Với xuất phát điểm là nhà xuất khẩu chuối, từ trước khi nhậm chức, ông Moise đã phải đối mặt với cáo buộc nghi ngờ chỉ là con rối của Tổng thống tiền nhiệm Michel J. Martelly.
Điều này đã báo hiệu một trận chiến ngay từ đầu đối với Tổng thống Haiti Jovenel Moise, New York Times mở đầu bài viết chân dung ông Moise, người vừa bị ám sát tại nhà riêng hôm 7/7, để lại vợ và 3 con.
“Tôi là người của chính tôi”, ông Moise sau đó đã tuyên bố khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2016. Tổng thống thứ 42 của Haiti cam kết sẽ cho thấy những thay đổi tích cực trong vòng 6 tháng nhậm chức.
Trong năm cuối cùng nhậm chức, Tổng thống Moise đã phải đối mặt làn sóng chỉ trích về việc thâu tóm quyền lực. Bất chấp các cuộc biểu tình, ông đã từ chối từ chức và tự lên tiếng bảo vệ mình.
“Tôi không phải một nhà độc tài,” ông nói với New York Times vào đầu năm nay.
Làn sóng chỉ trích
Ông Moise từng là chủ tịch phòng thương mại ở Port-de-Paix, khu vực tây bắc Haiti, trước khi tranh cử tổng thống.
Trước lúc nổi lên như ứng cử viên hàng đầu vào năm 2015, ông được ít người biết đến. Thay vào đó, họ thường gọi ông là “Người chuối”.
Không giống như hầu hết chính trị gia ở Haiti, ông Moise xuất thân từ vùng nông thôn. Trong các cuộc phỏng vấn, ông thường kể lại việc ông lớn lên tại một đồn điền mía như thế nào. Ông học cách làm giàu bằng việc nhìn cha mình buôn bán nông sản.
Thời gian đó cũng khiến ông có những suy nghĩ mới.
“Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi luôn tự hỏi tại sao mọi người lại sống trong điều kiện hạn chế như vậy trong khi còn nhiều vùng đất rộng lớn trống trải”, ông nói. "Tôi tin nông nghiệp là chìa khóa để thay đổi đất nước".
Tổng thống Haiti Jovenel Moise tham dự một lễ kỷ niệm vào tháng 10/2020. Ảnh: Reuters. |
Thế nhưng, trong thời gian giữ chức tổng thống, ông Moise đã bị nhiều người cáo buộc là đã cư xử như một kẻ mạnh, cố gắng thâu tóm quyền lực về tay.
Năm 2019, Tòa án Kiểm toán Cấp cao công bố báo cáo cho biết Tổng thống Moise có liên quan tới một "kế hoạch tham ô", bị cho là bòn rút các khoản dầu viện trợ mà Venezuela cấp cho Haiti trong chương trình Petrocaribe.
Theo báo cáo, 2 trong số các công ty do ông Moise sở hữu đã ký hợp đồng cùng một dự án xây dựng đường bộ. 2 công ty này bị phát hiện có cùng số đăng ký thuế và đội ngũ nhân sự.
Một số người đã chỉ trích đó là kế hoạch của ông Moise nhằm thu lợi nhuận bất chính phục vụ cho chiến dịch tranh cử.
"Công ty xuất khẩu chuối thì liên quan gì đến việc xây dựng đường bộ”, nhiều người chất vấn.
Tổng thống Haiti cũng bị cáo buộc đã sử dụng các băng nhóm bạo lực để trấn áp phe đối lập.
Sau khi vụ bê bối tham nhũng bị tiết lộ, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp đất nước. Khoảng 71 người biểu tình bị tấn công tại một khu phố ở thủ đô Port-au-Prince.
“Sự liên quan của quan chức chính quyền Moise và sĩ quan cảnh sát trong việc lập kế hoạch, thực hiện vụ việc cho thấy chính sách tấn công dân thường của nhà nước", theo nghiên cứu của tổ chức nhân quyền International Human Rights Clinic tại Trường Luật Harvard.
Trước tranh cãi về thời điểm kết thúc nhiệm kỳ, tổng thống Haiti đã từ chối từ chức. Phe đối lập cho rằng ngày kết thúc đáng ra phải rơi vào tháng 2/2021, trong khi ông Moise nói rằng đó là năm 2022.
Ông tuyên bố nhiệm kỳ của mình vẫn còn một năm nữa, từ chối tổ chức các cuộc bầu cử ở cấp địa phương và quốc gia, khiến nhiều vị trí trong bộ máy quản trị nhà nước bị bỏ trống.
Ông cũng cố gắng thông qua một hiến pháp mới, với khả năng mang lại cho chính quyền của mình nhiều quyền lực hơn, đồng thời bảo vệ chức vụ trong nhiều nhiệm kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, những kế hoạch đó trật bánh do đại dịch và tình trạng bất ổn trong nước.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Moise đã vấp phải nhiều chỉ trích. Ảnh: Daily Sabah. |
Cuộc chiến với giới thượng lưu
Ông James Morrell, Giám đốc Dự án Dân chủ Haiti - chuyên giám sát các cuộc bầu cử, không đồng tình với quan điểm cho rằng ông Moise nắm quyền bất hợp pháp.
“Phe đối lập đã chĩa súng vào ông ấy gần như ngay từ đầu”, ông Morrell nói.
Trong khi đó, ngay cả những người chỉ trích tổng thống Haiti thâu tóm quyền lực cũng đồng ý rằng ông đã sử dụng nó để cố gắng chấm dứt tình trạng các công ty độc quyền cung cấp hợp đồng béo bở cho giới thượng lưu quyền lực.
Và điều này khiến ông trở thành kẻ thù của nhiều người.
Tuy nhiên, một số người khác lại coi cuộc “thập tự chinh” của ông là đạo đức giả, vì khi chiến đấu với những kẻ đầu sỏ, chính ông đã trở thành một trong số họ.
“Đối với một số người, ông ấy là một nhà lãnh đạo tham nhũng, nhưng với những người khác, ông ấy là một nhà cải cách”, nhà hoạt động người Haiti ở Miami, ông Leonie Hermantin nhận định.
Ông Pierre Reginald Boulos - một nhân vật đối lập, người đã giúp ông Moïse đắc cử nhưng sau đó cắt đứt quan hệ và trở thành kẻ thù "không đội trời chung" của tổng thống - chia sẻ: “Lịch sử sẽ ghi nhớ ông Moise như một người cứng đầu và dũng cảm, biết mình muốn gì và sẵn sàng chiến đấu vì nó”.
“Từ những gì tôi biết về ông ấy trước khi chúng tôi cắt đứt, đây là một người đàn ông thực sự muốn thay đổi Haiti. Tôi nghĩ mong muốn được nhìn thấy một Haiti mới của ông ấy là có thật”, Boulos nói. “Và ông ấy có nghị lực chẳng giống ai. Một tổng thống làm việc 14, 16, 18, 20 tiếng mỗi ngày".
Một ngày bình thường của ông Moise có thể là lên đường trước bình minh để lái xe 7 tiếng đồng hồ đến thủ đô Port-au-Prince, tham dự cuộc họp kéo dài 2 tiếng và quay trở lại cùng ngày.
Tổng thống Haiti Jovenel Moise là nhân vật gây nhiều tranh cãi. Ảnh: AFP. |
Trong một cuộc phỏng vấn, cựu Thượng nghị sĩ Simon Desras chia sẻ ông Moise dường như đã biết trước rằng mình sẽ phải trả giá bằng mạng sống khi đối đầu với lợi ích của những kẻ giàu có và quyền lực.
“Tôi nhớ trong bài phát biểu của mình, ông ấy nói rằng chỉ nhắm vào người giàu bằng cách chấm dứt hợp đồng của họ”, ông Desras cho biết. “Ông Moise nghĩ ông ấy có thể chết vì việc đó, bởi vì những kẻ này đã quen với việc ám sát và đẩy nhiều người vào chỗ lưu vong”.