Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc di tản gần 200 bệnh nhân để nhường chỗ cho bệnh viện dã chiến

"Chúng tôi rất băn khoăn vì lúc đó có gần 200 bệnh nhân khác đang điều trị. Họ chưa có kết quả xét nghiệm Covid-19 thì di tản số người này thế nào?", ông Hoàng Ngọc Lân chia sẻ.

nhuong cho cho benh vien da chien anh 1

Sau khi dịch Covid-19 bùng lên ở Hải Dương, Trung tâm Y tế TP Chí Linh được chọn trở thành Bệnh viện dã chiến số 1 để điều trị cho lượng lớn bệnh nhân Covid-19.

Một cuộc sàng lọc nhanh chóng diễn ra để giải phóng bệnh nhân nhằm nhường chỗ cho bệnh viện dã chiến.

Ông Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Chí Linh, nay là Bệnh viện dã chiến 1, đã chia sẻ với Zing về quá trình đầy vất vả này.

- Cùng gặp phải trường hợp có ca F0 đến khám, Trung tâm Y tế Chí Linh xử lý như thế nào để không trở thành ổ dịch như Bệnh viện C Đà Nẵng?

- Ngay từ đầu khi nhận tin có ca bệnh Covid-19 quê Hải Dương đã nhập cảnh sang Nhật Bản, chúng tôi nắm được có 2 người phụ nữ cùng làm công ty đó đến đây khám. Chúng tôi khả nghi và đã tách họ ra khám riêng, đồng thời tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm.

Điều đặc biệt ở 2 ca mắc này, họ hoàn toàn không sốt, ho và chỉ hơi mệt. Thực sự là quá may mắn vì kết quả sau đó cho thấy 2 người này dương tính với Covid-19.

- Khi được yêu cầu phải chuyển thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, trung tâm đối mặt với những khó khăn gì và giải phóng bệnh nhân thế nào?

- Lúc đầu, khi nhận được nhiệm vụ chuyển thành Bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19, chúng tôi rất lúng túng. Bởi, chúng tôi mới chỉ tiếp cận cách điều trị ở trên sách vở và báo đài. Cụ thể, làm như thế nào, chúng tôi chưa hình dung ra.

Chúng tôi cũng rất băn khoăn khi lúc đó có gần 200 bệnh nhân khác đang điều trị. Họ chưa có kết quả xét nghiệm Covid-19 thì giải phóng họ thế nào?.

Gần 200 bệnh nhân khác đang điều trị, chưa có kết quả xét nghiệm Covid-19 thì giải phóng họ thế nào? Không ai dám quyết định.

Ông Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Chí Linh

Đây là một câu hỏi rất khó trả lời và không ai dám quyết định mà buộc lòng phải chờ mất một ngày rưỡi, chúng tôi mới có kết quả xét nghiệm tất cả đều âm tính.

Mất nửa ngày sau, chúng tôi mới giải phóng hết toàn bộ số bệnh nhân đó. Trường hợp nhẹ, chúng tôi cho ra viện, về cách ly tại nhà. Bệnh nhân trung bình, chúng tôi chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Sách. Còn trường hợp nặng, chúng tôi chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Sau khi giải phóng bệnh nhân xong, chúng tôi chỉ giữ lại 2 bệnh nhân Covid-19 và cho chuyển qua khoa Truyền nhiễm.

Đối với việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, chuyên gia đã tập huấn về chuyên môn và kịch bản cho chúng tôi trong thời gian 2 ngày 2 đêm.

Bên trong bệnh viện dã chiến ở Chí Linh Sau hơn một tuần điều trị, sức khỏe của tất cả bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến số 1 (TP Chí Linh, Hải Dương) đều ổn định.

- Để trở thành bệnh viện dã chiến, trung tâm phải bổ sung cơ sở vật chất như thế nào?

- Chúng tôi khi đó chỉ là bệnh viện hạng 2, những xét nghiệm, vận hành máy móc phức tạp, chúng tôi không được phép làm.

Khi thành lập bệnh viện dã chiến, buộc các chuyên gia phải lập ra những danh sách trang thiết bị yêu cầu chúng tôi cần có ngay.

Do chúng tôi là F1, không thể ra ngoài. Sau đó, có những thứ chúng tôi phải đi vay, đi mượn hoặc mua. Những đồ mua như vật tư, thuốc men, xe của các công ty không vào được bên trong do lệnh phong tỏa. Chúng tôi phải thuê xe ra chốt chở về.

Trong 3 ngày, chúng tôi chuẩn bị xong để bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động. Một quá trình rất mệt mỏi và khó khăn.

- Ngay sau đó, bệnh viện dã chiến đón nhận lượng lớn bệnh nhân Covid-19 và đến nay là 164. Bệnh viện đã làm thế nào để không xảy ra lây chéo cho các cán bộ, bác sĩ, y tá và nhân viên?

- Để điều trị, chúng tôi yêu cầu người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân không được ra ngoài và chỉ nhắn tin cho ekip ở tầng thứ 2. Sau khi xem các chỉ số của người bệnh, một người gửi ra nhóm trưởng. Tiếp theo, người này lại gửi ra khu làm bệnh án.

Như vậy, chỉ có 2 người tiếp xúc trực tiếp thường xuyên. Những người còn lại làm trong đó đủ 2 tuần mới rút ra cho kíp khác vào chứ không thay hẳn lực lượng hàng ngày.

Mục đích là để điều trị cho bệnh nhân nhưng không được lây cho nhân viên y tế. Quá trình làm việc, nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ cấp 4, mang khẩu trang N95. Khu vực ra vào được kiểm soát nghiêm ngặt, các lực lượng và bệnh nhân đều có lối đi riêng.

- Trong quá trình truy vết bệnh nhân và điều trị, đơn vị gặp những khó khăn gì?

- Thời gian ngủ của chúng tôi rất ít, có những bộ phận cả đêm truy vết. Có những ca bệnh thông tin không rõ ràng, 2-3 ngày sau vẫn không truy vết được. Cá biệt, có những trường hợp chúng tôi không biết họ chống đối hay không mà chỉ trả lời điện thoại bị hỏng.

Trong 3 ngày, chúng tôi chuẩn bị xong để bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động. Một quá trình rất mệt mỏi và khó khăn.

Ông Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Chí Linh

Còn việc điều trị bệnh nhân Covid-19 với chúng tôi thực sự mới. Cách sử dụng các loại thuốc hoàn toàn khác.

Rất vui mừng, chúng tôi đã tiếp cận tốt và đến bây giờ, chúng tôi có thể đương đầu được, trừ những trường hợp nặng.

- Tình hình sức khỏe của các bệnh nhân thế nào?

- Dưới sự chỉ đạo của chuyên gia, chúng tôi đã sàng lọc tất cả các ca dương tính về đây. Trường hợp có bệnh lý nền được đưa vào một khu riêng, ăn uống riêng. Bệnh nhân có sức khỏe tốt hoặc lai lịch không rõ ràng cũng được bố trí 2 nơi khác nhau.

Ngoài 164 ca đang điều trị tại đây, chúng tôi đã chuyển 13 người lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì họ tiến triển nhanh, nặng, khó thở, không sốt nhưng huyết áp và oxy tụt. Có những ca, phổi có dấu hiệu tổn thương.

Trong số 13 ca này, đến nay, chỉ còn 1 bệnh nhân thở 1 lít oxy/phút, 12 người còn lại sức khỏe ổn định, không còn nguy hiểm tính mạng.

- Hiện tình hình ở Chí Linh được đánh giá khá ổn, số ca bệnh giảm, việc điều trị ca bệnh đảm bảo. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn rất khó lường, điều gì khiến ông lo lắng nhất?

- Điều tôi lo nhất nằm trong các khu cách ly.

Do điều kiện một số nơi chưa tốt, khoảng cách chưa đảm bảo, ý thức người dân không tốt, tụ tập nói chuyện. Đó là nguồn lây cực lớn và nhanh.

- Vậy chính quyền đã có những quy định nào để hạn chế điều đó?

- Ban Chỉ đạo tỉnh đã yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ phải thường xuyên kiểm tra khu cách ly và nhắc nhở người dân.

Ngay chiều 4/2, lãnh đạo tỉnh họp và bàn về việc có quy định nghiêm hơn đối với các trường hợp chấp hành kém trong khu cách ly.

Đó là nếu bắt quả tang tụ tập thì đưa đi khu cách ly khác yêu cầu tính lại thời gian từ đầu. Mục đích để răn đe và làm gương cho người khác.

Nếu muốn ngăn chặn dịch thì phải song hành như vậy, ý thức người dân trong khu cách ly và cộng đồng cần tốt hơn. Bên trong điều trị cho các bệnh tốt thì phía ngoài phải cách ly tốt. Có làm được điều đó, dịch bệnh mới sớm đẩy lùi.

Những ngày cuối tháng 1, Nhật Bản phát hiện ca mắc Covid-19 là một người phụ nữ 32 tuổi quê Hải Dương (từng làm việc tại Công ty TNHH POYUN, trong Khu công nghiệp Cộng Hòa, TP Chí Linh) nhập cảnh qua.

Từ ca bệnh này, Việt Nam phát hiện ổ dịch Covid-19, lây lan trong cộng đồng lớn nhất từ trước tới nay xuất phát từ công ty trên.

Nhận được thông tin đó, Trung tâm Y tế TP Chí Linh chủ động rà soát, phát hiện 2 nữ công nhân từng đến khám. Nguy cơ xảy ra ổ dịch như Bệnh viện C Đà Nẵng.

Hải Dương cần thay đổi chiến lược chống dịch

TS Vũ Minh Điền cho rằng việc xuất hiện các ca mắc mới ở nhiều huyện là tiếng chuông cảnh báo cho Hải Dương. Toàn tỉnh Hải Dương cần thay đổi chiến lược chống dịch.

Hải Dương phong tỏa huyện Cẩm Giàng

Chủ tịch Hải Dương ký quyết định phong tỏa toàn bộ huyện Cẩm Giàng sau khi địa phương này phát hiện 2 cán bộ ngành điện lực mắc Covid-19.

Nguyễn Dương thực hiện

Bạn có thể quan tâm