Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đua giành ghế Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc

Việc bầu chọn người giữ chức Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc diễn ra với những cuộc bỏ phiếu công khai, nhưng cũng tuân theo những luật lệ bất thành văn.

Các tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (từ trái qua): Boutros Boutros-Ghali, Kofi Annan và Ban Ki Moon. Ảnh: Flickr

Hội đồng Bảo an là cơ quan nắm quyền lựa chọn ứng viên cho chức vụ tổng thư ký, sau đó giới thiệu với đại hội đồng để bỏ phiếu thông qua chính thức. Ông Shashi Tharoor, cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), cho biết trên Huffington Post rằng thế đa số không có nhiều ý nghĩa so với việc bị một thành viên thường trực (nhóm P-5, gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) phủ quyết.

Các ứng viên tranh cử ghế tổng thư ký là người đại diện cho một châu lục. Quy trình lựa chọn ứng viên phải tuân theo quy ước bất thành văn tồn tại hàng chục năm qua, rằng mỗi châu lục chỉ có người đại diện giữ chức vụ trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Trường hợp ngoại lệ duy nhất là nguyên tổng thư ký Kofi Annan. Người tiền nhiệm của ông Annan, Boutros Boutros-Ghali (Ai Cập), giữ chức vụ giai đoạn 1992-1996 nhưng sau đó bị Mỹ không đồng thuận để tiếp tục nhiệm kỳ hai. Ông Annan, quốc tịch Ghana, được bầu lên giữ chức tổng thư ký vào năm 1997. Như vậy, châu Phi đã bảo đảm có ứng viên điều hành Ban thư ký LHQ trong hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, do tài năng và tiếng tăm của Annan nên ông tiếp tục được bầu chọn để giữ chức tổng thư ký thêm 5 năm nữa.

Đông Âu là khu vực duy nhất vẫn chưa có đại diện cho chức tổng thư ký. Do vậy, dù nhiệm kỳ của Tổng thư ký Ban Ki Moon vẫn còn 2 năm nữa, một số ứng viên tiềm năng từ khu vực Đông Âu đã xuất hiện. 

Nhiệm kỳ tổng thư ký LHQ của ông Ban Ki Moon sẽ kết thúc năm 2016. Ảnh: AFP
Nhiệm kỳ tổng thư ký LHQ của ông Ban Ki Moon sẽ kết thúc năm 2016. Ảnh: AFP

Gương mặt nổi bật nhất là cựu tổng thống Slovenia, Danilo Turk, người từng là trợ lý cho ông Kofi Annan. Một số người cho rằng Tổng giám đốc UNESCO, Irina Bokova (người Bulgaria) và Ngoại trưởng Slovakia, Miroslav Lajcak, có thể tham gia cuộc đua. Tuy nhiên, ứng viên được lòng các thành viên P-5 nhất là ông Micrea Geona, cựu ngoại trưởng Romania. 

Tất cả các ứng viên đều là gương mặt quen thuộc trong giới ngoại giao và có kinh nghiệm làm việc trực tiếp với LHQ. Điều quan trọng mà các ứng viên Đông Âu đều lo ngại, đó là lá phiếu phủ quyết của nước Nga. Nếu Nga quyết định từ chối toàn bộ các ứng viên từ Đông Âu thì cơ hội sẽ thuộc về đại diện của Tây Âu và các khu vực khác.

Một gương mặt tiềm năng ở Châu Đại Dương là bà Helen Clark, cựu thủ tướng New Zealand và hiện là Tổng giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (vị trí cao cấp thứ 3 trong LHQ), với hi vọng trở thành phụ nữ đầu tiên giữ chức tổng thư ký.

Nhìn chung, cuộc đua cho chức tổng thư ký thực chất là một thỏa hiệp chính trị giữa các thành viên Hội đồng Bảo an, mà cụ thể là nhóm thường trực, nên các cuộc vận động tranh cử ồn ào không tác động nhiều đến kết quả thực tế. Tuy nhiên, vào năm 2006, Hàn Quốc là một trong trường hợp hiếm hoi đã thực hiện chiến dịch vận động nhắm đến cả 15 thành viên trong Hội đồng Bảo an nhằm bảo đảm cho ứng viên Ban Ki Moon.

LHQ họp khẩn, cảnh báo chiến tranh toàn diện ở Ukraine

Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), Jens Anders Toyberg-Frandzen, hôm qua cảnh báo một cuộc chiến tranh toàn diện có thể lại nổ ra ở miền đông Ukraine.

VN phát biểu tại khai mạc khóa họp Hội đồng Nhân quyền LHQ

Đại sứ Việt Nam và đại diện Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác đã phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp Hội đồng Nhân quyền LHQ, tại Geneva.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm