Cuộc đua nhà chọc trời và những ẩn họa khôn lường
Những tòa nhà chọc trời đang đua nhau mọc lên ở khắp nơi trên thế giới với chiều cao ngày một không tưởng. Tuy nhiên, ẩn sau đó là không ít những mối nguy tiềm tàng có thể gây đại họa cho con người.
Không lâu trước đây, Hoa Kỳ được gọi là đất nước của những tòa nhà chọc trời. Thế nhưng, vài năm gần đây, những tòa nhà hàng chục cho đến cả trăm tầng được nhìn thấy ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Người ta gọi đó là cao ốc. Những văn phòng, những trung tâm thương mại, trung tâm tài chính… được bố trí trên những cao ốc đó. Độ cao của các cao ốc song hành cùng uy tín và sự lớn mạnh của tập đoàn bỏ tiền xây chúng. Điều này không hề thay đổi ngay cả khi thế giới bàng hoàng sau sự kiện 11/9/2001.
Nhìn lại lịch sử của những cao ốc chọc trời, năm 1885, tòa nhà cao 55m lần đầu tiên được xây dựng ở Chicago. Nó thuộc quyền sở hữu của công ty bảo hiểm nhà có tên "Home-Insurance". Tuy nhiên, năm 1913, người ta đã thực sự bàng hoàng khi chứng kiến tòa tháp New York Woolworth sừng sững ở độ cao (241m). Cấu trúc bên ngoài bằng kính và nhôm đã cho phép tòa nhà đạt đến chiều cao không tưởng vào thời điểm đó.
Trung tâm Thương mại thế giới trước vụ khủng bố 11/9. |
Mọi thiết kế về cao ốc đã hoàn toàn thay đổi khi kiến trúc sư Le Corbusier đưa ra thiết kế của ông về nhà cao tầng năm 1920. Những tòa nhà trở nên mỏng manh và duyên dáng như một cây kim giữa đô thị.
Năm 1951, tiền thân của những cao ốc chọc trời hiện đại, tòa nhà Empire State Building được hoàn thành ở New York với chiều cao lên tới 380m. Tòa tháp vươn cao lên bầu trời thể hiện cho sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ. Năm 1969, Trung tâm John Hancock được xây dựng ở Chicago với chiều cao 334m. Thế nhưng, chỉ 3 năm sau đó, người ta cho ra mắt Trung tâm thương mại Thế giới ở New York với chiều cao (417m nhà và lên tới 600m khi tính cả chóp). Không chịu thua kém, năm 1974, tòa tháp Sears được xây dựng tại Chicago với chiều cao lên tới 443m.
Cuộc đua nhà cao tầng không chỉ diễn ra ở Mỹ mà các quốc gia phát triển khác cũng không chịu thua kém. Năm 1975, Canada xây dựng tòa tháp chọc trời cao 553m. Năm 1998, Malaysia cho xây dựng tháp đôi Petronas với chiều cao 425m.
Đi sau nhưng không hề kém cạnh, Các tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất đã khánh thành tòa tháp “Burj Dubai” ở Dubai với chiều cao lên tới 828m năm 2009. Đài Loan cũng khánh thành tòa tháp của mình năm 2005 với 101 tầng và cao 508m. Trung Tâm tài chính thế giới Thượng Hải được xây dựng năm 2008 với chiều cao 429m. Ngoài ra, khoảng 600 cao ốc đang được xây dựng trên khắp thế giới mà 55 công trình trong số đó có chiều cao trên 300m.
Tòa tháp Burj Dubai của Các tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất. |
Những tòa nhà chọc trời được khánh thành cho thấy sự lớn mạnh về tài chính của các quốc gia đồng thời giải quyết tình trạng đất chật người đông ở những thành phố lớn nhưng đằng sau đó lại là không ít ẩn họa đối với cuộc sống con người.
Việc khánh thành những tòa nhà chọc trời luôn kèm theo sau những cuộc khủng hoảng mà khiến người ta còn nhắc mãi cho đến nhiều thập niên sau này. Nước Mỹ đã lâm vào tình trạng Đại suy thoái không lâu sau khi tòa nhà Empire State được khánh thành. Hoàn tất Trung tâm thương mại thế giới và tòa tháp Sears được theo sau bởi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng những năm 1970. Việc hoàn thành tháp đôi Petronas ở Đông Nam Á cũng kéo theo khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại khu vực này.
Hẳn nhiều người nghĩ đây là sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng các nhà nghiên cứu thì cho rằng các tòa nhà cao tầng gây ảnh hưởng tới những nguồn năng lượng siêu nhiên tiềm ẩn mà ngưởi Trung Quốc gọi là Phong Thủy. Để tránh những tác hại, ngưởi Trung Quốc đã sử dụng gương có hình bát quái để trấn phong thủy. Trong những năm 70 – 80, tất cả các tòa nhà cao tầng ở Hồng Kông đều được gắn loại công cụ trên. Sự phổ biến của chúng đã khiến người đứng đầu Hồng Kông phải ra một sắc lệnh quy định kích thước tối đa của những chiếc gương trên nhằm tránh làm phân tâm người đi đường.
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho biết những tòa nhà cao tầng gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái. Nó có tác động làm giảm tinh thần của người dân đồng thời là mối nguy trong trường hợp xảy ra động đất hoặc hỏa hoạn.
Vụ khủng bố xóa sổ Trung tâm Thương mại Thế giới không làm con người sợ hãi nhà cao tầng. |
Những mối nguy trên dường như đã hoàn toàn lu mờ khi các nhà khoa học sử dụng trang thiết bị hiện đại để tính toán những tai nạn có thể xảy ra. Tuy nhiên, vụ khủng bố hôm 11/9/2001 đã thực sự gióng lên hồi chuông báo động đối với những căn nhà cao tầng. Tòa táp đôi Trung tâm Thương mại Thế Giới đã đổ sập sau khi hai chiếc máy bay chở khách lao thẳng vào tòa nhà.
Đó thực sự là đại thảm họa khi gần 3.000 thiệt mạng và 6.000 người khác bị thương trong vụ khủng bố. Tuy nhiên, những căn nhà chọc trời vẫn đua nhau mọc lên sau đó. Dường như người ta vẫn rất thờ ơ với những thảm họa mà cao ốc có thể gây ra.
Trịnh Duy
Theo Bưu điện Việt Nam