“Một sáng thức dậy, bạn sẽ phải thốt lên: Ôi trời ơi, giải NFL không còn phát trên đài X nữa mà ở một hệ thống hoàn toàn mới”, nhà sáng lập của công ty tư MediaLink dự đoán.
Đây là năm 2034. Các môn thi đấu Olympics vốn được phát trên hệ thống kênh của đài NBC Universal từ năm 2002 đã biến mất hoàn toàn trên sóng truyền hình. Thay vào đó, Thế vận hội Mùa đông được livestream miễn phí ngay trên điện thoại của bạn bởi Amazon, công ty đã giành chiến thắng trước tất cả đơn vị truyền thông lớn nhất thế giới trong cuộc đua bản quyền. Môn trượt tuyết chưa bao giờ trở nên hấp dẫn đến thế trên màn hình điện thoại có độ phân giải 16K, không một tín hiệu gián đoạn.
Kịch bản giả tưởng ở trên nghe có vẻ khó tin. Và cũng không có bất kỳ thông tin nào về việc đàm phán bản quyền truyền hình Olyimpics 2034. Tuy nhiên, trong khi NBC đang chuẩn bị cho hai sự kiện thể thao lớn nhất trong năm tại Mỹ, Super Bowl và Olympics Mùa đông 2018, những gã khổng lồ công nghệ đang sở hữu lợi thế không thể bàn cãi trong lĩnh vực phát sóng trực tiếp các sự kiện thể thao vốn một thời là lợi thế độc tôn của các hãng truyền hình truyền thống.
Trong 2 năm qua, Amazon, Facebook, Twitter, Youtube, Verizon và Yahoo đã bắt đầu mua những gói bản quyền nhỏ không có tính độc quyền để phát sóng đến một lượng nhỏ các khán giả không thể xem các chương trình được chiếu cùng lúc trên những kênh khác nhau. Tuy nhiên khi chương trình nằm trong khung giờ vàng “Thurday Night Football” được Hiệp hội Bóng bầu dục Mỹ NFL chào bán cho cả các đài truyền hình lẫn các dịch vụ streaming trực tuyến là một dấu hiệu cho thấy những công ty đến từ Silicon Valley đã sẵn sàng để giành lấy tất cả những gói bản quyền hiện có.
“Một ngày bạn thức dậy và sẽ phải thốt lên rằng “Ôi trời ơi, giải NFL không còn phát trên đài X nữa mà ở một hệ thống hoàn toàn mới”, Michael Kassan - CEO và nhà sáng lập của công ty tư vấn MediaLink dự đoán.
Ở Mỹ, quyền phát sóng hầu hết giải đấu thể trao trên sóng truyền hình lẫn các dịch vụ streaming trực tuyến đã được định đoạt cho đến năm 2021. Tuy nhiên, các đại gia công nghệ đến từ thung lũng Silicon đã bắt đầu tấn công các thị trường bên ngoài nước Mỹ sớm hơn. Giải Ngoại hạng Anh là một ví dụ cụ thể.
Amazon được đồn rằng đang có những bước đi nghiêm túc trong cuộc đấu với hai đơn vị đang giữ bản quyền giải Ngoại hạng Anh là BT và Sky. Năm 2015, hai công ty này đã phải chi khoảng 7 tỷ USD cho bản quyền giải Ngoại hạng Anh - giải đấu có giá trị bản quyền cao nhất tại châu Âu.
Những đế chế truyền thông mới quyền lực nhất trên thế giới vẫn giữ bí mật về việc liệu họ có sẵn sàng để lao vào cuộc chiến đối với những gói bản quyền thể thao lớn nhất hay không. Dan Reed, Giám đốc phụ trách các Đối tác Thể thao toàn cầu của Facebook, nói rằng “Thể thao là một lĩnh vực mà chúng tôi muốn tiếp tục đầu tư” nhưng từ chối tiết lộ thêm thông tin chi tiết. “Nền tảng của chúng tôi có sự hiện diện của tất cả người hâm mộ thể thao, từ những môn thể thao phổ biến nhất cho đến những môn thi đấu đặc thù”.
Trong khi chưa cho thấy cụ thể mức độ tham vọng của mình, những gã khổng lồ công nghệ rõ ràng có túi tiền đủ sâu để dễ dàng tham gia vào cuộc đua nâng giá bản quyền truyền hình thể thao trị giá tỷ đô. Điều này có thể sẽ khiến cho cuộc đua bản quyền nằm ngoài tầm với của các công ty truyền hình vốn đang phải gánh chịu những vấn đề về tài chính khi tỷ lệ người xem các môn thể thao thu hút nhất ngày một giảm sút.
Tuy nhiên, nỗi đau hiện tại mà các đơn vị giữ bản quyền truyền hình thể thao đang cảm nhận sẽ chẳng là gì khi so với tương lai đang chờ đợi họ phía trước nếu những công ty này đánh mất thứ đã giữ cho hoạt động kinh doanh của mình ổn định suốt nhiều năm qua.
“Thể thao rõ ràng là yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ chân khách hàng với các gói truyền hình trả tiền”, Tuna Amobi, chuyên viên phân tích truyền thông cấp cao của CFRA nói.
Ông cũng xác định rằng viễn cảnh các đài truyền hình truyền thống mất quyền phát sóng các giải thể thao quan trọng là một rủi ro có thể xảy ra trong trung hạn. “Thứ làm các công ty truyền hình truyền thống lung lay chính là việc họ biết rằng những công ty công nghệ có quá nhiều tiềm lực nếu quyết định theo đuổi cuộc chơi này. Sự cạnh tranh sẽ chỉ ngày một khốc liệt hơn”.
Trong số những tay chơi mới đến với truyền hình thể thao kĩ thuật số, Amazon và Facebook đang hoạt động tích cực hơn cả trong việc tìm mua những gói bản quyền lớn. Bên cạnh “Thursday Night Football”, một số nguồn tin cho biết cả hai công ty đều tỏ ra quan tâm trong việc đấu thầu bản quyền truyền hình hai chương trình “Raw” và “SmackDown” của WWE trước khi thỏa thuận nắm giữ bản quyền của NBC Universal sẽ kết thúc vào năm 2019.
Thêm vào đó, hợp đồng giữa UFC và Fox cũng sẽ hết hạn vào năm nay, và môn võ MMA có thể sẽ trở thành một cơ hội để một trong hai ông lớn nói trên nhảy vào lĩnh vực truyền hình thể thao.
“Những công ty công nghệ có rất nhiều tiền”, Richard Hampson, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu và phân tích thị trường của GroupM’s ESP Properties cho hay. “Họ sẵn lòng chi trả cho bản quyền để đầu tư và hiểu cách những nội dung này hoạt động trên các nền tảng của mình”.
Trong số những gã khổng lồ công nghệ, Google tại thời điểm này dường như sẽ chưa đầu tư nguồn lực vào việc mua các gói bản quyền thể thao đắt đỏ. Apple và Netflix thì lại đang đổ hàng đống tiền vào các nội dung giải trí sử dụng kịch bản gốc. Giám đốc nội dung của Netflix - Ted Sarandos đã lặp lại nhiều lần rằng công ty của mình không hề có một chúng hứng thú nào đối với thể thao. Nhưng Eunice Shin, Giám đốc điều hành và Trưởng bộ phận Tư vấn của Manatt Digital nói rằng “Với Netflix, không bao giờ có từ không bao giờ cả”.
Những nhà quản lý trong ngành công nghiệp này đang đợi những bước đi quan trọng đến từ Facebook khi công ty này vốn không hề che giấu khát khao của mình đối với thể thao. Hồi đầu năm, Facebook đã bổ nhiệm Peter Hutton, CEO của Eurosport thuộc Discovery để phụ trách nhóm đàm phán các hợp đồng livestream trực tuyến những sự kiện thể thao. Hutton đến Facebook sau cuộc tìm kiếm một nhân vật có khả năng đàm phán trong ngành thể thao và sẽ có vài tỷ USD để tham gia vào cuộc chiến bản quyền toàn cầu, theo tạp chí Sports Business Journal.
Trong khi đó, mạng xã hội này đã thất bại khi chào giá 600 triệu USD cho hợp đồng nắm giữ bản quyền trong 5 năm với giải Cricket Premier League của Ấn Độ. Bản quyền sau đó thuộc về Star India với mức giá 2,6 tỷ USD cho quyền phát sóng trên TV cũng như streaming trực tuyến.
Sự quan tâm của Facebook đối với thể thao thậm chí khiến cho Rupert Murdoch phải chú ý. Trong một cuộc phỏng vấn sau khi 21st Century Fox được bán lại cho Disney, Murdoch nói rằng “Tay chơi tiếp theo trong lĩnh vực truyền hình thể thao sẽ là Facebook. Chúng ta không biết họ sẽ nhắm vào quốc gia nào hay sẽ làm gì”.
Trực tiếp các sự kiện thể thao là một phần chủ chốt của Facebook Watch, nền tảng đặt mục tiêu tạo ra các chương trình thu hút người xem kết hợp với các tính năng thảo luận cộng đồng. Dan Reed phát biểu: “Chúng tôi nghĩ thể thao rất phù hợp với Facebook. Nó có tính cộng đồng rất cao và cực kì phổ biến”.
Với Amazon, trực tiếp các giải thể thao phục vụ một mục tiêu kinh doanh khác: nó sẽ thúc đẩy khách hàng sử dụng dịch vụ Prime, một chương trình thành viên tập trung vào việc miễn phí giao hàng (đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ mua sắm nhiều hơn) và cũng cho phép khách hàng được quyền sử dụng Prime Video không giới hạn.
Cũng như Facebook, Amazon tỏ ra thận trọng đối với tham vọng của mình trong lĩnh vực này trong những năm tới. Jim DeLorenzo, Quản lý mảng thể thao của Amazon Video, nói rằng Amazon vẫn chỉ đang ở trong giai đoạn đầu và công ty sẽ cố gắng cung cấp thêm những nội dung mà Amazon nghĩ rằng khách hàng sẽ thích.
Những chương trình thể thao hiện Amazon đang sở hữu bao gồm 11 trận đấu “Thursday Night Football” của giải NFL trong mùa này và giải quần vợt Next Generation Finals đến cuối năm. Amazon cũng đã ký một hợp đồng có thời hạn 2 năm để livestream giải bóng chuyền bãi biển AVP Pro Beach Volleyball Tour trên khắp thế giới.
“Chúng tôi sẽ phải đánh giá mọi thứ diễn ra như thế nào trong một khoảng thời gian ngắn trước rồi mới xem xét liệu có tiếp tục bổ sung những nội dung nào trong tương lai hay không”, DeLorenzo cho biết.
Amazon đã livestream các trận đấu “Thursday Night Football” cho các khách hàng sử dụng dịch vụ Prime video trong mùa giải này sau khi Twitter có được bản quyền phát sóng chúng trên internet vào năm 2016 trên phạm vi toàn cầu. Trong 2 mùa giải gần đây, NFL đã sử dụng các trận đấu “Thursday Night Football” để làm phép thử với các hợp đồng phát sóng trực tiếp trên nền tảng kĩ thuật số, bổ khuyết cho các gói truyền hình truyền thống.
Theo báo cáo, việc streaming trực tuyến các trận đấu của Amazon đã thu hút 18,4 triệu khán giả ở 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số phút trung bình khán giả xem các trận đấu thuộc giải NFL trên dịch vụ Prime Video trong ít nhất 30 giây đạt hơn 310.000, tăng 17% so với mùa giải trước đó trên Twitter.
Con số thống kê này đã gia tăng tổng lượng theo dõi các trận đấu “Thursday Night Football” khoảng 2,5%, theo NFL. Đó là một chiến thắng đối với giải đấu.
“Trong một thế giới nơi tất cả đều cố gắng tăng lượng theo dõi của khán giả nhiều nhất có thể, đây chỉ là một con số nhỏ nhưng vẫn là một sự tăng trưởng đối với chúng tôi”, Phó chủ tịch cao cấp phụ trách Truyền thông kĩ thuật số của NFL – Vishal Shah, chia sẻ tại một hội nghị vào mùa thu năm ngoái.
Tháng trước, NFL đã tuyên bố với các đơn vị tiềm năng tham gia mua bản quyền rằng họ đang cân nhắc bán gói phát sóng các trận đấu “Thursday Night Football” độc quyền cho một nhà cung cấp dịch vụ streaming trực tuyến - đánh dấu lần đầu tiên giải đấu này chỉ chào bán một gói bản quyền phát sóng trên nhiều nền tảng. Các nhà quan sát cho rằng đây chỉ là một chiến thuật đàm phán để khiến các đài truyền hình phải mua gói phát sóng toàn bộ 11 trận đấu “Thursday Night Football”, bao gồm cả quyền phát trực tiếp trên Internet.
Facebook sẽ không tham gia vào cuộc đàm phán này với NFL, theo một nguồn tin của Bloomberg. “Tôi không nghĩ bất kì một đài truyền hình nào sẽ nhận lấy sự đe dọa từ các công ty công nghệ”, giám đốc của một kênh truyền hình thể thao hàng đầu phát biểu.
Chắc chắn rằng nếu những công ty công nghệ có những động thái để giành lấy bản quyền các chương trình thể thao số một, những đại gia trong lĩnh vực truyền hình cũng sẽ không ngồi yên. Họ đã chuẩn bị để liên kết với nhau một cách tích cực nhằm bảo vệ sự sở hữu tài sản giá trị nhất của mình.
“Với chúng tôi, câu chuyện thật đơn giản. Đó chính là nền tảng, là giá trị cốt lõi của công ty”. Burke Magnus, Phó chủ tịch phụ trách các chương trình và kế hoạch của ESPN chia sẻ.
Kênh truyền hình thuộc Disney đang bị chấn động bởi sự ra đi của chủ tịch John Skipper cùng hàng loạt vụ sa thải đã chi hơn 8 tỷ USD cho việc mua bản quyền các sự kiên thể thao trong năm 2017, theo ước tính của SNL Kagan.
Rick Cordella, Giám đốc Truyền thông kỹ thuật số của tập đoàn NBC Sports, khẳng định rằng truyền hình vẫn không có đối thủ trong việc tiếp cận một lượng khán giả khổng lồ. Cùng lúc đó, NBC cũng đang cung cấp nhiều nội dung streaming trực tuyến cho những khán giả có nhu cầu xem trên các thiết bị di động khác. Các ứng dụng của NBC Sports cung cấp khoảng 20.000 giờ phát sóng các chương trình truyền hình trực tiếp đến với khán giả mỗi năm, và riêng trong năm nay đã có thêm 1.800 giờ phát sóng Thế vận hội Mùa đông tổ chức tại Hàn Quốc.
Các nhà quản lý các kênh truyền hình thể thao cho rằng nếu so với những công ty công nghệ kĩ thuật số mới tham gia cuộc chơi, họ có đủ dữ liệu để khiến những đơn vị sở hữu bản quyền tin rằng các đơn vị truyền hình vẫn sẽ tiếp tục tiếp cận được tất cả người hâm mộ dù là trên nền tảng nào.
"Nếu một một liên đoàn hoặc một cơ quan quản lý đang tìm kiếm đối tác để bán bản quyền, không có lựa chọn nào tốt hơn các đài truyền hình", Cordella nói.
Chúng ta đang dần thấy bóng dáng một cuộc đối đầu khốc liệt giữa các công ty công nghệ và các đài truyền hình đối với tương lai truyền hình trực tiếp thể thao.
Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng cuộc đấu giữa các các đài truyền hình với các nhà cung cấp dịch vụ stream trực tuyến là không thực tế bởi các giải đấu về cơ bản hoàn toàn có thể tự truyền tải các trận đấu đến với khán giả và các công ty truyền hình chỉ đóng vai trò trung gian. Đây là cách mà Sarandos dùng để giải thích tại sao Netflix lại không hào hứng đối với thể thao. Nhưng chủ tịch Peter Rice của 21st Century Fox đã bác bỏ ý kiến này.
"Câu chuyện không đơn giản như việc một người với một chiếc iPhone trên tay rồi livestream một trận đấu", Rice nói. "Chúng tôi là những người có chuyên môn để làm việc đó. Chúng tôi tốn hàng tỷ USD một năm để sản xuất các chương trình truyền hình trực tiếp. Những nhà tổ chức giải đấu không được chuẩn bị để làm việc này. Đó không phải là chuyên môn của họ”.
Nhưng bên cạnh đó cũng có một luồng ý kiến khác: các công ty công nghệ thật sự là bạn hơn là thù đối với các đài truyền hình, bởi vì họ trong thực tế sẽ mở rộng đối tượng khán giả mà các kênh truyền hình có thể tiếp cận thay vì tiêu diệt nó.
Đó cũng chính là ý tưởng DeLorenzo. DeLorenzo chỉ ra rằng gần đây Amazon Channels đã ra mắt gói xem tất cả các kênh của CBS như một lựa chọn bổ sung cho các khách hàng sử dụng dịch vụ Prime muốn xem các trận đấu tại giải NFL và các môn thể thao khác. Theo thỏa thuận với ATP, Amazon sẽ cung cấp lựa chọn xem kênh Tennis TV của ATP tại thị trường Mỹ như một phần của Amazon Channels. Ở Anh và Đức, Amazon cũng bổ sung kênh Eurosport để khách hàng có thể tự đăng ký theo dõi.
/>De Lorenzo chia sẻ: "Chúng tôi không xem mình là đối thủ cạnh tranh với các đài truyền hình. Và chẳng có lý do gì để chúng tôi không thể tiếp tục là những đối tác của nhau".
Twitter cũng chia sẻ câu chuyện tương tự về sự hợp tác với các đài truyền hình, mặc dù lý do chính có lẽ là bởi Twitter không có đủ khả năng để giành lấy những gói bản quyền thể thao độc quyền khi giá trị vốn hóa của Twitter chỉ chưa đến 18 tỷ đôla.
Chiến lược của mạng xã hội này là giúp các giải đấu, đội tuyển và các nhà nắm giữ bản quyền tiếp cận nhóm khán giả mà họ không thể tiếp cận, theo Anthony Noto, người đã rời vị trí giám đốc điều hành Twitter. Ông mô tả Twitter có khả năng kết nối với những người trẻ tuổi có xu hướng "không xem TV hoặc không ở nhà", và từ đó tăng doanh thu quảng cáo cho các đối tác truyền hình.
"Sẽ có những công ty công nghệ khổng lồ và những tên tuổi mới muốn tạo ra một dịch vụ độc đáo và loại bỏ những đơn vị khác. Nhưng đó không phải là chúng tôi. Chúng tôi muốn hợp tác với ESPN và NFL chứ không phải cạnh tranh với họ”.
Một cơ hội quan trọng khác đối với Twitter đến từ những môn thể thao không xuất hiện thường xuyên trên TV. "Nếu chúng tôi biết bạn quan tâm đến đua xe đạp, đấu kiếm, bóng bợt hay WNBA, NWHL trên Twitter, chúng tôi có thể phục vụ bạn chính xác những nội dung này” - Noto, người trước khi gia nhập Twitter đã làm việc tại Goldman Sachs, và trước đó là giám đốc tài chính của NFL chia sẻ.
Gần đây, Verizon đã có một loạt các bước tiến mạnh mẽ với lĩnh vực thể thao, gồm một hợp đồng với NFL trị giá 1,5 tỷ USD đến 2 tỷ USD cho bản quyền phát sóng trên các thiết bị di động tại Mỹ và một thỏa thuận mở rộng với NBA để cung cấp các gói dịch vụ mới cho khách hàng với mục tiêu biến các hoạt động truyền hình trực tiếp thể thao và sản xuất nội dung liên quan thành một phần quan trọng hơn trong bộ phận Oath, bao gồm Yahoo Sports. Công ty hy vọng có thể trở thành một thương hiệu streaming trực tuyến các hoạt động thể thao đối với nhóm khách hàng mới, những người lớn lên trong kỉ nguyên không tiếp xúc với các dịch vụ truyền hình trả tiền.
"Tham vọng của chúng tôi là hiện diện trong tâm trí của khách hàng như một thương hiệu về thể thao trên nền tảng di dộng và kĩ thuật số", Phó chủ tịch cấp cao Brian Angiolet, giám đốc truyền thông của Verizon nói.
Nhưng không phải ai cũng tin rằng trực tiếp các giải thể thao thật sự là một chiến lược lâu dài phù hợp với Amazon hay Facebook. David Gandler, Giám đốc điều hành và là đồng sáng lập của FuboTV - một startup truyền hình trả phí trên nền tảng OTT, lập luận rằng lợi ích kinh tế với những công ty mới nhảy vào lĩnh vực này và phải trả một mức giá cao để có được bản quyền các giải đấu hàng đầu không thật sự lớn.
"Đối với một đài truyền hình, các chương trình thể thao sẽ đem lại nhiều giá trị - bạn có nhiều khán giả hơn, thu hút quảng cáo nhiều hơn và quảng bá những kênh khác", Gandler nói. "Tuy nhiên, đối với những nền tảng công nghệ, điều đó lại không thật sự rõ ràng”.
Gandler cũng nói thêm: "Trong dài hạn, tôi không nhìn thấy các công ty công nghệ khổng lồ - nhóm FANG [Facebook, Amazon, Netflix và Google] - sẽ đầu tư quyết liệt hơn nữa vào thị trường bản quyền thể thao này". Gandler cho biết điều này hoàn toàn đúng nếu dẫn chứng việc Amazon có thể thu lại nhiều lợi nhuận bằng việc mua lại một tài sản hữu hình như Whole Foods với giá 13,7 USD, trái ngược với hai tỷ USD bỏ ra cho bản quyền thể thao trong vài năm.
Ngày nay, có một thực tế là ngay cả với hàng tỷ USD đã chi cho bản quyền các giải thể thao, những công ty công nghệ vẫn không thể nắm trong tay sự độc quyền 0 điều mà tất cả đều biết sẽ đóng vai trò thay đổi cuộc chơi. Angiolet của Verizon nói: "Chúng tôi đang sở hữu những gì có thể. Liệu có còn những gói bản quyền khác? Đúng như vậy, thị trường này vô cùng rộng lớn. Nhưng với NBA, NFL và bóng đá, chúng tôi đang có rất nhiều thứ phải làm rồi”.
Dù các công ty công nghệ có nghiêm túc trong vấn đề cạnh tranh bản quyền các giải đấu lớn hay không thì không thể phủ nhận các dịch vụ streaming trực tuyến qua Internet đang tạo đầu ra cho vô số những giải thể thao có quy mô nhỏ hơn không thể xuất hiện trên TV thường xuyên. Và đó là nơi mà các nhà tổ chức có thể sử dụng các công nghệ mới như tương tác qua mạng xã hội và thực tế ảo để mang đến những trải nghiệm mới chưa từng có trên truyền hình cho người hâm mộ.
Hãy thử nhìn vào Twitch, một đơn vị phát sóng thuộc Amazon. Nằm trong một phần kế hoạch mở rộng từ các dịch vụ streaming game, Twitch đã công bố một thỏa thuận với NBA để streaming 6 trận đấu mỗi tuần của các giải đấu hạng thấp hơn thuộc hệ thống NBA trong mùa giải này. Các trận đấu thuộc NBA G League trên Twitch sẽ bao gồm các thống kê có tính tương tác và tùy chọn cùng streaming với Twitch để khán giả có thể tự mình bình luận.
Nói theo cách khác, đó sẽ không phải là kênh thể thao dành cho bố mẹ bạn. "Twitch giúp tăng chất lượng các video phát sóng theo một cách độc đáo, hấp dẫn riêng và cực kì thu hút nhóm khán giả trẻ", Chủ tịch NBA G League Malcolm Turner phát biểu.
Trong bối cảnh làn sóng streaming trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ, các tập đoàn truyền thông cũng đang nỗ lực để biến mình thành những đế chế truyền hình Internet khổng lồ mới - trước khi các đối thủ có cơ hội đẩy họ ra khỏi miếng bánh truyền hình thể thao.
Năm ngoái, Disney đã giành quyền kiểm soát BAMTech Media sau khi trả tổng cộng 2.6 tỷ USD cho 75% cổ phần của công ty streaming trực tuyến của Major League Baseball. Công ty này hiện cung cấp hạ tầng cho dịch vụ streaming kĩ thuật số của MLB.TV cũng như NHL, PGA, HBO Now và WWE Network.
BAMTech cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động của ESPN Plus, dịch vụ truyền hình OTT trả phí ra mắt vào mùa xuân năm 2018. Bên cạnh đó, Disney cũng có trong tay 22 kênh thể thao sau thương vụ mua lại 21st Century Fox trị giá 54 tỷ USD. Chúng ta vẫn phải chờ đợi liệu các kênh truyền hình thể thao liệu có thể kết hợp với những dịch vụ streaming trực tuyến hay không, nhưng rõ ràng Disney đã nhìn ra những giá trị khi kết hợp mảng kinh doanh truyền hình thể thao của mình với nền tảng phân phối nội dung quan Internet.
"Việc Disney mua lại BAMTech cho thấy cam kết của họ với tương lai của ngành công nghiệp này", CEO Michael Paull của BAMTech, người trước đó làm việc cho chính Amazon Video chia sẻ.
Tương tự Disney, NBC đã thành lập Playmaker Media, một đơn vị kinh doanh dịch vụ streaming trực tuyến. Mùa hè vừa qua, công ty đã giới thiệu NBC Sports Gold, một dịch vụ livestream trực tuyến với nhiều gói khác nhau cho các giải Ngoại hạng Anh, đua xe đạp, điền kinh, bóng bầu dục mà nhiều môn khác.
Turner Sports cũng đã có những kế hoạch mới đối với các chương trình thể thao của mình. Mạng truyền hình cáp này đã ký một hợp đồng độc quyền có thời hạn ba năm đối với bản quyền truyền hình đa nền tảng của các trận đấu UEFA Champions League và UEFA Europa League bắt đầu từ mùa giải 2018-19. Theo thỏa thuận này, Turner sẽ phát sóng trực tiếp hơn hơn 340 trận đấu của UEFA mỗi mùa. Trong lúc sẽ phát chủ yếu các trận đấu trên hai hệ thống kênh TBS và TNT, Turner hy vọng sẽ ra mắt một dịch vụ streaming trực tuyến độc lập hoàn toàn mới dựa trên bản quyền các giải đấu của UEFA mà họ đang sở hữu. Dịch vụ này cũng sẽ gắn chặt với Bleacher Report – tạp chí thể thao online của Turner Sports.
Một trong những lý do chính khiến cả Disney, Turner và NBC quyết định tự xây dựng các mảng kinh doanh dịch vụ streaming trực tuyến của riêng mình chính là dữ liệu.
Sở hữu dịch vụ streaming trực tiếp sẽ cho phép những công ty này thu thập và phân tích thông tin chi tiết về hành vi xem của khách hàng. Trong một thế giới mà xu hướng đa nền tảng ngày càng gia tăng, sở hữu một kho tàng về dữ liệu người dùng sẽ là lợi thế khác biệt rõ ràng. Nếu được sử dụng hiệu quả, dữ liệu có thể giúp các công ty truyền thông trở thành những đối tác mang đến nhiều giá trị hơn với các giải đấu khi các nhà điều hành vẫn đang tìm cách sử dụng dữ liệu để tạo ra những kế hoạch phát triển số lượng khán giả cũng như tăng sự tương tác với người hâm mộ một cách hiệu quả hơn. “Dữ liệu chính là xu thế mới. Nếu tôi có thể trao nó cho bạn, đó sẽ là một lợi thế quan trọng”, Kassan từ MediaLink chia sẻ.
Với Magnus, viễn cảnh các nền tảng streaming trực tuyến nắm vai trò độc quyền đối với các giải thể thao và những đơn vị giữ bản quyền vẫn còn rất xa vời. Ông ấy chỉ xem những công ty công nghệ là những đối thủ cạnh tranh mới nhất và nhấn mạnh rằng ESPN đã phải đối mặt với những đối thủ dồi dào về tài chính trong suốt một thời gian dài. Ông kể rằng: “Tôi đã nghe đến khái niệm “bong bóng bản quyền truyền hình thể thao” lần đầu tiên cách đây 15 năm”.
Những gì thế giới thể thao phải đối diện ngày hôm nay thật ra không quá xa lạ nếu chúng ta ngược về những năm đầu thập kỉ 90, khi đài Fox, lúc đó mới chỉ hoạt động 7 năm quyết định vượt mặt CBS và trả 400 triệu USD một năm để phát sóng các trận đấu chiều chủ nhật của giải NFL. Ngày nay, CBS, Fox và NBC lần lượt phải trả cho NFL hơn 1 tỷ USD mỗi năm.
Những tay chơi mới luôn sẵn sàng để đẩy giá bản quyền truyền hình thể thao lên cao hơn nữa và đó sẽ là một thách thức với những đài truyền hình hiện nay vốn đã cảm thấy nỗi lo đối với hoạt động kinh doanh của mình đến từ các gã khổng lồ công nghệ. Nhưng đó là chính là cái giá để gia nhập thị trường nơi thể thao luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý và có một lượng khán giả khổng lồ. ESPN, cũng như bất kì ai khác trên thị trường, sẽ phải chọn cho mình những mục tiêu riêng.
“Thể thao luôn là con gà đẻ trứng vàngvới truyền hình và sẽ luôn luôn có nhiều kẻ sẵn sàng lao vào nó” - Magnus kết luận.