Một số doanh nghiệp ICT Việt Nam đang muốn “tham chiến” thị trường OTT với một sản phẩm mới kết nối không chỉ từ điện thoại di động mà cả máy tính. Tuy nhiên, việc sản phẩm này tự phát triển hay là ứng dụng được Việt hóa vẫn chưa được tiết lộ. Có thể trong một vài tháng tới sẽ có thêm thương hiệu OTT mới chính thức nhập cuộc thị trường này.
Trước khi hãng viễn thông nói trên dự kiến tham gia cuộc chiến OTT, nhiều thông tin đồn đoán Viettel – đại gia viễn thông số 1 Việt Nam, cũng sẽ nhập cuộc. Trong 2 năm gần đây, Viettel đầu tư rất lớn cho mảng phát triển ứng dụng với số nhân sự lên tới hơn 10.000 người; dự kiến đến năm 2015, 40% số nhân viên của Viettel sẽ tập trung và phát triển ứng dụng. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh thông tin hành lang: Viettel sẽ mua một sản phẩm nước ngoài để Việt hóa hoặc tự phát triển một ứng dụng của riêng mình.
Trên thị trường, Zalo đã trở thành “vua” nhắn tin miễn phí tại Việt Nam, đặc biệt là tin nhắn thoại. |
Không bình luận về việc có một sản phẩm của riêng mình hay không nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel chia sẻ trong cuộc hội thảo gần đây về OTT: Các nhà mạng nên coi việc hợp tác với với những dịch vụ OTT là cơ hội kinh doanh thực sự. Với số lượng người dùng lớn mà các nhà mạng hiện có, việc bắt tay với OTT sẽ có thể tạo ra 70% doanh thu đến từ các dịch vụ kinh doanh cũng như phí dữ liệu.
Nguồn tin từ MobiFone và VinaPhone cho biết, họ sẽ không tự phát triển một ứng dụng OTT của riêng mình mà chỉ tìm kiếm các cơ hội hợp tác với những ứng dụng hiện có trên thị trường.
Trong khi đó, cuộc chiến giữa các OTT nội (Zalo) và ngoại (Line, Kakao Talk) dường như đang đi vào hồi kết. Sau khi công bố đạt 5 triệu người dùng vào 25/9/2013, OTT Việt Nam coi như đã có chiến thắng sớm. 2 ứng dụng ngoại là Line và Kakao Talk gần như hết cửa vượt lên bởi sự phát tán của OTT Việt Nam đã trở thành “làn sóng thần” trên thị trường. Những người dùng ứng dụng nhắn tin miễn phí nếu cài đặt đều muốn chọn một ứng dụng mà bạn bè, người thân mình đang sử dụng và Zalo là sự lựa chọn đương nhiên. Điều này cũng tương tự như dùng mạng xã hội thì hầu hết đều “gọi tên” Facebook. Zalo giờ đây có thể coi là “vua” nhắn tin miễn phí trên di động tại Việt Nam.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi cuộc chiến OTT giữa các ứng dụng nội ngoại đã kết thúc và thêm một số doanh nghiệp Việt chuẩn bị nhập cuộc? Một chuyên gia có kinh nghiệm về phát triển dịch vụ OTT tại Việt Nam chia sẻ, trên thế giới, các hãng viễn thông không phát triển các ứng dụng nhắn tin miễn phí của riêng mình. Họ thường chọn giải pháp hợp tác với các OTT mạnh có nền tảng tốt để cung cấp dịch vụ mới và chia sẻ doanh thu.
Ông này cũng bổ sung thêm, thị trường OTT ở Việt Nam giờ đây đã trở nên rất khó khăn với cả những “người khổng lồ” ngoại như Line, Kakao Talk chứ không nói đến những “tay chơi” mới ở trong nước. “Việc phải đầu tư lớn cho sản phẩm, đặc biệt là marketing lên tới cả chục triệu USD trong điều kiện dòng tiền mặt khan hiếm và phải chờ khá lâu mới có những đồng doanh thu đầu tiên sẽ là những bài toán khó cho người mới”, ông này nhận định.