaccine được tạo ra bằng cách sử dụng dạng biến đổi gene của virus gây ra bệnh cảm cúm thông thường, được biết đến với tên gọi virus adeno, để làm phương tiện cho một đoạn vật chất di truyền từ virus mới. Vật chất di truyền này, được gọi là protein S, an toàn cho cơ thể nhưng vẫn giúp hệ thống miễn dịch phản ứng và tạo ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể.

Nhóm gồm khoảng 100 người của Gamaleya đã làm việc gần như không ngừng nghỉ, đóng kín mành che cửa sổ trong phòng thí nghiệm để ngăn ánh sáng Mặt Trời khi họ thử nghiệm vaccine trên chuột và thỏ.

Các nhà khoa học của ông Gintsburg không đơn độc. Từ St. Petersburg đến Siberia, các nhà nghiên cứu mặc áo khoác trắng và đeo găng tay cao su đã làm việc trong các phòng thí nghiệm hạn chế người ra vào cả ngày lẫn đêm, loay hoay với chai lọ và xy lanh, nghiên cứu tổng cộng 47 loại vaccine tiềm năng.

cuoc dua dieu che vaccine cua nga anh 5

Các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu tổng cộng 47 loại vaccine tiềm năng cho Covid-19. Anh: AP.

Chạy đua

Khi các nhà khoa học của Gamaleya bắt đầu thử nghiệm vaccine trên chuột và thỏ vào cuối tháng 3, các nhà nghiên cứu ở Oxford, Anh và Massachusetts, Mỹ, đã thử nghiệm trên người.

Trong những tuần sau đó, các nhà nghiên cứu ở Gamaleya chuyển sang thử nghiệm trên các loài linh trưởng, và đến tháng 4, họ tiêm vaccine cho chính mình. Vào giữa tháng 6, họ bắt đầu thử nghiệm chính thức trên người và thông qua Bộ Quốc phòng Nga, Gamaleya đã tiêm vaccine thử nghiệm 38 quân nhân hợp đồng.

Các nhà khoa học Nga tự hào về lịch sử phát triển vaccine lâu đời của họ, có từ thời Catherine Đại đế, người đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa vào thế kỷ 18. Trong một sự hợp tác hiếm hoi giữa Chiến tranh Lạnh, vaccine do các nhà khoa học Mỹ và Liên Xô phát triển đã giúp thế giới gần như xóa sổ được bệnh bại liệt và bệnh đậu mùa. Viện Gamaleya, tuổi đời gần 130 năm, có cơ sở sản xuất vaccine riêng và điều hành một thư viện virus lớn, thu thập các chủng virus từ khắp nơi trên thế giới.

Khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên tại Nga, bản thân đại dịch đã trở thành trở ngại cho các nhà nghiên cứu. Phòng thí nghiệm của ông Tarasov, nơi đang thử nghiệm vaccine Gamaleya, đã phải tìm một ngôi nhà mới sau khi không gian bên trong trường đại học bị biến thành nơi điều trị bệnh nhân. Một số chuyên gia nghiên cứu vaccine đã được huy động để chăm sóc bệnh nhân, phân chia thời gian để vừa điều trị người bệnh vừa làm công việc nghiên cứu.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thông báo tìm kiếm tình nguyện viên thử nghiệm vaccine. Doanh nhân trẻ Georgi Smirnov đã bị cách ly hai lần.

Thanh niên 23 tuổi đầu tiên trải qua hai tuần tại một viện điều dưỡng bên ngoài Moscow, nơi được tân trang lại để đảm bảo rằng anh và các tình nguyện viên khác không bị nhiễm bệnh. Vào tháng 7, anh được đưa đến một bệnh viện ở Moscow, nơi các bác sĩ tiêm vaccine Gamaleya cho anh và 37 người khác. Trong bốn tuần tiếp theo, tiếp xúc trực tiếp duy nhất của anh là với các nhà nghiên cứu mặc đồ bảo hộ, khi họ mang thức ăn cho anh, đo nhiệt độ và lấy gạc nước bọt.

Các tình nguyện viên được trả 1.300 USD và anh Smirnov cho biết anh đã sử dụng số tiền này để giúp trang trải việc học của em gái mình.

cuoc dua dieu che vaccine cua nga anh 6

Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine tại một bệnh viện quân y ở ngoại ô Moscow. Ảnh: AP.

Sau khi tiêm vaccine, anh Smirnov, một cựu quân nhân và là người đam mê thể dục thể thao với sở thích mới nhất là nhảy dù, cho biết anh bị đau đầu nhẹ và thân nhiệt cao hơn nhưng các triệu chứng biến mất nhanh chóng và sau đó anh cảm thấy ổn. Ông Tarasov cho biết đây là những phản ứng tiêu chuẩn cho mọi loại vaccine.

Khi Nga đẩy nhanh tiến độ phê duyệt vaccine vào tháng 8, Hiệp hội Tổ chức Thử nghiệm Lâm sàng của Nga, một tổ chức phi chính phủ dành cho các công ty dược phẩm toàn cầu, đã viết thư ngỏ gửi Bộ Y tế Nga yêu cầu trì hoãn việc đăng ký vaccine cho đến khi toàn bộ thử nghiệm lâm sàng hoàn tất.

Có những câu hỏi về việc liệu vaccine có đủ mạnh để tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài hay những bệnh nhân có vấn đề sức khỏe mạn tính sẽ phản ứng như thế nào.

Anna Durbin, giáo sư y tế quốc tế tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết có một nguy cơ là vaccine có thể tạo ra cho con người loại miễn dịch sai lầm, cuối cùng có thể khiến họ dễ nhiễm bệnh hơn là chống lại các bệnh nhiễm trùng tiếp theo - hiện tượng được gọi là "gia tăng phụ thuộc vào kháng thể".

Tương tự, việc khiến mọi người tự tin rời khỏi nhà và không tuân thủ các biện pháp hạn chế mà không cung cấp đầy đủ khả năng miễn dịch có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

Các quan chức Nga cho biết thông tin chi tiết về khả năng miễn dịch mà vaccine mang lại sẽ chỉ có sau giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn, theo họ có thể mất từ 4 đến 6 tháng.

cuoc dua dieu che vaccine cua nga anh 7

Nhân viên y tế tại Moscow. Ảnh: Bloomberg.

Tháng trước, ông Putin, người cho biết con gái mình đã được tiêm vaccine, công khai nói rằng vaccine đã chứng minh được hiệu quả tạo ra kháng thể, dù ông không đưa ra bằng chứng nào.

Ông cho hay vaccine thứ hai của Nga sẽ được đăng ký vào tháng 9.

Các quốc gia đang xếp hàng mua vaccine đầu tiên của Nga. Moscow đang đàm phán với hơn 20 quốc gia ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông để xuất khẩu vaccine.

'Tên lửa đẩy và trạm quỹ đạo' - cơ chế của vaccine Covid-19 từ Nga

Vaccine chống Covid-19 của Nga được đưa vào cơ thể người theo cách tương tự quá trình phóng vệ tinh Sputnik vào vũ trụ - cũng chính là cái tên mà vaccine đã được đặt theo.

Lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga sẽ có sau hai tuần

Vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga mang tên Sputnik-V bắt đầu được sản xuất hàng loạt tại nhà máy dược Binnopharm của tập đoàn AFK Sistema ở thủ đô Moscow.

Tranh cãi và ngờ vực quanh vaccine Covid-19 thần tốc của Nga

Vaccine Sputnik V do Nga mới công bố đứng trước nghi ngờ từ giới khoa học trong nước cũng như quốc tế do chưa hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cần thiết.

Đông Phong

Theo Wall Street Journal

Bạn có thể quan tâm