"Bất cứ ai không tin vào giá trị của chúng tôi và muốn đến Pakistan đều được hoan nghênh. Chúng tôi sẽ không ngăn chặn họ, chúng tôi thậm chí sẽ trả tiền vé cho họ!", một người hét lên bằng tiếng Hindi trên nền giai điệu điện tử xập xình. Trong một đoạn nhạc khác, người ta nghe thấy câu "Hoan hô Hindustan" (tên gọi lịch sử của Ấn Độ).
Bản nhạc pha trộn giữa nhạc techno, nhạc trance, âm nhạc dân gian truyền thống mang màu sắc tôn giáo của Ấn Độ thu hút gần 9 triệu lượt xem trên YouTube. Được tải lên bởi một nhạc sĩ 20 tuổi có tên DJ Lucky, tiêu đề của bản nhạc được dịch là "100% đảm bảo tất cả anh em Hindu sẽ nhảy liên tục theo bản nhạc này".
Một thợ điện Ấn Độ lắp đặt loa trong một lễ hội âm nhạc ở thành phố Prayagraj. Ảnh: AFP/Getty. |
Đây là Bhakti Vibration, một thể loại nhạc điện tử mới ở Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, nổi tiếng với việc "remix" phát ngôn của các nhà lãnh đạo tôn giáo, các ngôi sao Bollywood và các chính trị gia, bao gồm cả Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, theo CNN.
Một số tác phẩm thuộc thể loại này tập trung vào "Bhakti" - nhạc Hindu giáo (tức Ấn Độ giáo), trong khi số khác mang sắc thái chính trị và âm hưởng dân tộc chủ nghĩa sâu sắc hơn.
Hình đại diện video một bản nhạc của DJ Sandeep, nhạc sĩ ở Faizabad, bang Uttar Pradesh, với hơn 3 triệu lượt xem trên YouTube, có ghi dòng chữ "Người Hồi giáo tốt hơn nên tránh xa".
Tiêu đề của nó được dịch ra là "Sau khi xem video này, tất cả người Pakistan sẽ bị ảnh hưởng". Bài hát lấy nguyên mẫu từ các bộ phim Bollywood về đề tài ái quốc và các bài phát biểu chính trị về việc hy sinh mạng sống cho đất nước.
Bất chấp tính chất chính trị mạnh mẽ của nhiều bản nhạc Bhakti Vibration, bao gồm cả tác phẩm của mình, DJ Lucky phủ nhận việc tạo ra bất cứ thứ gì ngoài giải trí.
"Tôi không tạo ra âm nhạc để gieo rắc lòng thù hận, với tư cách một nghệ sĩ, tôi tạo ra âm nhạc mà mọi người thích và tôi thích", anh nói với CNN.
Một số bản nhạc phổ biến nhất của Bhakti Vibration dựa trên các hình thức âm nhạc truyền thống của Ấn Độ giáo. Ảnh: Getty. |
Trong những lần đăng tải gần đây, anh đã đưa ra tuyên bố từ chối trách nhiệm bằng dòng chữ "Không cố ý làm tổn thương bất kỳ tôn giáo hay cảm xúc hoặc thiếu tôn trọng bất kỳ cá nhân hay quan điểm nào trên mọi phương diện".
Tuy nhiên, đối với các nhà phê bình, Bhakti Vibration không phải vô hại. Họ coi đó là một phần của làn sóng chống Hồi giáo đang nổi lên ở Ấn Độ, nguyên nhân dẫn đến những cuộc tấn công tàn bạo và các vụ bạo lực tập thể.
Sùng đạo và căng thẳng cộng đồng
Hầu hết DJ làm nhạc Bhakti Vibration là những chàng trai trẻ ở độ tuổi thiếu niên và tuổi đôi mươi. Trong những năm gần đây, họ đã thành lập một cộng đồng trực tuyến mạnh mẽ, chia sẻ các mẹo về chỉnh sửa, sản xuất và cách quảng bá âm nhạc của họ trên YouTube.
Các bài hát phổ biến nhất thuộc thể loại mới tập trung vào sự tôn sùng tôn giáo và các bình luận dưới các video trên YouTube thường ca ngợi các vị thần Hindu và kêu gọi sự đoàn kết giữa những người theo đạo Hindu.
Tuy nhiên, để thu hút người theo dõi và tiếp cận tối đa trên mạng, các DJ thường chọn các tiêu đề và nội dung khiêu khích cho các bản nhạc của họ.
Bhakti Vibration cũng có "đối trọng" Hồi giáo là Miya Bhai (Anh em Hồi giáo) Electronica. Raza-e-Mustafa Group, kênh dành riêng cho loại nhạc này, đã có gần 27 triệu lượt xem trên YouTube, trong đó DJ Uvesh đã đạt được gần 6 triệu lượt xem.
Các bản nhạc phối lại âm nhạc sùng bái Hồi giáo Sufi, các cuộc đối thoại chính trị và sử dụng các khẩu hiệu lặp đi lặp lại như "Nara-e-Takbeer", tức "Thánh vĩ đại". Với các tiêu đề như "DJ Qawwali AK 47 mix", trong đó tiếng súng vang lên từng hồi trên nền nhạc Sufi, Miya Bhai Electronica mang tính hiếu chiến không kém Bhakti Vibration.
Shabnam Hashmi, một nhà hoạt động Hồi giáo và người sáng lập nhóm nhân quyền Hành động vì Hòa hợp và Dân chủ (ANHAD), cho biết cả hai bên đang phản ứng với sự gia tăng căng thẳng cộng đồng trong những năm gần đây.
Một lễ rước mang màu sắc Hindu giáo trước lễ hội Kumbh Mela diễn ra tại Prayagraj vào ngày 7/1. Ảnh: AFP/Getty. |
Dữ liệu của Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết có 111 trường hợp tử vong trong 822 vụ bạo lực cộng đồng trên cả nước trong năm 2017, tăng 29% so với năm 2016.
Theo Hashmi, "cả Bhakti Vibration và Miya Bhai đều rất nguy hiểm", mặc dù cô chỉ ra rằng công chúng của Miya Bhai Electronica hạn chế hơn nhiều.
Dân số Ấn Độ khoảng 1,3 tỷ người, trong đó khoảng 80% theo đạo Hindu. Nhóm thiểu số Hồi giáo khoảng 185 triệu người, tương đương khoảng 15%.
Rung động
Nếu Bhakti Vibration có thủ phủ thì đó là Allahabad, tên trước đây là Prayagraj, một thành phố ở Uttar Pradesh, nơi có tới 600 DJ.
Tháng 10/2018, chính quyền bang do đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Modi lãnh đạo đã chính thức đổi tên thành phố thành Allahabad, từ bỏ tên gọi do Đế quốc Mogul, một triều đại Hồi giáo cai trị phần lớn Ấn Độ trong nhiều thế kỷ, từng đặt.
Tên mới Prayagraj có nghĩa là "nơi hy sinh" trong tiếng Phạn và được nhiều người coi là động lực của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo, hay Hindutva, một hệ tư tưởng tập trung vào việc tái cấu trúc văn hóa và lịch sử đa tín ngưỡng của Ấn Độ.
Đối với nhiều người Hồi giáo, những thay đổi này là một phần của xu hướng đang phát triển, trong đó không chỉ tên gọi Hồi giáo, mà cả người Hồi giáo đều không được chào đón ở Ấn Độ mới.
DJ Deepu là một ngôi sao mới nổi ở Prayagraj. Ở tuổi 18, anh điều hành phòng thu của riêng mình trong thành phố và đào tạo các DJ khác. Tại các sự kiện Bhakti Vibration, anh tham gia vào cuộc chiến DJ để đối đầu với một nhạc sĩ khác trước đám đông nhảy múa bên dưới.
"Đám đông muốn cảm nhận các rung động, vì vậy, bất cứ ai có thể tạo ra các rung động cao nhất và đẹp nhất sẽ chiến thắng", Deepu nói với CNN.
Giống như DJ Lucky, thành công của Deepu được thúc đẩy bởi một lượng lớn người theo dõi trên YouTube. "Chúng tôi không chơi nhạc trong các câu lạc bộ hoặc quán rượu vì ở Allahabad không có những địa điểm như vậy. Chúng tôi chơi nó cho đám đông. Với studio của mình, giờ tôi có thể tham gia các dự án lớn hơn", anh nói.
'Một phần của xu hướng lớn hơn'
Richard Williams, giảng viên về dân tộc học tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London, cho biết âm nhạc và chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ giáo có lịch sử lâu dài và phức tạp.
"Từ đầu thế kỷ XIX trở đi, nhiều học giả âm nhạc theo đạo Hindu ở Bắc Ấn đã tố cáo các nhạc sĩ Hồi giáo và đổ lỗi cho họ về sự 'thoái hóa' của âm nhạc cổ điển", ông nói.
"Kể từ đó, các nhạc sĩ Hồi giáo thường xuyên bị gạt sang bên lề trong lịch sử âm nhạc Ấn Độ và các nhóm cải cách đã liên tục cố gắng 'thanh lọc' nhạc cổ điển Hindu như một hình thức âm nhạc và tôn giáo thiêng liêng", ông cho biết.
Chuyên gia Williams cho rằng các DJ Bhakti Vibration đã "đáp ứng nhu cầu của công chúng về truyền thông chống Hồi giáo, chống Pakistan. Đây là một phần của xu hướng lớn hơn".
Trong khi đó, DJ Lucky khẳng định Bhakti Vibration không có gì sai trái và không có ý khiêu khích. Lucky cho biết anh không có ý định thúc đẩy sự thù ghét dù đôi khi mọi việc có thể bị đẩy đi quá xa như sự cố chơi nhạc Bhakti Vibration bên ngoài nhà thờ Hồi giáo.
"Không DJ nào chơi nhạc để khiến người khác khó chịu hoặc gây rắc rối cho người khác", anh nói.