Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đời người lính khoác blouse trắng Nguyễn Thiện Thành

“Đời tôi còn một luận án lớn, đó là sức khỏe của thương bệnh binh, đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt đang chìm trong khói lửa chiến tranh”, GS Nguyễn Thiện Thành từng nói.

Đó là lời phát biểu của bác sĩ Nguyễn Thiện Thành khi từ chối lời đề nghị tiếp tục ở lại nghiên cứu hoàn thành luận án tiến sĩ y khoa từ phía Hội đồng Khoa học Liên Xô năm 1960.

Cả cuộc đời, cố giáo sư, tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, đại tá Nguyễn Thiện Thành đã khoác trên mình chiếc blouse trắng, chinh chiến từ Nam ra Bắc. Hòa bình lập lại, ông là thế hệ lãnh đạo đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Bệnh viện Thống Nhất ngày nay. 

Nhìn lại sự nghiệp của người chiến sĩ ấy, tất thảy đồng đội, đồng nghiệp và người thân của ông đều đồng ý với 4 từ: Một đời dâng hiến. 

Quyết không làm nghề "thất đức, ác ôn"

Năm 1939, chàng thanh niên Nguyễn Thiện Thành là một trong số học sinh nhận bằng tú tài loại ưu tại trường Pétrus Ký Sài Gòn (chuyên Lê Hồng Phong ngày nay) và nằm trong danh sách được Cơ quan điều hành giáo dục Đông Dương chọn cấp học bổng sang Pháp du học.

"Nó cho mình học không nghề nào có đức hết. Toàn là nghề thất đức, ác ôn không nên thôi, xin thôi", GS Thành khảng khái kể trong một thước phim cũ.

"Ba cái nghề" - chữ của GS Thành, được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rõ là võ bị, thương mại và chính trị. Ba lĩnh vực mà Chính phủ Pháp buộc học sinh Việt theo học chỉ nhằm đào tạo nhân lực cho bộ máy cai trị của thực dân. Ông thể hiện rõ quan điểm chỉ muốn học y khoa, trở thành bác sĩ.

"Đối với ông cả 3 nghề ấy đều không thể phụng sự đất nước, nhân dân nên ông đã từ chối", Bí thư Nhân hồi tưởng về cha mình.

Vậy là người thanh niên Nguyễn Thiện Thành bắt đầu "nặng nợ" với nghề y kể từ ngày ấy. 

giao su bac si Nguyen Thien Thanh anh 1
Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành (thứ 2 từ trái qua) trong thời gian công tác tại nước ngoài. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Suốt nhiều năm gắn bó với ngành y, BS Thành nổi tiếng với danh hiệu "bác sĩ Filatov", một phương pháp được ông phát hiện trong thời gian bị giam tại khám Chí Hòa (Sài Gòn) năm 1950. Đây là phương pháp chữa bệnh áp dụng nguyên lý biện chứng: Khi các tế bào bị cắt lìa khỏi cơ thể và đem đặt vào môi trường kìm hãm sự sống, tế bào này phải đấu tranh với nghịch cảnh để tồn tại. Từ đó, tế bào ấy tiết ra một chất gọi là biostimuline giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Chia sẻ về ý nghĩa của phương pháp này với chiến trường miền Nam khi ấy, BS Nguyễn Hồng Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, ngâm một trích đoạn trong Trường ca Nguyễn Thiện Thành mà ông sáng tác riêng cho "bác sĩ Filatov":

"Có nghe tiếng vọng non sông 

Quân y khu 9 hàng mong Thiện Thành

Thiện Thành về với phát minh

'Thuyết Filatov, tường trình đổi trao'

Bạn bè ủng hộ, đề cao

'Cấy nhau' trị liệu: Phong trào miền Tây!"

Người chiến sĩ trọn đời vì nước

Kể từ ngày trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn (1945) tới tận khi trở thành đại tá QĐND Việt Nam (1974), mọi bước ngoặt trong cuộc đời bác sĩ Thành dường như đều gắn với lời kêu gọi của Tổ quốc. Ông từng trải qua nhiều vị trí như Trưởng phòng Quân y Khu 9 (1949), Viện phó Viện Nghiên cứu y học Quân sự (1962), Phó chủ nhiệm Phòng Quân y Miền Nam (1964)...

Năm 1964, ông là một trong số ít cán bộ chủ chốt được quân đội cử vào chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển trên chuyến tàu không số (đường "Hồ Chí Minh trên biển"). Ngày ấy, ông ra đi một mình, để lại người vợ cùng con trai mà ông "luôn muốn ở bên cạnh".

giao su bac si Nguyen Thien Thanh anh 2
Ông Nguyễn Thiện Thành và bà Dương Thị Minh khi còn trẻ. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Là học trò của GS Thành và là thế hệ thứ 5 lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất, GS.TS Nguyễn Đức Công đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời người thầy mình ngưỡng mộ. Ông kể lại thời điểm GS Thành vào Nam chiến đấu bất chấp tình trạng sức khỏe yếu, để lại người con trai duy nhất lại miền Bắc. Bà Minh sau đó vì "rất lo cho sức khỏe của chồng" nên đã để con thơ 10 tuổi lại miền Bắc, vào chiến trường miền Nam, cùng chồng kháng chiến trường kỳ. 

Theo lời kể của bà Dương Thị Minh (vợ GS Thành), thời điểm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, hai vợ chồng tha thiết nhớ con nhưng ông Thành ít khi than với bà vì sợ bà đau lòng. Phải 10 năm sau giải phóng, cả gia đình mới thật sự được đoàn tụ bên nhau.

giao su bac si Nguyen Thien Thanh anh 3
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cùng cụ Dương Thị Minh (mẹ) và bà Lê Thị Hòa Bình (vợ) tại lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhật GS Nguyễn Thiện Thành. Ảnh: Thu Hằng.

Hòa bình lập lại, BS Thành trở thành giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất, tiếp tục công cuộc nghiên cứu khoa học. Tại đây, ông đã đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển chuyên ngành Lão khoa. Ông đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất hai loại dược phẩm mới là Kaglutam và Spiruina (tảo xoắn xanh của Việt Nam) có tác dụng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Nói về ý nghĩa của 2 loại thuốc này, BS Trần Thị Thơ, nguyên Trưởng khoa Điều trị Cán bộ Cao cấp, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết trong hoàn cảnh khó khăn, việc tự sản xuất được các loại thuốc tại chỗ, được kiểm nghiệm thì sẽ rất tiết kiệm và thuận lợi cho các bác sĩ. 

Nhớ về người thầy của mình, bà Thơ chia sẻ rằng ông không chỉ nổi tiếng về chuyên môn mà còn được đồng nghiệp nể trọng bởi tinh thần hết lòng vì bệnh nhân.

"Ngày ấy, 7h mới họp giao ban nhưng 7h kém 15 phút tôi đến khoa là đã thấy GS Thành thăm khám bệnh nhân rất tỉ mỉ, cẩn thận. Lấy thầy làm gương, chúng tôi (các bác sĩ tại BV Thống Nhất) cũng rất cẩn thận, trung thực trong thăm khám và cố gắng hết lòng với bệnh nhân", bà Thơ bộc bạch.

GS.TS Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 30/9/1919 tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, Trà Vinh. Ông qua đời ngày 8/10/2013 tại nhà riêng ở TP.HCM, hưởng thọ 95 tuổi.

Ông được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng 16 huân, huy chương các loại; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; danh hiệu Anh hùng lao động (1985); danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (1989).

GS.TS Nguyễn Thiện Thành là thân sinh của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

* Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn sách "Giáo sư Nguyễn Thiện Thành - Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng" (NXB Quân đội Nhân dân).

Bí thư Nhân kể về người cha Nguyễn Thiện Thành

"Cụ không kể rằng từng gặp Bác Hồ và được Bác khen. Có lẽ tôi vẫn chưa biết hết về ba mình", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.


Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm