Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Cuộc chiến kiếm người đối đầu TT Trump của phe Dân chủ bắt đầu

Thống kê những kỳ bầu cử gần đây cho thấy người trở thành tổng thống Mỹ thường là một trong hai người dẫn đầu trong cuộc đua nội bộ đảng ở Iowa.

Thống kê những kỳ bầu cử gần đây cho thấy người trở thành tổng thống Mỹ thường là một trong hai người dẫn đầu trong cuộc đua nội bộ đảng ở Iowa.

Phe Dân chủ và Cộng hòa đã bắt đầu tiến hành cuộc bầu chọn đầu tiên ở Iowa để tìm ứng viên đại diện đảng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trọng tâm lớn lúc này dồn về phe Dân chủ với việc tìm ra người có thể đánh bại TT Trump.

Thống kê những kỳ bầu cử gần đây cho thấy, người trở thành tổng thống Mỹ thường là một trong hai người dẫn đầu trong cuộc đua nội bộ đảng ở Iowa.

Năm 2000, ông George W. Bush dẫn đầu các ứng viên Cộng hòa ở Iowa với 41% và sau đó trở thành ông chủ Nhà Trắng. Năm 2008, ông Barack Obama dẫn đầu các ứng viên dân chủ được ủng hộ ở Iowa với 38% cử tri ủng hộ. Sau đó, ông đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên. Ở cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hoà năm 2016, ông Trump về nhì với tỷ lệ 24.3% trong cuộc bầu cử ở Iowa.

Trao đổi với Zing.vn, rút kinh nghiệm từ “dư chấn” cuộc bầu cử năm 2016, giáo sư Khoa học Chính trị Peverill Squire (Đại học Missouri, Mỹ) cho biết giới quan sát chính trị Mỹ hiện rất thận trọng trong việc dự đoán tình hình bầu cử.

Bốn gương mặt đang dẫn đầu trong cuộc đua nội bộ đảng Dân chủ gồm cựu phó tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và cựu thị trưởng Pete Buttigieg vẫn đang bám nhau sít sao trong đa số các thăm dò dư luận.

- Ảnh hưởng của những bang bầu cử sớm như Iowa hoặc New Hampshire là như thế nào?

- Theo truyền thống từ thập niên 1970 thì Iowa và New Hampshire là những trận chiến mở màn. Những cuộc bầu cử này còn có ý nghĩa là loại dần số lượng ứng viên (phe Dân chủ hiện còn 11 ứng viên). Tuy nhiên, tôi không chắc xu hướng của những lần bầu cử trước sẽ lặp lại năm nay, vì các ứng viên Dân chủ, đặc biệt ở nhóm dẫn đầu, đã khẳng định năng lực gây quỹ nên họ có đủ khả năng tài chính để đi đường dài.

Mạng xã hội cũng phát huy vai trò lớn để giúp các ứng viên tiếp cận và huy động cử tri. Nên ngay cả khi họ không thể hiện tốt ở Iowa hay New Hampshire thì họ vẫn có thể đi tiếp, chứ không như trong quá khứ là thậm chí có thể phải dừng cuộc đua sớm.

- Thế mạnh và điểm yếu của từng ứng viên trong nhóm dẫn đầu ở phe Dân chủ là gì?

- Ông Joe Biden đã trở thành một phần của chính trị Mỹ trong một thời gian dài. Ông đã được biết đến trên toàn quốc từ thập niên 1970, là thượng nghị sĩ rồi phó tổng thống rất lâu. Ông ấy có thể là ứng viên ôn hoà nhất. Biden cũng có một số sai lầm và lẽ ra có thể phát biểu khôn ngoan hơn. Nhưng nhìn chung nhiều cử tri hài lòng với ông.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng là gương mặt quen thuộc trên chính trường Mỹ, là người cấp tiến cánh tả, và đáng ngạc nhiên là rất được lòng giới trẻ dù ông đã gần 80. Ông Sanders và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đang cùng “giành” những nhóm cử tri như nhau, là những cử tri Dân chủ cấp tiến.

So với hai ứng viên này, bà Warren tham gia chính trị chưa lâu, nhưng bà ấy hiện là ứng viên nữ có cơ hội trở thành đại diện của đảng cao nhất. Tuy nhiên, bà Warren cũng đang có nguy cơ vì bà ấy chưa thể hiện tốt ở những bang tổ chức bầu cử sớm và đang bị tụt lại. Dạo gần đây, Warren đang nỗ lực tại các bang này. Nhưng vẫn nên chờ đến khi có kết quả phiếu thực sự thì chúng ta sẽ có cái nhìn rõ hơn về các ứng viên dẫn đầu.

phe dan chu chon nguoi doi dau Trump anh 1

- Cử tri Mỹ quan tâm nhất vấn đề gì?

- Trong nền chính trị Mỹ hiện đại, chúng tôi thường sẽ chú trọng nhất về tình hình kinh tế. Và theo nhiều chỉ số thì nền kinh tế Mỹ đang thể hiện tốt. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm, tỷ lệ tăng trưởng dù không phải cao nhưng đang tăng.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ hiệu quả của nền kinh tế có sức tác động tương tự như hồi năm 2016, vì Tổng thống Trump là một nhân vật đầy tranh cãi. Dù nền kinh tế vẫn tốt, vẫn có rất nhiều người muốn ông ta rời Nhà Trắng. Cho nên, tôi nghĩ nhiều người Mỹ đang cố gắng cân bằng giữa câu hỏi về nền kinh tế và chuyện gì đang xảy ra ở xã hội Mỹ, liệu họ thể chấp nhận các vấn đề đó không.

Nếu tình hình kinh tế tiếp tục thể hiện tốt, ông Trump sẽ có lợi thế và ngược lại. Nếu nước Mỹ bị liên quan vào một xung đột quốc tế nào, khó mà nói trước bên nào sẽ được lợi, và đó thực sự là lợi hay hại. Và liệu sắp tới có thêm bê bối nào của chính quyền hiện tại được công bố hay không?

Nên lời khuyên của tôi là mọi người vẫn duy trì bình tĩnh, bởi không thể dự báo gì về cuộc đua ở mãi đầu tháng 11 với những thông tin ở cuối tháng 1.

- Sau các cuộc tranh luận giữa những ứng viên Dân chủ, ông thấy họ đề cập các vấn đề kinh tế như thế nào?

- Tôi nghĩ ngay chính họ cũng đang cố gắng định hình cụ thể chính sách kinh tế thế nào. Dù là tỷ lệ thất nghiệp có giảm nhưng còn rất nhiều người Mỹ khó khăn, và thu nhập cũng chưa cải thiện. Sự trì trệ đã kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Chúng tôi đang ở giai đoạn mà mỗi người bắt đầu suy ngẫm về thế nào là một nền kinh tế vững mạnh, và liệu chính sách mà phe Cộng hoà muốn theo đuổi có thực sự hiệu quả cho đa số người dân Mỹ hay chỉ mang lại lợi ích cho người giàu.

- Ông có nhìn ra sự rõ ràng nào về đề xuất chính sách của các ứng viên Dân chủ?

- Thực ra điều này khá là khó khăn trong cuộc đua nội bộ đảng. Bởi vì họ cùng một đảng nên có quan điểm đồng thuận trên phần lớn vấn đề, và họ sẽ có xu hướng phóng đại ở những điều bất đồng.

Đến nay, sự khác biệt lớn nhất giữa các ứng viên là về việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Một số người muốn mở rộng hệ thống chăm sóc y tế toàn quốc, số khác thì không mong như vậy. Nhiều người ngần ngại trước những thay đổi đòi hỏi sự thay đổi triệt để.

Bên cạnh đó là những khác biệt nho nhỏ, như một số ứng viên có thể sẵn sàng can thiệp quốc tế nhiều hơn, hoặc khác biệt trong chính sách thương mại. Một số người tỏ ra ủng hộ thương mại tự do hơn các ứng viên khác.

Nếu quay trở lại giai đoạn 8 năm trước thì một bộ phận cử tri Cộng hoà là những người ủng hộ thương mại tự do. Họ cũng là người đã bầu chọn ông Trump, nhưng ông ấy không phải là người có cùng chủ trương này. Cho nên tình hình chính trị Mỹ luôn năng động và biến hoá và gây khó khăn trong việc dự đoán.

- Cá nhân ông dự đoán ai sẽ là ứng viên đảng Dân chủ?

- Đến thời điểm này tôi cũng không thể hoàn toàn chắc chắn. Hiện tại, tôi nghĩ ông Biden là có khả năng nhất. Ông Sanders cũng đã thể hiện rất tốt. Bà Warren và cựu thị trưởng Pete Buttigie vẫn chưa rõ ràng. Nhưng tôi không nghĩ sẽ có bất ngờ nào ngoài 4 ứng viên dẫn đầu này.

Nhưng chúng ta vẫn cần theo dõi thêm tình hình. Và nếu vòng đua về sau chỉ còn là sự đối đầu giữa ông Biden và ông Sanders thì đó chắc chắn là quyết định rất khó khăn của phe Dân chủ. Rất nhiều người ủng hộ ông Biden nhưng không thích ông Sanders và ngược lại. Cho nên chúng ta cần đợi kết quả bầu cử bước đầu ở Iowa để nắm rõ tình hình hơn.

- Bài học kinh nghiệm của lần bầu cử năm nay so với năm 2016 là gì?

- Với những nhà quan sát chính trị, điều rút ra sau cuộc bầu cử 2016 là chúng tôi không thể dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra một cách chính xác và tự tin cao như đã từng. Rất nhiều người, kể cả tôi, đã ngỡ ngàng khi ông Trump chiến thắng. Nên kỳ bầu cử lần này sẽ khiến nhiều người cẩn trọng hơn trong việc phán đoán tình hình.

Chúng tôi không chắc chắn ứng viên chính thức của phe Dân chủ là ai. Chúng tôi cũng không thể biết những chuyện gì có thể xảy ra từ đây cho đến ngày bầu cử. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các yếu tố bất định, một phần đến từ chính phủ hiện tại.

- Vì sao kết quả khảo sát không nên là yếu tố tham khảo duy nhất?

- Theo tôi, bất kỳ người nào cũng cần giữ một thái độ hoài nghi với mỗi cuộc khảo sát hoặc thăm dò dư luận đơn lẻ. Họ cần xem kết quả của nhiều cuộc thăm dò khác nhau thì mới có thể nhận ra xu hướng chung.

Làm khảo sát dư luận ở Mỹ không phải chuyện dễ, những khó khăn có thể nằm ở khâu chọn mẫu, hoặc mời người tham gia khảo sát. Nên là dù chúng ta có thích khảo sát của một hãng cụ thể nào, hoặc những khảo sát công bố mới nhất, thì cũng cần tham khảo thêm nhiều nguồn khác để đánh giá tình hình.

- Vì những yếu tố bất ngờ và không thể xác định, chúng ta cần theo dõi tình hình như thế nào?

- Phe Dân chủ đang tìm kiếm ứng viên chính thức. Theo thông lệ, ông Trump sẽ là đề cử của đảng Cộng hoà để tái tranh cử tổng thống. Năm nay có rất nhiều ứng viên Dân chủ tham gia cuộc đua, và chúng ta chỉ đang ở vạch xuất phát. Rất nhiều yếu tố bất định về việc ai sẽ là ứng viên chính thức của đảng Dân chủ, liệu đó sẽ là người ôn hoà hay tiến bộ?

Do vậy, đến thời điểm này thì trọng tâm chính nằm ở vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Yếu tố quan trọng khác sẽ là vị thế của ông Trump sẽ như thế nào sau khi các phiên luận tội kết thúc.

- Những phiên luận tội ông Trump hiện nay sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử như thế nào?

- Cả hai phe đều đang tận dụng hiệu ứng từ vụ luận tội để huy động và lôi kéo cử tri. Tôi không nghĩ ông Trump sẽ bị phế truất, nhưng các thông tin cứ liên tục được tung ra có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng tái đắc cử của ông. Ngoài ra là sự bất đồng sâu sắc của cử tri Cộng hoà và Dân chủ, nên cuộc bầu cử năm nay sẽ rất cạnh tranh và gay gắt.

- Với phe Dân chủ, nếu cử tri đi bầu cử đông thì ứng viên nào sẽ có lợi?

- Điều này cũng khó xác định vì mỗi ứng viên có sức hút ở mỗi nhóm cử tri khác nhau. Như cựu phó tổng thống Joe Biden thì rất được lòng những cử tri lớn tuổi. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders lại đặc biệt thu hút cử tri trẻ. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và cựu thị trưởng Pete Buttigie có ưu thế tại những đơn vị tranh cử của họ. Dù chúng ta có những thăm dò cập nhật liên tục, chúng vẫn không phải là chỉ số chắc chắn.

Nên chúng ta cần đợi ít nhất là đến sau hai cuộc bầu cử đầu tiên ở bang Iowa và New Hampshire, chúng sẽ cho biết kết quả thực tế nhất về cử tri nghĩ gì và lượng cử tri tham gia đi bầu là bao nhiêu. Nhìn chung, nếu cử tri đi bỏ phiếu càng cao thì sẽ có lợi cho ông Sanders. Nhưng nếu sự tăng trưởng ở nhóm cử tri lớn tuổi thì ông Biden sẽ có ưu thế.

- Cử tri trẻ có thể làm nên sự khác biệt lớn trong cuộc bầu cử năm nay?

- Nếu có sự gia tăng mạnh về số lượng cử tri trẻ tham gia bầu cử, mà ở đây chúng tôi xác định là từ 18-29 tuổi, như hồi năm 2018, sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho phe Dân chủ. Trong hoàn cảnh này, ông Sanders có khả năng lớn để trở thành đại diện của đảng. Đối với vòng tổng tuyển cử, cử tri trẻ có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ hơn là đảng Cộng hoà.

- Nhưng ông Sanders không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các gương mặt nổi bật của đảng Dân chủ.

- Bản thân ông ấy cũng là một nhân vật tranh cãi trong nội bộ đảng. Ông ấy thiên tả, và cũng không hoàn toàn là một “người Dân chủ”. Tuy nhiên, tôi nghĩ câu hỏi lớn nhất của các cử tri phe Dân chủ là làm thế nào để đánh bại ông Trump, hơn là sự chú ý đặc biệt vào ứng viên nào. Mục đích thống nhất của phe Dân chủ là chiến thắng ông Trump và giành lại Nhà Trắng.

- Nhóm cử tri nào sẽ có vai trò tác động quan trọng đến cuộc bầu cử?

- Năm nay, tôi nghĩ những nhóm cử tri ở ngoại ô, đặc biệt là những phụ nữ da trắng trí thức, sẽ có sức ảnh hưởng lớn. Họ là những người đã phản đối đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2018. Họ cũng là nhóm bất mãn nhất với chính quyền hiện tại. Có thể họ đồng ý với chính quyền về một số vấn đề kinh tế, nhưng đa phần không đồng tình về các vấn đề xã hội.

Nếu nhóm cử tri này tiếp tục phản đối đảng Cộng hoà thì chắc chắn đó sẽ là một trở ngại lớn với đảng này.

- Ông nhận định thế nào về sự chia rẽ ở người dân Mỹ sau cuộc bầu cử 2016? Điều đó tác động đến tình hình bầu cử năm nay thế nào?

- Đối với những người nghiên cứu chính trị Mỹ thì chúng tôi sử dụng một từ khác, là phân cực (polarized). Phe Dân chủ và phe Cộng hoà khác biệt sâu sắc trong cách nhìn về chính trị. Sự khác biệt này lớn chưa từng có, ít nhất là trong cuộc đời tôi. Lịch sử luôn có những giai đoạn mà các phe bất đồng nhau, nhưng đây là lần đầu tiên sự bất đồng càng được tiếp sức thêm bởi mạng xã hội.

Tôi không dùng mạng xã hội, nhưng tôi quan sát được chúng khiến tình hình tệ đi như thế nào. Bởi vì mạng xã hội giúp bạn tiếp cận những người thích bạn và có lối suy nghĩ như bạn dễ dàng hơn. Đối với những người lo ngại về “sức khoẻ” của nền dân chủ Mỹ, chúng tôi quan tâm những thông điệp được phát đi trong cuộc bầu cử là gì, và chúng được truyền đi như thế nào.

phe dan chu chon nguoi doi dau Trump anh 2

- So với những gương mặt quen thuộc, liệu cử tri có mong muốn một gương mặt mới?

- Chúng tôi vẫn đang “phục hồi” sau cuộc bầu cử 2016. Khi đó tôi hoàn toàn tin ông Trump không thể trở thành đại diện của đảng Cộng hoà, cũng như không thể chiến thắng cuộc bầu cử. Kết quả đó khiến nhiều người rất khó chịu. Lần này, giới quan sát chính trị rất thận trọng trong việc dự đoán tình hình, cả về cuộc đua ở phe Dân chủ và vòng tổng tuyển cử. Những yếu tố bất định sẽ nằm ở tình hình kinh tế như thế nào hoặc có biến cố quốc tế nào xảy ra không.

Những gì tôi có thể phát biểu đến thời điểm này là nếu cuộc bầu cử diễn ra hôm nay, dĩ nhiên chỉ là giả định, thì ông Biden có thể đánh bại ông Trump, ông Sanders cũng có cơ hội chiến thắng, và bà Warren chắc chắn sẽ là đối thủ không thể xem thường.

- Ông có nghĩ ông Trump sẽ tái đắc cử năm nay?

- Năm 2016, tôi không hề nghĩ rằng ông Trump sẽ thắng. Năm nay, tôi vẫn cho là phe Dân chủ có cơ hội chiến thắng, nhưng lòng tin vào quyết định này không còn mạnh mẽ như cách đây 4 năm.

Hệ thống bầu cử theo hình thức đại cử tri cũng là một nguyên nhân, khi chỉ một số bang và một nhóm người lại tạo ra tác động lớn. Nên chúng ta cần theo dõi tình hình ở các bang như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và có thể là Ohio, Florida. Những bang này có thể tác động lớn đến kết quả bầu cử tổng thống.

Ở cuộc bầu cử tháng 11 tới đây, chúng tôi không chỉ bầu tổng thống mà còn bầu ra 1/3 ghế ở thượng viện và toàn bộ hạ viện. Chúng tôi sẽ biết được là đảng Dân chủ hay Cộng hoà sẽ nắm quyền kiểm soát. Hoặc thực tế hơn là mỗi bên phân chia nắm giữ một phần chính quyền như thế nào, mà hiện nay chúng tôi gọi là một chính quyền chia rẽ.

Đây là giai đoạn quan trọng với phần lớn người Mỹ, vì chúng tôi sẽ phải hình dung mọi người mong muốn đất nước sẽ tiến lên theo lối nào. Hiển nhiên, phe Cộng hoà ủng hộ ông Trump có cái nhìn rất khác về sự phát triển của đất nước so với nguyện vọng của phe Dân chủ. Cuộc bầu cử nào cũng quan trọng, nhưng tầm quan trọng của bầu cử năm nay đáng kể hơn vì nó diễn ra trong sự bất đồng sâu sắc giữa hai chính đảng.

Giáo sư Mỹ: Mục đích của phe Dân chủ là chiến thắng ông Trump Trước thềm bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, giáo sư Peverill Squire nhận định với Zing.vn rằng mục tiêu của đảng này là tìm ra người đủ sức đối đầu với TT Trump, giành lại Nhà Trắng.

New York Times phá lệ, cùng lúc ủng hộ hai ứng viên tổng thống

Báo New York Times đã phá lệ khi tuyên bố ủng hộ đến hai nữ ứng viên đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, và nói hai người đại diện cho hai trường phái trong đảng.

Đảng Cộng hòa 'diễn tập' bầu cử trước 1 năm cho Tổng thống Trump

Một năm trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ 2020, đảng Cộng hòa tiến hành tập dượt cho bộ máy tái tranh cử của ông Trump trong khi đảng Dân chủ đổ nguồn lực vào cuộc đấu sơ loại.

Cảnh Toàn (thực hiện)

Đồ họa: Như Ý; Ảnh: Reuters

Bạn có thể quan tâm