Theo Guardian, báo cáo của Dự án Dữ liệu Sự kiện và Vị trí Xung đột Vũ trang (Acled) cho rằng Ấn Độ là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới, với 1.385 sự kiện bạo lực nhắm vào dân thường. Đứng thứ 2 là Syria, với 1.160 trường hợp. Yemen, quốc gia đang có nội chiến đứng thứ 3 với 500 trường hợp và ngay sau đó là Philippines với 345 trường hợp dân thường phải hứng chịu bạo lực.
Báo cáo này củng cố những bình luận trước đó của bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bày tỏ quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền ở Philippines và "số lượng người chết cực kỳ cao - và các thông tin liên tục về những vụ giết người phi pháp - trong bối cảnh cuộc chiến chống ma túy diễn ra".
Số lượng người bị giết chính thức trong các chiến dịch chống ma túy đang ở con số 5.425 người tính từ tháng 7/2016, con số mà bà Bachelet mô tả là "vấn đề cực kỳ gây quan ngại đối với bất cứ quốc gia nào".
Chính phủ Philippines cho biết tỷ lệ tội phạm đã giảm 30% kể từ khi chiến dịch mạnh tay với tội phạm ma túy được thực hiện, nhưng Liên Hợp Quốc cho rằng tình trạng giết người phi pháp vẫn diễn ra. Ảnh: AP. |
Ông Carlos Conde, nhà nghiên cứu người Philippines cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: "Những phát hiện của Acled phù hợp với những phát hiện của chúng tôi và là sự khẳng định rằng cộng đồng quốc tế, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Tòa án Hình sự Quốc tế cần phải hành động".
Các số liệu thống kế cho thấy những nỗ lực làm sạch Philippines đã dẫn đến hơn 450 vụ tấn công bạo lực với dân thường, gây ra 49 trường hợp tử vong kể từ tháng 1.
Tùy viên chính trị tại Đại sứ quán Philippines ở London, bà Kristine Salle, bác bỏ những đánh giá của bản báo cáo và cho biết: "Gợi ý rằng Philippines là quốc gia nguy hiểm thứ 4 trên thế giới không chỉ không công bằng, mà còn sai, vì còn nhiều nơi khác trên thế giới nguy hiểm hơn".