Hôm 1/12, chính quyền Nhật Bản thông qua kế hoạch chi 800 triệu USD để mở rộng tầm bắn của tên lửa hành trình lên hơn 1.000 km. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đặt mục tiêu bắt đầu khai thác các loại tên lửa mới vào nửa cuối thập niên 2020.
Tên lửa mới được phát triển bởi Mitsubishi Heavy Industries và có thể phóng từ đất liền và máy bay. Các loại tên lửa hành trình hiện có của Nhật Bản có tầm bắn từ 100-200 km
Chính phủ Nhật Bản cho biết việc tăng tầm bắn cho tên lửa là một hình thức răn đe, trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng tăng trong việc phát triển tên lửa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tokyo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước.
Tên lửa dày đặc ở Đông Bắc Á
Những năm gần đây, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầu tư rất mạnh cho việc phát triển tên lửa, đặc biệt là Trung Quốc và Triều Tiên. Theo Foreign Policy, Trung Quốc là quốc gia có chương trình phát triển tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tích cực nhất thế giới.
Tầm bắn các loại tên lửa ở khu vực Đông Bắc Á. Nguồn: Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế. |
Bắc Kinh đã phát triển một loạt tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn, trải dài từ tầm ngắn gồm DF-15, DF-16, tầm trung gồm DF-21, DF-26, đến liên lục địa gồm DF-31 và DF-41. Ngoài ra, Trung Quốc còn nâng cấp tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng DF-5B.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc phát triển tên lửa siêu vượt âm. Bắc Kinh đã giới thiệu tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong cuộc duyệt binh vào năm 2019. Trong tháng 10, Lầu Năm Góc xác nhận Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm.
Trong diễn biến khác, Hàn Quốc ngày càng đối mặt với sức ép từ chương trình tên lửa của Triều Tiên. Kể từ khi ông Kim Jong Un nắm quyền từ năm 2011, chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã được nâng lên một tầm cao mới.
Năm 2014 được giới phân tích nhận định là năm bản lề đối với chương trình tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng. Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên gia tăng đột biến. Triều Tiên đã thử nghiệm hệ thống rocket phóng loạt KN-02 và số lượng đáng ngạc nhiên các phiên bản của tên lửa Scud và Nodong.
Bình Nhưỡng cũng gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với sự xuất hiện của Hwasong-14 và Hwasong-15. Triều Tiên cũng đang tích cực phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Theo ước tính của các chuyên gia, Bình Nhưỡng sở hữu khoảng 11 loại tên lửa đạn đạo đã được đưa vào sử dụng hoặc đang phát triển.
Khi Trung Quốc và Triều Tiên đẩy mạnh việc phát triển tên lửa, Hàn Quốc cũng rục rịch mở rộng tầm bắn của các loại tên lửa đang có.
Hàn Quốc phát triển tên lửa đạn đạo đầu tiên từ những năm 1970. Nhưng khi đó, chương trình tên lửa đạn đạo của Seoul bị giới hạn tầm bắn theo một thỏa thuận với Washington. Năm 2021, Mỹ nhất trí cho Hàn Quốc mở rộng tầm bắn của tên lửa lên 800 km.
Tên lửa siêu vượt âm DF-17 của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh năm 2019. Ảnh: Reuters |
Sau hai lần gia hạn, truyền thông Trung Quốc tin rằng tên lửa của Hàn Quốc có thể bay tới Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Triều Tiên. Tháng 9 năm nay, Hàn Quốc đã đạt được một cột mốc mới khi trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới, đồng thời là quốc gia duy nhất không có vũ khí hạt nhân, sở hữu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Seoul đang nỗ lực phát triển tên lửa siêu vượt âm để theo kịp xu hướng mới của thế giới. Hàn Quốc cũng đang phát triển động cơ đẩy nhiên liệu rắn với tham vọng chế tạo tên lửa đẩy để phóng vệ tinh vào cuối những năm 2020.
Trong số các quốc gia ở Đông Bắc Á, Nhật Bản là quốc gia tham gia muộn nhất vào cuộc đua tên lửa. Tokyo chậm hơn những quốc gia khác vì những hạn chế trong hiến pháp hòa bình của nước này.
Đông Bắc Á là khu vực có nhiều tên lửa đạn đạo nhất châu Á - Thái Bình Dương. Tầm bắn của các loại tên lửa ở đây chồng lấn nhau và bao phủ một khu vực rộng lớn.
Mỹ - một đồng minh thân cận của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh việc phát triển tên lửa siêu vượt âm để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Washington còn xúc tiến kế hoạch triển khai tên lửa ở Đông Bắc Á để nâng cao khả năng đối phó Trung Quốc.
Nguy cơ xung đột vũ trang
Giới phân tích quân sự cho rằng tên lửa đại diện cho thách thức cơ bản đối với sự ổn định của thế giới. Với tốc độ tấn công rất nhanh, chúng làm giảm đáng kể thời gian cảnh báo, buộc các nhà hoạch định phải hành động với thời gian gấp rút và áp lực căng thẳng.
Các quyết định phải được đưa ra trong thời gian bay của tên lửa, hoặc thời điểm quý giá khi vệ tinh cảnh báo về vụ phóng tên lửa. Vì thời gian quá gấp rút, các nhà lãnh đạo có thể giao quyền ra quyết định cho các tướng lĩnh cấp dưới, kéo theo nguy cơ cho những tính toán sai lầm.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Kho dự trữ tên lửa ở khu vực Đông Bắc Á ngày càng gia tăng, và sẽ còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Hàn Quốc, Triều Tiên thậm chí cả Nhật Bản sẽ dự trữ hàng nghìn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Đông Bắc Á đang bị cuốn vào cuộc đua phát triển tên lửa cũng như các hệ thống phòng thủ tên lửa. Điều này khiến tình hình địa chính trị ở khu vực này càng thêm phức tạp.
Ông David Santoro, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương - một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở tại Honolulu, cảnh báo: “Chạy đua tên lửa đang làm thay đổi châu Á. Việc phổ biến tên lửa sẽ làm dấy lên nhiều nghi ngờ, kích hoạt chạy đua vũ trang, làm gia tăng căng thẳng và cuối cùng là gây ra khủng hoảng, thậm chí chiến tranh”.
Một vấn đề khác khiến giới phân tích lo lắng là các nước Đông Bắc Á tham gia rất ít và các cuộc đối thoại an ninh khu vực. Các nước hầu như không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về các vấn đề chiến lược như vũ khí hạt nhân và phổ biến tên lửa.
“Sự gia tăng của các cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực càng trở nên đáng lo ngại hơn khi không có bất kỳ đàm phán nào về kiểm soát vũ khí trong khu vực”, ông Michael T. Klare, giáo sư về nghiên cứu hòa bình tại hệ thống cao đẳng Five College Consortium, có trụ sở tại Massachusetts, Mỹ bày tỏ sự quan ngại.