Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên đại sứ Việt Nam tại Iraq kiêm nhiệm Jordan và Yemen, là chuyên gia hàng đầu về Trung Đông. Zing.vn ghi lại ý kiến của ông về căng thẳng hiện tại giữa Iran và Mỹ.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai. Ảnh: NVCC. |
Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JPCOA vào tháng 5/2018 đến nay, nếu việc các tàu chở dầu bị tấn công là va chạm không trực diện giữa Mỹ và Iran, thì việc Tehran bắn hạ máy bay RQ-4 Global Hawk trên bầu trời eo biển Hormuz lại là màn đối đầu quân sự trực tiếp đầu tiên giữa hai nước.
Căng thẳng lần này giữa Mỹ và Iran là lần leo thang nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Chiếc hộp Pandora và lý lẽ của Iran
Cần phải nói thêm là Mỹ cho rằng máy bay bị bắn rơi khi đang hoạt động ở không phận quốc tế còn Iran nói máy bay xâm phạm không phận nước này. Tôi cho rằng điều đó không quan trọng, vì máy bay này dù hoạt động ở đâu chăng nữa, chắc chắn cũng là thực hiện nhiệm vụ do thám, thu thập tin tức liên quan đến Iran. Iran có lý lẽ của họ trong việc bắn hạ.
Một điểm cần lưu ý là chiếc máy bay này rất hiện đại. RQ-4 Global Hawk là máy bay hiện đại và đắt nhất của quân đội Mỹ, với tầm bay xa tới 14.000 km và cao hơn 18 km, trị giá 130 triệu USD. Việc bắn rơi máy bay này hoàn toàn không dễ dàng, nên có thể thấy lực lượng phòng không Iran đã rất hiện đại. Do đó, nếu có bất cứ kế hoạch nào đối đầu với Iran về quân sự, Mỹ cũng phải cẩn trọng xem xét.
Các quan chức cho biết ông Trump ban đầu đã phê chuẩn kế hoạch tấn công một số mục tiêu của Iran như hệ thống radar và bệ phóng tên lửa. Quyết định được rút lại sau đó. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Trump thậm chí đã phê chuẩn quyết định tấn công Iran, nhưng rút lại không lâu sau đó.
Thứ nhất, ông có lẽ đã thấy được sức mạnh quân sự của Iran. Nếu Iran đã bắn rơi được máy bay không người lái hiện đại như vậy thì mọi tàu sân bay, tàu chiến, căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực đều nằm trong tầm ngắm tên lửa của họ. Nếu chiến tranh xảy ra, Mỹ không thể tránh được thiệt hại. Trong khi đó, chỉ cần một lính Mỹ thiệt mạng, một tàu chiến Mỹ bị đánh chìm, chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Trump sẽ bị ảnh hưởng vô cùng lớn.
Thứ hai, cuộc chiến này không chỉ giới hạn giữa Mỹ và Iran mà sẽ lan rộng ra khu vực. Khi đó, nó sẽ không chỉ là thảm họa cho Mỹ hay Iran mà là thảm họa đối với cả Trung Đông cũng như thế giới.
Vì vậy, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã kêu gọi Mỹ kiềm chế để tránh xảy ra chiến tranh, cũng như Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo Mỹ chớ mở "chiếc hộp Pandora". Hẳn tổng thống Mỹ cũng không muốn mở chiếc hộp đó.
"Đổ lỗi cho Iran sẽ rất khó nghe"
Nguyên nhân chính dẫn đến tình hình hiện nay tại Trung Đông là chính sách của chính quyền Tổng thống Trump. Trước đó, khu vực vốn đang yên ổn sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 vào năm 2015 và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng xác nhận Tehran tuân thủ các cam kết.
Sau khi nhậm chức, ông Trump thực thi một loạt chính sách: rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018, tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran với các biện pháp khắc nghiệt chưa từng có - cấm toàn bộ xuất khẩu dầu của Iran, và đỉnh điểm là triển khai một lực lượng quân sự lớn đến Vùng Vịnh - gồm tàu sân bay, tàu chiến, máy bay B-52 cũng như hàng nghìn binh sĩ.
Ông Trump còn công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, công nhận tuyên bố chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan, sắp tới có thể đưa ra "thỏa thuận thế kỷ" về vấn đề Palestine.
Tình hình căng thẳng hiện nay tại khu vực xuất phát từ các chính sách của chính quyền Trump. Đổ lỗi cho Iran sẽ rất khó nghe.
Một tàu chở dầu chạy qua eo biển Hormuz. Eo biển này là nơi 30% lượng dầu thô lưu thông trên toàn cầu đi qua, vì vậy một cuộc xung đột sẽ "thắt nút cổ chai" và ảnh hưởng lớn đến giá dầu toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Về phía Tehran, chính trường Iran hiện tại có nhiều lực lượng với chủ trương khác nhau. Phái ôn hòa do Tổng thống Hassan Rouhani đứng đầu trong khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo có quan điểm cực đoan hơn. Tuy nhiên, họ thống nhất nhau trong việc bảo vệ các thành quả của Cách mạng Hồi giáo năm 1979, chống lại chính sách cường quyền của Mỹ.
Nếu chiến tranh xảy ra, họ chắc chắn sẽ đứng chung hàng ngũ.
Tất nhiên không thể loại trừ bất cứ khả năng nào, nhưng chiến tranh vẫn là kịch bản khó xảy ra. Đồng thời, khả năng hai bên ngồi vào bàn đàm phán cũng rất thấp, dù Mỹ thậm chí đã nhờ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe làm trung gian.
Lý do là quan điểm hai bên hiện còn rất xa nhau. Mỹ nói là muốn đàm phán vô điều kiện nhưng vẫn tăng cường gây sức ép, trừng phạt Iran, còn Iran nói sẽ chỉ đàm phán nếu Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân, gỡ bỏ mọi cấm vận và chấm dứt đe dọa Iran - những điều mà Mỹ khó lòng thực hiện được.
Tình hình khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Iran rất giống tình hình quan hệ Mỹ - Triều Tiên: cũng đàm phán kéo dài nhưng cuối cùng phá vỡ tất cả. Chính thái độ của Mỹ đã đạp đổ mọi thứ.
Duy trì hiện trạng là ưu tiên?
Iran đã đình chỉ thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015 và có thể rút khỏi thỏa thuận. Họ có lý của họ, vì Mỹ đã rút còn các nước châu Âu không có bất cứ hành động gì. Việc Iran dọa tăng sản xuất uranium làm giàu, vượt mức cho phép của thỏa thuận 2015, cũng không phải điều hay ho gì. Vì vậy, phải làm mọi cách để duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Để làm được điều này, vai trò của các nước châu Âu từng tham gia ký kết - bao gồm Anh, Pháp, Đức - rất quan trọng. Mỹ rút rồi thì có thể không tính nữa, dù sao Mỹ cũng đã rút khỏi rất nhiều thỏa thuận quốc tế khác, như Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, Hiệp định TPP... Nga và Trung Quốc thì đứng về phía Iran rồi, do đó các nước châu Âu phải có hành động thực tế trong việc duy trì quan hệ với Tehran.
Nếu các nước châu Âu tiếp tục có quan điểm không rõ ràng, Iran hoàn toàn có thể cho rằng việc họ ở lại với thỏa thuận không có tác dụng gì.
Đường phố Iran trong ngày 23/6, khi căng thẳng với Mỹ leo thang. Ảnh: Reuters. |
Tôi nghĩ để biết diễn biến tiếp theo, chúng ta phải cần theo dõi thêm. Có thể hiểu được lập trường của Iran: không chấp nhận đàm phán trong khi tàu chiến Mỹ ở ngay sát bờ biển họ như vậy. Nếu Mỹ muốn nói chuyện, họ không thể để tàu chiến ở đấy gây sức ép được. Như vậy thì nói chuyện gì nữa?
Cũng như khi đàm phán Hiệp định Paris trước đây, Việt Nam cũng yêu cầu Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc, cam kết rút quân khỏi miền Nam.
Có lẽ trước mắt, kịch bản khả thi nhất là các bên sẽ duy trì nguyên trạng (status quo). Tôi cũng mong là vai trò trung gian hòa giải của Thủ tướng Abe sẽ có tác dụng với hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Nhật Bản.
Trong chuyến thăm Iran mới đây, ông Abe đã gửi lời mời đến các lãnh đạo Iran và chúng ta phải chờ xem liệu lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei có tham dự hay không. Có thể là ông này đi nhưng cũng có thể là Tổng thống Hassan Rouhani hoặc ngoại trưởng Iran. Tại hội nghị này, ông Abe sẽ tìm cách bố trí cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Iran với Tổng thống Trump.
Chúng ta phải đợi xem.