Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc đua giữa Barca và Real tìm lại giá trị cho La Liga

Khi cuộc đối đầu Ronaldo - Messi không còn tồn tại, giá trị của La Liga cũng dần suy giảm. Real Madrid và Barca cần làm gì để đưa giải đấu này trở về vị thế vốn có?

Bình luận

gia tri cua la liga anh 1

La Liga mất giá. Đó là điều không phải bàn cãi kể từ khi Ronaldo sang Juventus năm 2018. Mất đối trọng Messi - Ronaldo, các trận El Clasico vốn được xem là diện mạo lẫn bản chất của La Liga cũng kém phần thu hút. Lúc này, nhiệm vụ tái tạo giá trị La Liga đã bắt đầu với trọng trách trên vai cả Real lẫn Barca.

Một La Liga tứ mã?

Hôm 29/10, trên tờ AS chạy một chuyên trang có tiêu đề "Une Liga de 4", "một La Liga tứ mã". Và họ xem Real, Barca, Atletico cùng Sevilla là bộ tứ trong cuộc đua ấy. Rất hợp lý, khi bản thân La Liga vẫn là giải đấu có 4 suất tham dự Champions League.

Thêm vào đó, Atletico vẫn là đội bóng bám đuổi mạnh mẽ cặp Barca - Real suốt mấy năm qua, còn Sevilla mới đăng quang UEFA Cup dưới bàn tay HLV Lopetegui.

Thực chất, dù cuộc đua ở La Liga có là tứ mã với ít chênh lệch nhau nhất đi nữa, tính hấp dẫn của La Liga cũng sẽ không thể nào so sánh được với Premier League khi mà El Clasico có dấu hiệu nhạt màu.

Những người yêu bóng đá Tây Ban Nha có thể yêu những gì thuộc về giải đấu đó, song thứ khiến họ tự hào nhất vẫn phải là một El Clasico với sự đối địch của những siêu sao hàng đầu.

CR7 ra đi, và Messi cũng bước vào sườn dốc bên kia sự nghiệp. Eden Hazard, người mà Real kỳ vọng có thể thay thế CR7 để trở thành biểu tượng mới, chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Và khi cả Messi lẫn CR7 đều không có mặt trong top 3 đề cử hay nhất năm của giải thưởng UEFA (mà Lewandowski là người chiến thắng), tất cả đều có thể khẳng định họ đã bắt đầu qua thời, kỷ nguyên của họ đã đi vào chung cuộc.

Rõ ràng, không ai có thể phủ nhận cả Real lẫn Barca lúc này suy yếu đi so với chính họ cách đây khoảng 5 năm. Trong khi đó, Atletico vẫn giữ được sự ổn định và kiên nhẫn bồi đắp đội hình.

Điều đó có thể sẽ khiến cuộc đua ở La Liga cân bằng hơn về lực lượng, nhưng để thu hút sự quan tâm toàn cầu, nó vẫn là chưa đủ khi giờ thi đấu của La Liga khó có thể thay đổi như Premier League chỉ vì văn hóa.

Và thực tế, bản chất của cuộc đua tạm gọi là tứ mã hiện nay cũng chỉ dựa trên sức mạnh của những ngôi sao đã bắt đầu qua thời như Messi, Benzema, Luis Suarez… những người nếu có gồng lên cứu vãn La Liga thì cùng lắm cũng chỉ được 1-2 mùa.

gia tri cua la liga anh 2

Với Luis Suarez, Atletico có thể trở thành đối trọng của Barca và Real. Ảnh: Getty.

Mà bóng đá lại đang là ngành công nghiệp có giá trị cực lớn, ước tính khoảng gần 1.000 tỷ USD mỗi năm trên quy mô toàn cầu. Chỉ cần chậm một năm chuẩn bị thôi, chắc chắn một giải đấu sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi vị thế của mình.

Chưa có con số thống kê cụ thể nào nhưng rõ ràng, giá trị của La Liga đã bị ảnh hưởng nhiều kể từ khi El Clasico không còn là cuộc đụng độ của 2 ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu Quả bóng Vàng. Nếu như trước kia, người ta có thể nói về El Clasico suốt cả một tháng mà nó diễn ra, thì bây giờ hiệu ứng ấy may ra còn trong vòng 5 ngày.

Điều đó cho thấy sự mạnh lên của Atletico, Sevilla hay bất kỳ đội bóng nào cũng không thay đổi gì nhiều nếu như El Clasico không giữ được tầm vóc. Thực tế cũng chứng minh, đã có những lúc một đội bóng thứ ba nào đó vươn lên giành ngôi vô địch La Liga nhưng rốt cuộc, El Clasico vẫn phải là tâm điểm. Bởi nó chính là linh hồn, trái tim, động lực thúc đẩy người hâm mộ toàn cầu chú ý tới La Liga.

Cuộc tìm kiếm và xây dựng biểu tượng rơi vào bế tắc

Cuối tháng 10 này, trận El Clasico đầu tiên của mùa giải sẽ diễn ra, và nó sẽ minh chứng cho thực trạng của La Liga hiện nay. Kịch tính trên sân bóng của El Clasico là chưa đủ. Cái kịch tính bên lề mới là thứ tâm điểm thu hút. Và muốn có kịch tính bên lề, phải có cuộc đua thực sự giữa những cá nhân kiệt xuất thực sự, như CR7 và Messi hay Mourinho và Pep từng trải qua.

Rõ ràng, khi chúng ta bàn luận với nhau về chuyện này thì ở Tây Ban Nha, những người điều hành Real và Barca đã nghĩ tới nó từ vài năm trước. Không phải ngẫu nhiên gì mà Real mua Bale, James Rodriguez, Hazard, những cầu thủ khá tương đồng với nhau về vị trí chơi trên sân. Cơ bản, giới lãnh đạo Real luôn hình dung về ngày mà CR7 sẽ không còn ở chất lượng hàng đầu thế giới nữa. Họ cần những người kế cận đủ tầm để xây thành biểu tượng.

gia tri cua la liga anh 3

Bale trong quá khứ và Hazard ở hiện tại chưa bao giờ khỏa lấp được khoảng trống mà Ronaldo để lại. Ảnh: Getty.

Bale đóng góp nhiều cho Real thật, nhưng không đủ nỗ lực để vươn tới vị thế của một biểu tượng. Việc anh sẵn sàng cầm lá cờ xứ Wales ăn mừng cùng đồng đội tuyển quốc gia mà trên lá cờ ấy có dòng chữ “Wales - Golf - Madrid: Theo thứ tự ấy” càng cho thấy Bale không trân trọng Real đúng nghĩa. Như vậy, làm sao anh có thể trở thành biểu tượng của Galactico?

James Rodriguez không cần nói nhiều. Laureano Ruiz, một HLV uy tín của Tây Ban Nha, người góp phần tạo nên nền tảng triết lý bóng đá của Barca dưới thời Cruyff từng viết "Chạy thật nhiều không có nghĩa là bạn đá hay nhưng để đá hay, thì bạn phải chạy nhiều". James không phải mẫu cầu thủ của di chuyển nhiều và đua nước rút để xâm nhập 2 nách. Anh không chứng tỏ mình được tại Bernabeu vì lẽ đó.

Có những người bênh vực James Rodriguez và luôn lấy phong độ ở đội tuyển Colombia thời World Cup 2014 để làm minh chứng cho James. Vâng, đúng là ở đội tuyển quốc gia, James có môi trường phù hợp và câu hỏi "Tại sao Real không tạo môi trường phù hợp cho James?" có vẻ hợp lý ở trường hợp này. Nhưng nếu nhìn lại World Cup 2018, chúng ta sẽ thấy thực tế là James chơi mờ nhạt bất chấp đã được "thả về rừng".

Eden Hazard vẫn còn là dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, cái bụng hơi to bất thường của Hazard sau kỳ nghỉ hè vừa rồi cho thấy một khía cạnh khác của danh thủ này. CR7 ngày xưa cực nghiêm khắc với mình để nhằm có vị thế của siêu sao. Nếu hôm trước trót uống quá hạn mức chỉ một chai bia, hôm sau anh ta sẵn sàng tập thêm 2 tiếng để đốt bớt calorie dư thừa. Hazard có làm được điều đó không?

Đó là chuyện của Real. Còn ở Barca, những cuộc khủng hoảng thời gian qua cho thấy rất rõ một thực trạng. Đó là cả quãng thời gian quá dài đội bóng ấy bỏ quên lực lượng kế thừa từ La Masia và biến Barca thành CLB của Messi & Co. Mọi việc sẽ ổn nếu Messi & Co chơi ổn. Ngược lại, Barca sẽ chỉ còn là cái bóng mờ của chính mình được soi trên vách tường bởi ngọn nến yếu ớt không hơn không kém.

Việc tìm kiếm các ngôi sao ngoại lai so với La Masia để ít ra có giai đoạn ngắn mang tính bước đệm trước khi biểu tượng từ La Masia được phát hiện cũng là phương án Barca tính đến. Tuy nhiên, làm sao mà những ngôi sao ngoại lai ấy có thể phát huy khi vai trò kép chính vẫn luôn là của Messi. Khi Messi không chịu lùi lại, rõ ràng không ai có thể tiến lên cả. Và cái giá giải phóng hợp đồng 600 triệu euro điên rồ lại càng trói chân Barca khi họ không thể bán hòn đá tảng đang chặn giữa đường đi của mình.

Bắt đầu lại từ đâu?

Sau sự vụ burofax đầy tranh cãi của Messi, trật tự ở Barca có vẻ đã được thiết lập lại. Dường như Messi kịp nhận ra mình cần làm gì cho Barca, tại Barca và cho chính bản thân mình. Anh đã có sự lùi lại đúng đắn để hợp tác tốt hơn và tạo dựng bệ phóng cho lớp đàn em. Và người nổi bật trong số lớp đàn em ấy đang là Ansu Fati.

Thật ra, Ansu Fati đã được nhắc tới từ khá lâu rồi. Khi Fati ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên năm 2019 với Barca, nhiều người sẽ kỳ vọng anh bùng nổ như Messi ngày nào. Cơ hội ấy chưa đến. Lý do không cần bàn thêm nhiều.

Hôm nay, khi Koeman đã bắt đầu tái tạo lại Barca, một Fati 17 tuổi đã bắt đầu từng bước đánh dấu mốc sự nghiệp của mình. Lối chơi của anh khác, kỹ năng của anh khác so với Messi, nhưng nếu anh cứ tiếp tục là cỗ máy ghi bàn chủ lực cho Barca từ nay đến cuối mùa giải, anh sẽ là thủ lĩnh tương lai, biểu tượng mới của Nou Camp.

gia tri cua la liga anh 4

Ansu Fati có thể trở thành biểu tượng mới của La Liga trong vài năm nữa. Ảnh: Getty.

Và Real cũng sốt ruột không kém khi họ nhìn thấy đối thủ của mình có những bước phát triển như thế. Những cái tên cũng bắt đầu được Real “lăng xê”. Họ là Jovic, Vinicius, Odegaard, Mayoral, Rodrygo. Dường như, ở Real đang có cuộc sát hạch thực sự để lựa chọn con người làm đối trọng với Fati của Barca, với mục đích sẽ phải có những El Clasico thu hút.

Song, xem ra những cái tên kể trên của Real đều chưa đủ để khiến người ta tin tưởng. Vinicius, với tiền sử chấn thương của mình, chưa đóng góp được gì nhiều cho Real. Bàn thắng mới nhất anh ghi cho Real trước Valladolid cũng chỉ ghi nhận nỗ lực chứ chưa cho thấy năng lực tiềm tàng để trở thành siêu sao.

Còn Jovic và Odegaard, những người từng được xem là lực lượng kế cận có thể định nghĩa tương lai của bóng đá thì cũng chưa chứng minh được niềm tin mà giới mộ điệu đặt cược cho họ. Suốt thời gian đi đánh thuê để nâng cao kinh nghiệm, họ cũng chỉ cho thấy mình mới là cầu thủ hạng khá. Trong khi, ở tuổi của họ, những người như Mbappe, Haaland đã trở thành ngôi sao rồi.

Như vậy, khả năng để Real phải mua bằng được siêu sao trẻ tuổi, mà nhiều người vẫn đồn đoán về Mbappe, là rất cao. Tuy nhiên, điều đó không thể xảy ra ở kỳ chuyển nhượng này, khi dịch Covid-19 khiến tất cả đội bóng đều phải thắt chặt lại hầu bao.

Tuy nhiên, sự chững lại bởi dịch Covid-19 cũng có cái hay của nó. Nếu giả sử lúc này Real có công bố họ mua được Mbappe đi nữa, El Clasico cũng không thể lập tức hấp dẫn trở lại ngang bằng thời Messi đấu CR7 được. Rất cần thời gian để nuôi dưỡng lại, bồi đắp lại giá trị quá lớn. Nên nhớ, sau thời Galactico 2.0 với thế hệ Zidane, phải 3 năm sau dự án Galactico 3.0 mới bắt đầu từ những viên gạch ban đầu.

Ansu Fati mới 17 tuổi và cần thêm thời gian cho anh phát triển để vươn đến tầm vóc biểu tượng của Barca. Thật trùng hợp, khi Messi bắt đầu có dấu hiệu tỏa sáng với đội một Barca, đó cũng là năm mà thế hệ Galactico 2.0 kết thúc (Galactico 2.0 được coi là kéo dài từ 2000 đến 2006). Bây giờ, thế hệ Galactico 3.0 cũng đã kết thúc và nếu Galactico 4.0 bắt đầu thành hình khoảng 2-3 năm nữa (như Galactico 3.0 bắt đầu năm 2009), thì thời gian ấy cũng quá đủ để Fati trưởng thành.

Chắc chắn, cuộc tái tạo lại giá trị La Liga của Real và Barca sẽ mất thêm thời gian nhưng chắc sẽ không lâu như quá khứ bởi thời đại đã tốc độ, tối tân hơn rất nhiều. Đơn cử, Real, với ước lượng khoảng 450 triệu fan toàn cầu, đã bắt tay với Microsoft từ mấy năm nay để xây dựng nền tảng có thể mang lại sân vận động “ảo” cho 450 triệu fan ấy có cảm giác như đang trên sân Bernabeu thực sự khi xem trực tuyến các trận cầu của CLB. Đầu tư đó là phát triển, và tất nhiên nó cũng cần siêu sao để thúc đẩy trong thời gian ngắn nhất.

Cứu lấy giá trị La Liga, thực ra là Real và Barca đang tự cứu lấy chính mình. Và thứ họ cần nhất là sự ổn định trong bộ máy, thứ ổn định mà Real duy trì khá tốt những năm qua, còn Barca thì không.

Tuy nhiên, hy vọng sau những rắc rối vừa rồi, Barca đã trở lại với con đường của mình, khi các cầu thủ trụ cột như Messi hiểu được mình chính là một phần để tạo nên sự ổn định cần thiết đó.

Ronaldo tâng bóng với Morata khi tái ngộ ở Juventus Hôm 24/9, Alvaro Morata tập buổi đầu tiên với Cristiano Ronaldo ở Juventus. Bộ đôi tiền đạo từng là đồng đội trong màu áo Real Madrid giai đoạn 2010-2014 và 2016-2017.

Ronaldo và Messi làm được gì trước tuổi 18?

Ansu Fati đang được chú ý với nhiều thành tích ấn tượng trong màu áo Barca, còn những ngôi sao như Ronaldo, Messi đạt thành tựu gì trước tuổi 18?

Ronaldo đấu Messi là đoạn kết của đại chiến

Cuộc đối đầu giữa Cristiano Ronaldo và Lionel Messi tại vòng bảng Champions Leauge mùa này vẫn sẽ có màu sắc riêng dù không còn lung linh như trong quá khứ.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm