Không có gì trên đời áp lực bằng kỳ vọng, áp lực ấy đè nặng lên mỗi người chúng ta, những ước vọng, mong muốn thôi thúc họ vươn lên, vươn lên mãi, gánh trên vai niềm tin của những người thương yêu, của những đứa con thơ, của một gia đình nhỏ, của những gì thân thương. Áp lực, kỳ vọng và trách nhiệm làm nên một con người trưởng thành.
Sách Bánh xe số phận. |
Nhưng đối với những đứa trẻ được ông trời trao tặng tư duy thiên phú, gánh trên vai không chỉ là sự kỳ vọng của những người thương yêu mà còn của vô số những người khác, của trường học, của quê hương, của những người tự trao cho họ phải có trách nhiệm dìu dắt những đứa trẻ ấy trở thành một người vĩ đại; chuyện gì xảy ra đối với những thần đồng như thế?
Không phải đến tận bây giờ chúng ta mới quan tâm và tìm hiểu về số phận của những đứa trẻ bị “chín ép” ấy, ở Bánh xe số phận của Hermann Hesse ra đời cách đây hơn 100 năm, số phận của một thần đồng với tất cả những điều tuyệt vời và bi kịch của cuộc đời cũng đã được khắc họa.
Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết là Hans Giebenrath, một cậu bé xuất thân không có gì đặc biệt ở một vùng không có gì đặc biệt tên là Rừng Đen với những thiên phú của một thần đồng, và cũng mang trong mình những bi kịch của những thần đồng.
Trưởng thành trong sự quan tâm đặc biệt từ những người thầy, mục sư, gia đình và cả cộng đồng, Hans Giebenrath gánh trên vai trách nhiệm là thí sinh duy nhất của Rừng Đen tham gia “kỳ thi Quốc gia”, nơi nhà nước tuyển chọn ra những thí sinh giỏi nhất để được hưởng một nền giáo dục miễn phí phục vụ cho đất nước sau này.
Đây cũng là con đường duy nhất để trở thành một người vĩ đại, khi mà học phí học trung học và đại học vượt quá khả năng của bất cứ người dân bình thường nào.
Để đạt được điều ấy, Hans Giebenrath phải từ bỏ đi những thú vui của tuổi trẻ, thời thiếu niên bên những khu rừng, những người bạn và những trò chơi con trẻ. Thiếu niên của cậu là những giờ học đến đêm, những môn tiếng Hy Lạp, Latin, Do Thái cổ, toán học… những môn học được dùng để thi trong “Kỳ thi Quốc gia” vào chủng viện Cistercian Maulbronn và được học tại đây trong những năm tiếp theo.
Tác giả Hermann Hesse. |
Cả cuộc đời của Hans Giebenrath được dùng để học. Học với cậu không phải là một sự ép buộc, tìm kiếm tri thức mà với cậu chính là đam mê và vươn lên để trở thành người dẫn đầu, đấy mới là động lực của mọi hành động.
Phải chăng đấy chính là điểm chung của mọi thần đồng, cũng chính là bi kịch của mọi thần đồng. Con người ta chỉ sống đúng nghĩa là khi được làm những gì mình muốn, là sống chứ không phải là để vươn lên đứng đầu và sống vì kỳ vọng của những người khác.
Việc bị cuốn vào quỹ đạo của chàng thi sĩ Hermann Heilner nổi loạn và phóng túng không phải là cuộc đời mà cậu mong muốn. Đó là một tình bạn nguy hiểm mà ngay từ đầu cậu bị cuốn theo bởi sự tươi mới của người bạn so với sự khô khan của kinh viện.
Tiếng Hy Lạp cổ, tiếng Do Thái cổ, tiếng Latin, toán học và những điều khác nữa cũng không phải là cuộc đời của cậu. Lúc nào cũng muốn vươn lên hàng đầu, muốn vượt qua tất cả những kỳ thi, vượt qua những người bạn đồng trang lứa không phải là một cuộc đời của cậu.
Sự si mê, nụ hôn đầu đời, những buổi hẹn hò lúc tối muộn trời đông với một mối tình với một cô gái không thực sự yêu cậu cũng không phải là cuộc đời của cậu.
Việc lao động chân tay tại một xưởng cơ khí, ngày ngày giũa những thanh kim loại, làm việc đến mệt nhoài và quan hệ với những người có lối sống khác hoàn toàn với lối sống trước đó của Hans Giebenrath cũng không phải là cuộc đời của cậu.
Không điều gì trong những thứ cậu làm, cậu sống, cậu thực hiện và suy nghĩ là những gì cậu muốn, chúng đều là những gì mà người khác tác động, là số phận đưa đẩy đến Hans.
Tất cả những điều ấy đều bắt nguồn từ chính áp lực mà những người xung quanh đè nặng lên đôi vai của Hans Giebenrath, từng chút một khiến cậu theo một cuộc sống mà tất cả kỳ vọng để rồi đánh mất chính mình.
Gánh trên vai trách nhiệm quá lớn lao khiến những cơn đau đầu đến. Và áp lực học tập, khi không còn động lực của hi vọng dẫn đầu chống đỡ, đã kéo sụp con người ấy. Để rồi sau đó là những cơn mộng mị trong lớp học, thả hồn vào những miền xa lạ trong sách vở. Đó là lúc cậu trốn chạy cuộc sống, trốn chạy những gì đang diễn ra không thể theo nguyện ước.
Đến khi cậu chết, cái chết mà cậu đã luôn nghĩ đến trong nhiều tháng cuối cùng của cuộc đời, khi lưỡi hái của thần chết và cái lạnh giá của mùa đông đưa cậu đi vào hư vô, không biết tất cả những người đã từng bước đẩy cậu đến cái chết kia, ai thương xót cậu thật lòng?
Được xem là cuốn hồi ký của chính nhà văn Hermann Hesse về những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, Bánh xe số phận chính là một vở bi kịch, mà ở đó nhiều cuộc đời của những thần đồng bị số phận vùi lấp trong áp lực, quá ít trong số đó có thể thực sự nổi tiếng và ghi dấu vào lịch sử. Bản sách được dịch giả Phạm Đức Hùng chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Đức.
Hermann Hesse (2/7/1877-9/8/1962) là nhà thơ, nhà văn và họa sĩ vĩ đại người Đức. Năm 1891 ông vào Trường Thần học Tin lành ở Maulbronn (Đức) nhưng đã trốn khỏi đây sau vài tháng nhập học. Chính ở trong trường Thần học Maulbronn, cá tính chống đối của ông đối với nền giáo dục kinh viện cũng như sự hà khắc trong học tập đã được bộc lộ. Người ta tìm thấy Hesse lang thang trên cánh đồng một ngày sau khi ông trốn khỏi Maulbron, tiếp theo đó là căn bệnh trầm cảm và ý định tự tử trong suốt quãng thời gian tiếp theo…
Năm 1946, Hermann Hesse được trao tặng hai giải thưởng danh giá là Goethe và Nobel Văn chương.