Cuộc đời cơ cực của 'nữ hoàng điền kinh chân đất' Việt Nam
Từng thống trị đường chạy trong nước, được cử đi thi đấu ở Olympic nhưng cuộc đời "nữ hoàng điền kinh chân đất" Trần Thị Soa lại vô cùng cơ cực, kinh tế khó khăn, con cái tật nguyền.
Từ thanh niên xung phong thành nữ hoàng điền kinh Việt Nam
Hưởng ứng phong trào toàn dân chống Mỹ cứu nước, đang học cấp hai, nữ sinh Trần Thị Soa (Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) lên đường tham gia thanh niên xung phong. Cũng từ những lần đi phá bom mìn, lãnh đạo đơn vị đã phát hiện ra Soa có năng khiếu điền kinh vì luôn nhanh chân hơn các đồng đội.
“Năm 1972, đơn vị bảo tôi đại diện tham gia giải điển kinh thanh thiếu niên toàn tỉnh Nghệ Tĩnh. Lãnh đạo bảo thì tôi tuân thủ. Chẳng luyện tập gì nhưng đi thi thì tôi ẵm luôn giải nhất. Hơn một năm sau, tôi lại được cử đi dự giải việt dã "Tiến về Thủ đô" tổ chức tại Hà Nội nhưng chỉ đứng thứ 5. Sau lần đó, tôi rất bứt rứt. Tôi xác định đã làm cái gì thì phải làm cho tốt chứ đứng thứ 5 thì làng nhàng quá. Vậy là tôi lao vào luyện tập. Từ năm 1975 tới 1980, tôi không có đối thủ, liên tiếp giành vị trí số một ở giải quốc gia”, bà Soa kể lại những năm tháng hào hùng trong cuộc đời mình.
Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc bà Trần Thị Soa thi đấu ở giải việt dã "Tiến về Thủ đô". |
Từ một thanh niên xung phong, cô gái sinh ra tại Hà Tĩnh trở thành một tượng đài của điền kinh Việt Nam, liên tiếp được cử đi thi đấu quốc tế. Năm 1979, bà Soa được sang Cuba tham gia giải điền kinh thanh niên, sinh viên toàn thế giới. Một năm sau, bà là đại diện duy nhất cho Việt Nam tham dự Olympic Moscow 1980.
Điều đặc biệt nhất ở nữ hoàng điền kinh Việt Nam là bà không quen đi giày, thường thi đấu với đôi chân đất. “Đi giày tôi thấy bí bách sao đó. Lúc tập hay thi đấu tôi thường đi chân đất. Lắm hôm chạy về xong chân rớm máu. Cũng may là tôi thuộc loại tốt máu, cứ lấy cái áo cũ lau qua, chẳng cần rắc thuốc men gì, thế là mai lại chạy ngon. Nói thế thôi chứ khi ra nước ngoài thi đấu, tôi cũng đi giày đàng hoàng. Biết là khó chịu nhưng mình cũng phải giữ thể diện quốc gia. Tại giải đấu tại Cuba hay Moscow tôi đều phải chật vật làm quen với việc đi giày để thi đấu”, bà Soa kể lại.
Chiếc cup vô địch quốc gia mà bà Soa giữ lại làm kỷ niệm. |
Nỗi cơ cực nữ hoàng điền kinh Việt Nam
Những giải thưởng, mác nữ hoàng điền kinh Việt Nam chẳng mang lại cho bà Soa khoản kinh tế đủ để trang trải cho gia đình. Khi chưa đến tuổi hưu, bà được sắp xếp công việc cắt cỏ ở sân Vinh, lo những công việc lặt vặt ở Sở văn hóa, thể thao và du lịch Nghệ An. Giờ khi đã nghỉ hưu, bà xin làm công việc quét dọn ở CLB SLNA, trông xe cho sân bóng cỏ nhân tạo gần SVĐ Vinh để kiếm thêm đồng ra đồng vào.
“Thi đấu giành thành tích cao, được ca ngợi, tung hô nhưng thu nhập thì chẳng có gì. Tôi nhớ hồi những năm 1975-1980 tôi liên tục giành vị trí số một ở giải quốc gia nhưng phần thưởng cũng chỉ là vài mét vải và chiếc cup bằng sắt. Để có được căn nhà chui ra chui vào, hai vợ chồng tôi cũng phải chạy vạy khắp nơi, làm đủ mọi công việc. Giờ ngày tôi đi quét dọn ở CLB SLNA, chiều tối đi trông xe ở sân bóng cỏ nhân tạo, cũng kiếm được đồng để nuôi thân”, bà Soa tâm sự trong nỗi buồn.
Con trai út bà Soa là một xạ thủ, đã giành được không ít huy chương nhưng giờ làm nghề lái xe. |
Nếu như buồn vì kinh tế khó khăn một thì bà Soa buồn về các con gấp trăm ngàn lần. Bà bảo anh con cả của bà sinh ra kháu khỉnh, đẹp trai lắm. Năm 8 tuổi bị sốt, nếu điều trị đúng thì chẳng sao. Tuy nhiên, bác sĩ ở Vinh trình độ kém, tiêm thuốc không đúng, anh bị teo cơ dần, thế rồi thành tật nguyền, chỉ có thể nằm một chỗ.
“Tôi vẫn nhớ người bác sĩ làm con tôi ra nông nỗi như thế nhưng kiện cáo để làm gì, chỉ thêm đau. Mới đây thằng cả bỏ tôi đi hẳn rồi. Nhưng thế cũng là tốt cho hắn, đỡ phải chịu cảnh đau đớn thêm nữa”, bà Soa nói trong nước mắt.
Mọi hi vọng của bà Soa đổ cả vào cậu con út sinh năm 1985. Cậu cũng có năng khiếu thể thao, được tuyển chọn vào đội bắn súng của Nghệ An, giành được không ít huy chương. Tuy nhiên, đột ngột đội bắn súng của Nghệ An bị giải tán, anh đành bỏ nghiệp VĐV, học lái xe, chạy ở cảng để kiếm tiền nuôi sống gia đình.
“Tôi tiếc cho hắn, có tài nhưng rồi không gặp may. Giờ hắn đi lái xe ở cảng, thi thoảng mới có thời gian ghé về nhà thăm mẹ, thăm vợ. Chỉ có mỗi cô con gái thứ hai của tôi là bớt vất vả hơn chút, giờ làm HLV điền kinh”, bà kết lại với ánh mắt trầm ngâm.
Lâm Thỏa
Theo Infonet