Ngày 4/10, đại diện Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim (IATSE) cho biết có gần 99% thành viên - tương đương 52.706 người - đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc đình công lớn nhất Hollywood. Các thành viên ký vào đơn đòi quyền lợi cho nhân viên hậu đài, người lao động của các hãng phim và dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Apple và Amazon.
Họ yêu cầu các tập đoàn lớn trả lương cao hơn cho nhân viên, đảm bảo họ có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý. Theo ABC News, hoạt động sản xuất phim và truyền hình ở Bắc Mỹ lâm vào thế khó nếu các nhân viên hậu trường quyết định đình công.
Nếu được thông qua, đây là lần đình công lớn nhất trong lịch sử Hollywood.
Thành viên của IATSE dàn dựng thảm đỏ tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 93. Ảnh: New York Times. |
Nhân viên hậu trường đòi quyền lợi
“Tôi hy vọng rằng các hãng phim nhìn thấy và hiểu được quyết tâm của chúng tôi. Nếu muốn tránh đình công, họ phải thương lượng và đưa ra đề nghị hợp lý”, Matthew Loeb, chủ tịch của liên minh nói trong một tuyên bố.
Theo ABC, hợp đồng gần nhất giữa hãng phim và các nhân viên phần lớn hết hạn vào tháng 7. Họ đang trong quá trình đàm phán để tiếp tục làm việc. Song, một ngày sau các bộ phim The Crown, Ted Lasso và The Queen's Gambit giành chiến thắng ở Emmy, mọi chuyện không được như mong đợi.
Loeb cho biết mục tiêu của liên minh là đạt được thỏa thuận, không phải tranh chấp. Cuộc bỏ phiếu đòi đình công với mong muốn đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, chất lượng cuộc sống, sức khỏe và sự an toàn của người làm việc trong ngành điện ảnh và truyền hình.
Đại diện liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim cho biết họ “không thể hiểu nổi” Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình Mỹ (AMPTP) - tổ hợp gồm các tập đoàn truyền thông trị giá tỷ USD - lại không thể đảm bảo nhu cầu cơ bản như ngủ đủ giấc và lương đủ sống cho nhân viên hậu trường.
Gần 99% thành viên Liên minh Quốc tế về nhân viên đoàn làm phim đồng ý đình công. Ảnh: AP. |
Liên minh cho biết thêm các thành viên của họ đã làm việc xuyên suốt dịch Covid-19 để đảm bảo hoạt động cho các hãng phim nhưng kết quả nhận lại không xứng đáng. “Giờ đây, chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận thỏa thuận khiến bản thân chịu thiệt”, Loeb nói thêm.
“Mọi người đang mệt mỏi. Họ muốn về nhà với gia đình và ngủ đủ giấc”, G. Victoria Ruskin, trợ lý giám đốc nghệ thuật ở New York đã bỏ nghề, nói với Forbes. Ông cho biết bản thân không chịu được áp lực làm việc 15 giờ/ngày, không có thời gian cho gia đình.
Theo Forbes, nhu cầu sản xuất phim bùng nổ sau thời gian gián đoạn vì đại dịch. Chi tiêu toàn cầu cho các chương trình dự kiến đạt 225 tỷ USD trong năm nay, tăng 60 tỷ USD so với 5 năm trước.
Song, việc không đảm bảo nhu cầu cơ bản cho nhân viên khiến họ bức xúc. Thành viên của liên minh gọi đây là “nền văn hóa áp bức”, người lao động phải làm việc 12giờ/ngày, thậm chí nhiều hơn.
Tại cuộc biểu tình cuối tuần ở Hollywood, Michael Miller - Phó chủ tịch IATSE - nói: “Không có gì vinh dự khi phải khoe khoang làm việc 16 giờ trong hai ngày liên tục hay chuyện ngủ ít như thế nào”.
Ngoài việc đòi được đối xử công bằng, đảm bảo ăn uống đầy đủ, IATSE muốn các công ty đảm bảo lương hưu và bảo hiểm y tế cho người lao động. Họ đòi có được quyền lợi song song với thành công của các ông lớn phát trực tuyến như Netflix, Amazon và Disney+.
Theo New York Times, việc lương của nhân viên trong hậu đài giảm lý do lớn đến từ chính sách chi số tiền lớn để mời sao hạng A, đạo diễn và nhà sản xuất có tiếng nhằm thu hút người dùng của các dịch vụ phát trực tuyến.
Các nhà sản xuất nói gì?
Sau thông tin nhóm làm việc trong hậu trường đòi đình công, Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình Mỹ (AMPTP) cho biết họ đang đàm phán với IATSE, đồng thời nhấn mạnh ngành công nghiệp còn trong quá trình hồi phục sau cuộc suy thoái kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Theo Forbes, tuyên bố này ngụ ý họ không đủ khả năng cung cấp cho IATSE mọi thứ mà tổ chức yêu cầu.
“IATSE đưa ra sáng kiến ưu tiên cho nhân viên hậu trường, bao gồm giải quyết thâm hụt lương hưu, bảo hiểm, thời gian nghỉ ngơi, tăng lương… AMPTP đã lắng nghe và giải quyết nhiều nhu cầu của họ”, đại diện liên minh nói trong tuyên bố.
AMPTP đồng thời khẳng định họ cam kết giữ cho Hollywood tiếp tục hoạt động, nhất là khi kinh đô điện ảnh dần trở lại sau đại dịch.
“Chúng tôi đang thương lượng, yêu cầu hai bên làm việc một cách thiện chí, sẵn sàng thỏa hiệp và tìm ra giải pháp mới giải quyết những vấn đề còn bỏ ngỏ”, tuyên bố cho biết.
Thành viên Hiệp hội Biên kịch Mỹ biểu tình trước cổng Paramount Pictures năm 2007. Ảnh: AP. |
Theo USA Today, đây không phải lần đầu Hollywood xảy ra những cuộc đình công. Cuối năm 2007, Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) quyết định dừng làm việc trong 100 ngày, đòi quyền được hưởng nhiều hơn từ các bộ phim.
Cuộc đình công kéo dài 14 tuần khiến việc sản xuất phim và series truyền hình tạm dừng. Theo New York Times, vụ việc khiến nền kinh tế California thiệt hại 2,1 tỷ USD, ảnh hưởng đến 37.700 việc làm.
Năm 1945, có đến 10.500 thành viên từ Liên minh các Công đoàn studio đình công, ngừng sản xuất bộ phim Duel in the Sun của David O. Selznick. Sau nhiều tháng không có giải pháp, một cuộc bạo loạn nổ ra tại cổng trường quay của Warner Bros.. Truyền thông Mỹ gọi đây là “thứ sáu đen tối của Hollywood”.
Lo sợ những thiệt hại trong quá khứ tiếp diễn, 120 thành viên của Quốc hội Mỹ, bao gồm Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thông qua quyết định chung, yêu cầu Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình Mỹ tổ chức đàm phán, đưa ra hợp đồng công bằng.
“Việc không đạt được thỏa thuận đe dọa không chỉ sinh kế người lao động mà còn tác động đến các thành viên trong gia đình họ. Những người đang làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh sẽ gây ra làn sóng chấn động nền kinh tế Mỹ”, đại diện Quốc hội Mỹ gửi lời đến AMPTP.