Cuộc chiến 'giành giật' hợp đồng máy bay chiến đấu Hàn Quốc
Ngày 23/5, Tập đoàn Hàng không Vũ trụ châu Âu (EADS) đã đề xuất khoản đầu tư 2 tỷ USD cho dự án phát triển máy bay chiến đấu đã bị trì hoãn từ lâu của Hàn Quốc nếu giành được hợp đồng này.
Tập đoàn EADS đã đưa ra đề xuất trên trong bối cảnh chiến đấu cơ Tranche 3 của họ phải cạnh tranh với máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin và F-15 Silent Eagle của hãng Boeing để giành bản hợp đồng trị giá 8,3 nghìn tỷ Won (tương đương 7,3 tỷ USD) nhằm thay thế phi đội già nua của Hàn Quốc gồm các chiến đấu cơ F-4 và F-5 từ năm 2016.
Ngoài ra, Tập đoàn EADS cũng hứa sẽ xây dựng một cơ sở bảo trì, sửa chữa và đại tu (MRO); một trung tâm phần mềm không gian và hỗ trợ việc “show hàng” cho các máy bay chiến đấu do Hàn Quốc tự chế tạo.
“Nếu EADS giành được hợp đồng này, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Hàn Quốc sẽ được thúc đẩy”, EADS tuyên bố.
Được khởi động từ năm 2002 nhằm chế tạo các máy bay chiến đấu F-16, nhưng tham vọng này của Seoul đã bị trì hoãn do giới chuyên gia hoài nghi về tính khả thi của dự án nhiều tỷ đô này.
Máy bay chiến đấu của EADS. |
Trong một diễn biến có liên quan, Hàn Quốc ngày càng trở thành “tay chơi” có tiếng trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, đặc biệt là đơn đặt hàng từ một số quốc gia Đông Nam Á. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockhom (SIPRI), trong giai đoạn 2011- 2012, Seoul đã chuyển giao cho Indonesia 8 máy bay huấn luyện sơ cấp KT-1B theo hợp đồng được 2 nước ký năm 2005. Cũng trong giai đoạn này, Indonesia đã nhận thêm 54 lựu pháo KH-178 105mm từ Hàn Quốc.
Năm 2011, Indonesia cũng ký hợp đồng mua 16 máy bay huấn luyện phản lực T-50 Golden Eagle từ Hàn Quốc với tổng trị giá 400 triệu USD. Đây là một trong số ít máy bay huấn luyện phi công trên thế giới đạt vận tốc siêu âm (khoảng 1.400-1.500km/h). Đặc biệt, trong hợp đồng này, Seoul đã chấp nhận chuyển giao công nghệ để lắp ráp toàn bộ số máy bay tại Indonesia.
Theo giới phân tích, một trong những lý do chính mà vũ khí Hàn Quốc chỉ trong vài năm đã xâm nhập thành công thị trường Đông Nam Á, vốn là “miếng bánh màu mỡ” của các nhà thầu quốc phòng Nga, phương Tây, có lẽ là do nước này sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giấy phép sản xuất. Đây là vấn đề mà các hãng quốc phòng từ Mỹ, châu Âu khó chấp nhận.
Thanh Hương
Theo Infonet