Ông Shin Dong Bin (giữa) trong vòng vây phóng viên sau khi hoàn toàn nắm quyền kiểm soát tập đoàn Lotte. Ảnh: AFP |
Lotte là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất Hàn Quốc với quy mô nhân sự hơn 310.000 người. Năm 2014, 80 công ty con của tập đoàn báo cáo tổng lợi nhuận gần 80 tỷ USD. Chủ tịch kiêm người sáng lập Shin Kyuk Ho có hai con trai là Shin Dong Joo (61 tuổi) quản lý hoạt động của Lotte ở Nhật Bản; và Shin Dong Bin (60 tuổi) quản lý việc kinh doanh ở Hàn Quốc.
Trong khi tăng trưởng ở Nhật Bản chững lại, Dong Bin đã xây dựng Lotte trở thành nhà bán lẻ số 1 tại Hàn Quốc thông qua nhiều vụ mua bán và sáp nhập.
Đầu năm 2015, ông Dong Joo bị mất quyền hành đối với tập đoàn ở Nhật Bản. "Đây là quyết định của bố", ông Dong Bin nói với các phóng viên. Khi đó, một số nguồn tin cho biết, Dong Joo tình nghi em trai đứng sau âm mưu phế truất này.
Giữa tháng 7, Dong Bin đứng ra nhận trách nhiệm quản lý việc kinh doanh của Lotte ở Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Dong Joo phản đòn bằng cách thỉnh cầu bố, vận động hỗ trợ từ những người chú và chị cùng cha khác mẹ. Người phụ nữ này rất quan trọng đối với chủ tịch Shin Hyuk Ho do thường xuyên kề cận và đẩy xe lăn cho ông.
Gần cuối tháng 7, Dong Joo thông báo công khai rằng, bố đã sa thải Dong Bin và toàn bộ vây cánh khỏi các chức vụ ở Lotte Holdings Nhật Bản.
Tuy nhiên, đến ngày 28/7, báo Korea Herald cho biết ông Kyuk Ho bị chính con trai Dong Bin lật đổ khỏi chức tổng giám đốc công ty này. Theo tờ báo, Dong Bin đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với ban giám đốc ở Tokyo để quyết định thay đổi quyền hạn và chức vụ của bố. Ông Kyuk Ho trở thành chủ tịch danh dự thay vì chủ tịch điều hành. Tất cả hoạt động kinh doanh vẫn được trình báo tới ông, nhưng ông không còn quyền lực để quyết định.
Shin Dong Joo, con trai cả của người sáng lập Lotte, cho rằng em trai đã lên kế hoạch loại trừ ông. Ảnh: Korea Herald |
Lý lẽ để phản đòn của Dong Bin rằng, hành động bất ngờ cách chức bố không hợp pháp "khi ông không tổ chức cuộc họp chung để thông qua quyết định", một nguồn tin nói. Gay gắt hơn, Dong Bin cho rằng chính anh trai Dong Joo đã lên kế hoạch và đứng sau "giật dây" bố.
Sau quyết định điều chỉnh chức vụ của ông Shin Kyuk Ho, Dong Bin trở thành người quản lý các công ty thuộc Lotte ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trận chiến dâng đến đỉnh điểm đầu tháng 8, khi Dong Joo gọi em trai là "đứa con nổi loạn vô ơn" khi chống lại quyết định của bố. Dong Joo cũng công bố những văn bản có chữ ký của chủ tịch để xác nhận việc chuyển giao chức vụ lãnh đạo cho ông.
"Shin Dong Bin không có quyền lực gì cả. Tôi không thể tha thứ cho nó vì việc gạt tôi khỏi tập đoàn mà mình đã xây dựng 70 năm qua", ông Shin Hyuk Ho nói trong video do Dong Joo công bố.
Những người ủng hộ Dong Bin cho rằng Dong Joo là một người quản lý yếu kém, thậm chí cáo buộc ông lợi dụng tình hình lẩn thẩn của chủ tịch Shin để tẩy não ông.
Đến giữa tháng 8, sự việc dường như đã được an bài khi những cổ đông chính của tập đoàn Lotte đều đồng tình về vai trò lãnh đạo của Dong Bin cũng như kế hoạch quản trị, kinh doanh của ông. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn chưa dừng lại. Dong Joo là một cổ đông chính và đe dọa sẽ đưa vấn đề ra tòa. "Tập đoàn này vẫn duy trì cách quản trị như thời Trung cổ", tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc bình luận.
Vụ đấu đá trong gia đình người sáng lập Lotte khiến các nghị sĩ Hàn Quốc lo ngại đến mức họ đã tổ chức một buổi điều trần hồi tuần trước để yêu cầu tập đoàn giải thích về những rắc rối vừa qua. Đích thân Dong Bin đã xin lỗi vì khiến dư luận quan ngại về các thay đổi trong nội bộ tập đoàn.
Cuộc chiến giữa các hoàng tử
"Những vụ đấu đá này xảy ra ở các chaebol (tập đoàn gia đình trị có ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn ở Hàn Quốc). Sự việc nghiệm trọng đến nỗi, các chủ tịch Samsung và Hyundai hẳn sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm vì họ chỉ có một con trai. Đối với các nhà đầu tư, họ yêu cầu những chaebol cải cách biện pháp quản lý tập đoàn, cùng những kế hoạch bàn giao cho người kế thừa minh bạch hơn", ông Lee Ji Soo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật và Doanh nghiệp Hàn Quốc, nói với báo New York Times.
Những nhà đầu tư ngoại quốc đặc biệt lo ngại vấn đề quản trị doanh nghiệp ở các chaebol. Cấu trúc doanh nghiệp phức tạp và việc kế thừa chỉ bàn giao cho người con mà chủ tịch yêu quý khiến những công ty trị giá hàng tỷ USD có thể gặp biến động.
Các chủ tịch chaebol thường không chọn người kế vị cho đến những ngày cuối đời. Với khối tài sản hàng tỷ USD trước mắt, những người thừa kế sẽ tìm cách đối phó lẫn nhau, kiện tụng, lắp camera giám sát, thậm chí cáo buộc người kia làm giả di chúc của bố. Họ quyết tâm giành quyền lực bằng mọi giá.
Trong trường hợp tệ nhất, đấu đá gia đình sẽ khiến chaebok tan vỡ, điển hình như việc tập đoàn Hyundai bị phân tán thành 4 nhóm năm 2000. Một số trường hợp khác chứng kiến sự bất đồng kéo dài trong ban quản trị, như tình hình ở tập đoàn Doosan và Kumho.