Thế giới
Cuộc đời thứ hai của những người ở bệnh viện phong lớn nhất miền Bắc
- Thứ bảy, 26/1/2019 20:08 (GMT+7)
- 20:08 26/1/2019
Nhiều bệnh nhân phong ở bệnh viện Văn Môn đã sống ở đây cả đời và coi nơi này như ngôi nhà thứ hai của mình dù xã hội đã bớt kỳ thị với họ.
|
Ông 'Tran Huu Hoa' đã sợ hãi, tuyệt vọng và sắp tự tử sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh phong vào năm 1958. Ông sợ rằng mình sẽ không bao giờ làm việc hay kết hôn trong thời đại mà những bệnh nhân phong hoàn toàn bị xã hội Việt Nam xa lánh. Ông không thể tưởng tượng được mình sẽ tìm thấy cuộc sống mới tại trung tâm bảo trợ xã hội ở phía bắc tỉnh Thái Bình, nơi ông đã sống 61 năm và gặp vợ mình, theo AFP.
|
|
Được thành lập vào năm 1900, Văn Môn là bệnh viện phong lâu đời nhất ở miền Bắc Việt Nam. Hiện tại, chỉ có 190 bệnh nhân ở bệnh viện, tất cả đều được chữa khỏi nhưng sống với khuyết tật do bệnh phong gây ra.
|
|
Nhiều người đi lại với chân giả. Những người khác như ông Hoa đã mất ngón tay. Một số người bị tàn tật nghiêm trọng đến mức họ dành cả ngày ở trên giường, phủ chăn dày để giữ ấm.
|
|
Vào lúc cao điểm, bệnh viện điều trị cho 4.000 bệnh nhân mỗi năm. Con số này giảm dần khi số người mắc bệnh phong trên khắp Việt Nam ít đi nhờ cải thiện về sức khỏe, vệ sinh và nhận thức rõ hơn về căn bệnh này.
|
|
Hàng ngày, các bệnh nhân được ăn bữa sáng và bữa trưa đúng giờ. Một số người dành thời gian thờ phượng tại nhà nguyện hoặc chùa trong khuôn viên, trong khi hầu hết xem TV hoặc nghe radio vào ban ngày khi họ không ngủ.
|
|
"Tôi không có ai để trông cậy. Tôi rất cô đơn, vì vậy tôi chỉ đi theo Chúa. Khi tôi chết tôi cũng sẽ theo Chúa", ông 'Pham Van Bac', 83 tuổi, người đã ở trung tâm kể từ năm 1960, nói với AFP. Con gái ông không còn đến thăm ông còn các cháu của ông chỉ đến mỗi năm một lần, vì vậy ông không có nhiều điều để mong đợi trong hầu hết thời gian ở đây.
|
|
Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh phong là ngày 27/1. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, đã có 248 người được điều trị bệnh phong trong năm 2017 tại Việt Nam, giảm hơn một nửa so với một thập kỷ trước đó. Khi tỷ lệ mắc bệnh phong giảm, số lượng bệnh nhân sống tại trung tâm Văn Môn cũng giảm theo.
|
|
Mặc dù sự kỳ thị đối với những người mắc bệnh phong bên ngoài các bức tường của trung tâm đã giảm bớt, nhiều người vẫn thích ở lại Văn Môn. Họ chọn ở lại vì sợ sẽ là gánh nặng cho gia đình hoặc mất đi sự chăm sóc và khoản trợ cấp nhỏ từ nhà nước.
|
|
Một số người như ông Hoa đã tìm thấy bạn đời ở trung tâm. "Đó là nguồn động viên và động lực để họ có thể có cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn", bà 'Nguyen Thi Thai', phó giám đốc bệnh viện, cho biết. Cả cha và mẹ bà đều từng điều trị bệnh phong ở đây.
|
|
"Có khoảng 2.000 người ở đây, chủ yếu là những người trẻ tuổi. Thật vui vì chúng tôi đã thành lập một hiệp hội thiếu niên", ông Hoa, 80 tuổi, nói với AFP khi ngồi trên giường với vợ ông, bà Teo, 54 tuổi. "Đây là ngôi nhà thứ hai của tôi, tôi sẽ sống ở đây cho đến khi chết", ông nói.
|
bệnh viện phong lớn nhất miền bắc
bệnh hủi
bệnh nhân phong
văn môn
trại phong