Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến OTT nhìn từ show truyền hình MasterChef

Có một sự giống nhau kỳ lạ giữa cuộc chiến của các ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) và sự cạnh tranh thu hút khán giả của 2 show truyền hình MasterChef - IronChef.

Cuộc chiến OTT nhìn từ show truyền hình MasterChef

Có một sự giống nhau kỳ lạ giữa cuộc chiến của các ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) và sự cạnh tranh thu hút khán giả của 2 show truyền hình MasterChef - IronChef.

Cuộc thi MasterChef hay Zalo hấp dẫn bởi những điều đơn giản nhưng gần gũi với cuộc sống và sát với nhu cầu thực tế của khán giả, người dùng.

Ban đầu, nếu so về thực lực và danh tiếng, Zalo (ứng dụng nhắn tin miễn phí Việt Nam) hoàn toàn lép vế so với Line, Kakao Talk hay Wechat - những sản phẩm đình đám của thế giới.

Với 2 show truyền hình về đầu bếp cũng tương tự. Với hình ảnh và thực lực hoành tráng của các thí sinh Iron Chef (những đầu bếp chuyên nghiệp giỏi nhất Việt Nam), khó ai nói rằng màn trình diễn của họ lại kém hấp dẫn hơn những ứng viên của MasterChef (những người bình thường thi làm bếp).

Chưa hết, vào lúc ban đầu, IronChef cũng được quảng bá rầm rộ hơn rất nhiều và điều tương tự cũng xảy ra với Line, Kakao Talk và WeChat tại Việt Nam. Thế nhưng, câu chuyện ngược đời lại xảy ra sau đó.

Hiện tại, sau mỗi show truyền hình về MasterChef được phát vào tối thứ Sáu thì sáng hôm sau, hầu hết các phương tiện truyền thông nhiều người đọc nhất đồng loạt đăng bài, tin, ảnh video về câu chuyện của các thí sinh ở vị trí đẹp. Trên mạng xã hội như Facebook, rồi các diễn đàn, tranh cãi về các thí sinh cũng ồn ào. MasterChef thực sự chinh phục được con tim của hàng triệu khán giả với những thí sinh là người bình thường tranh tài nấu bếp.

Trong khi đó, với IronChef, sau khi phát sóng, ngày hôm sau mọi thứ “lặng như tờ” trên truyền thông cũng như mạng xã hội, diễn đàn bởi lượng người xem quan tâm đến các siêu đầu bếp không cao.

Ở trận chiến của OTT Việt Nam và ứng dụng ngoại, nếu nói về nhắn tin miễn phí, người người sẽ nói về Zalo, nhà nhà sẽ nói về Zalo (sản phẩm Việt Nam). Bài viết về Zalo cũng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông với nhiều góc cạnh đời thường về các tính năng nhỏ nhưng gần gũi, và nhiều câu chuyện như cổ tích của việc đứng lên từ thất bại nặng nề lúc mới ra đời… Chưa hết, do hoạt động ở tính năng mạng xã hội của OTT Việt Nam khá sôi động nên chuyện buôn bán, làm quen, rồi cả những chuyện không hay… cũng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông.

OTT nội địa cũng là ứng dụng nhắn tin miễn phí đầu tiên tại Việt Nam đạt khả năng bùng nổ, phát tán tự nhiên như Facebook và  vượt mốc 3 triệu người dùng kể từ cuối tháng 6/2013.

Trong khi đó, những ứng dụng ngoại vốn có tiềm lực lớn hơn về tài chính, kinh nghiệm phát triển sản phẩm và danh tiếng lại mất hút về những thông tin nặng ký trên thị trường. Ngoài việc chi tiền quảng cáo cực lớn so với OTT Việt Nam, các ứng dụng ngoại không để lại dấu ấn đặc biệt trên thị trường bởi không có thông tin ấn tượng về sự phát triển tại thị trường Việt Nam.

Sự giống nhau kỳ lạ giữa cuộc chiến OTT và 2 chương trình Chef rất rõ ràng: Những người bình thường, bị đánh giá là kém hơn đối thủ siêu hạng đã vượt lên trong cuộc đua với hình ảnh của chàng David bé nhỏ hạ gục gã khổng lồ Goliath.

Vậy đâu là nguyên nhân?

Thứ nhất đó là vùng phủ sóng. Trong khi Zalo có thể chạy tốt trên mọi môi trường như 2G - 2,5G -3G và Wifi thì các ứng dụng ngoại chỉ chạy tốt trên 3G và Wifi. Điều này khiến cho OTT Việt Nam có vùng phủ sóng rộng hơn rất nhiều so với sản phẩm ngoại và trở thành ứng dụng cho di động thực sự khi dùng được ở mọi lúc, mọi nơi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà chất lượng, tốc độ 3G của Việt Nam trên thực tế chưa được tốt như kỳ vọng.

Ví dụ tương tự rõ nét nhất là S-Fone. Ban đầu, mạng di động có xuất xứ Hàn Quốc với hình ảnh sành điệu, công nghệ cao được đánh giá là có thế mạnh hơn hẳn so với các hãng viễn thông trong nước. Tuy nhiên, vùng phủ sóng quá hẹp là nguyên nhân khiến S-Fone khó phát triển.

Tương tự ở 2 show truyền hình. Trong khi MasterChef được phát vào giờ Vàng buổi tối cuối tuần (thứ Sáu) thì IronChef lại lên hình vào buổi trưa. Rõ ràng, “vùng phủ sóng” của show truyền hình thực tế của những người bình thường tranh tài làm bếp rộng hơn rất nhiều so với các siêu đầu bếp. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến các siêu đầu bếp khó tiếp cận khán giả.

Một lãnh đạo cấp cao của Công ty Acecook Việt Nam nhận xét: “Một show truyền hình dù có nhiều yếu tố hay nếu phát vào giờ xấu thì cũng không thể hot được. Tương tự, một sản phẩm hay dịch vụ tốt nhưng kênh phân phối quá hẹp cũng gặp vấn đề tương tự. Một ví dụ khác là nếu một sản phẩm được bán ở Walmart nếu tốt, chắc chắn nhanh được biết đến và ưa chuộng hơn là bán ở chợ làng”.

Thứ hai, nếu như các OTT ngoại được quảng bá là có nhiều tính năng hay nhưng người Việt Nam lại chưa quen thuộc bởi sản phẩm được thiết kế cho thị trường nước ngoài. Trong khi đó, Zalo là sản phẩm thuần Việt, toàn bộ các tính năng được tính toán dành cho những nhu cầu cụ thể và đang tăng trưởng mạnh ở thị trường trong nước nên được đón nhận rất hào hứng dù không phải đó là những tính năng siêu hạng. Đó đơn giản là tin nhắn thoại, vẽ hình khi nhắn tin, QR Code, tìm quanh đây… Ở đây, những điều giản dị, bình thường lại vượt lên những chiến binh “siêu hạng”.

Với show truyền hình MasterChef, sự việc cũng diễn ra tương tự. Những câu chuyện hỉ nộ ái ố của chàng bác sĩ người Huế - Trần Nguyên Giáp hoặc việc các thí sinh sợ chết khiếp với nguyên liệu là chuột đồng (MasterChef) sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với màn trình diễn hoàn hảo của những siêu đầu bếp tại IronChef. Ở đây, khán giả bỏ phiếu cho những điều bình thường, gần gũi với nhu cầu và cuộc sống của họ hơn là những thứ xa vời.

Hiện tại cuộc đua giữa các OTT chưa kết thúc và màn trình diễn của 2 show truyền hình MasterChef - IronChef vẫn còn tiếp diễn. Ưu thế đang tạm thời thuộc về nhóm của những người bình thường (Zalo và MasterChef) chứ không ở phía của những thí sinh “siêu hạng” (Line, Kakao Talk, WeChat và IronChef). Liệu những người được đánh giá là tiềm lực mạnh hơn có thể lật ngược thế cờ? Hãy chờ xem.

Theo ICTnews

Theo ICTnews

Bạn có thể quan tâm