Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến gián điệp Nga - Mỹ: Thế mèo vờn chuột sẽ tiếp tục

Quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga của chính quyền Obama là đòn cảnh báo mạnh mẽ mà Washington dành cho Moscow, song đây chỉ là một bước đi nhỏ trong cuộc cờ lớn Nga - Mỹ.

Trong 70 năm qua, Moscow đã “cài cắm” hàng loạt gián điệp vào đại sứ quán và các tòa lãnh sự ở Mỹ, giao cho họ nhiệm vụ lấy cắp những bí mật quan trọng nhất từ kẻ thù lâu năm.

Một trong những công việc của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) là xác định và theo dõi những nhân vật này. Moscow cũng làm điều tương tự. Đây giống như một phần trò mèo vờn chuột trong cuộc chiến gián điệp Nga – Mỹ.

Cái khó không phải là việc tìm ra gián điệp mà là quyết định xử lí họ thế nào. Trong lịch sử quan hệ ngoại giao, Nga – Mỹ từng không ít lần đụng độ trong vấn đề gián điệp, song việc Nhà Trắng hay Điện Kremlin công khai trục xuất các nhà ngoại giao là điều hiếm gặp.

Bước đi toan tính kỹ

Theo New York Times, việc chính quyền Tổng thống Obama ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga hôm 29/12 được xem là động thái mang tính khiêu khích, đã được lên kế hoạch và tính toán cẩn thận.

cuoc chien gian diep Nga - My anh 1
Các nhà ngoại giao Nga lên máy bay rời Mỹ trong ngày đầu năm mới sau khi bị chính quyền Tổng thống Obama trục xuất. Ảnh: Getty.

Giới chức Washington cho hay nhiều tuần trước khi ra thông báo hôm 29/12, Nhà Trắng đã yêu cầu FBI và các cơ quan tình báo đưa ra danh sách những người Nga bị nghi hoạt động gián điệp.

Theo các cựu quan chức liên bang, việc chính quyền Obama nhắm vào các nhà ngoại giao Nga ở Washington và San Francisco là bước đi không quá bất ngờ.

Hoạt động gián điệp của Nga vốn diễn ra nhiều ở San Francisco. Tại đây, Điện Kremlin không chỉ thu thập tin tức tình báo từ các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon. San Francisco còn là khu vực có rất nhiều căn cứ quân sự Mỹ.

Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco hôm 30/12 lên tiếng phản đối vì bị gọi là "tổ gián điệp". Họ cũng chia sẻ về tình cảnh éo le khi gần chục quan chức lãnh sự buộc phải về nước hôm 31/12 và “đón năm mới trên máy bay”.

Trong bài viết trên Facebook, họ lên án việc quy kết các nhân viên lãnh sự hoạt động gián điệp là điều “quái đản và vô lý”. Trong số những người trục xuất có cả đầu bếp của tổng lãnh sự quán. "Chúng tôi sẽ không thể thết đãi các bạn các đồ ăn Nga thực thụ nữa." 

cuoc chien gian diep Nga - My anh 2
Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco bị gọi là "tổ gián điệp". Ảnh: AFP.

Mặc dù vậy, các cựu nhân viên Cục Điều tra Liên bang cho biết FBI đã cân nhắc nhiều yếu tố trước khi quyết định người nào bị trục xuất.

Nhìn chung, “đó là những nhà ngoại giao đáng ngờ nhất có dính líu tới việc thu thập các tin tức tình báo về chính trị, quân sự hoặc kinh tế”. Nói cách khác, đây là những người Nga được cho là đã đánh cắp nhiều bí mật nhất.

Những con tốt trong cuộc cờ lớn

Đôi khi các tổng thống Mỹ trục xuất người Nga vì họ gây gây tổn hại cho hoạt động tình báo của Washington. Đôi khi hành động này lại là lời cảnh báo dành cho Moscow. Khi đó, những quan chức bị trục xuất chỉ đóng vai trò các quân tốt trên bàn cờ.

Trong vụ việc mới nhất, động thái của chính quyền Obama nhằm đáp trả Nga với cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử Mỹ cũng như quấy rối các nhà ngoại giao Mỹ ở nước này.

Trong một thông cáo, ông Obama gọi quyết định trục xuất là "biện pháp đáp trả cần thiết đối với âm mưu nhằm gây hại cho lợi ích Mỹ" và nói rằng "tất cả người Mỹ cần được cảnh báo về những hành động của Nga".

cuoc chien gian diep Nga - My anh 3
Ngày 29/12, Tổng thống Barack Obama ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc gián điệp. Ảnh: thegatewaypundit.com.

 

35 nhà ngoại giao Nga tại đại sứ quán ở Washington và tổng lãnh sự quán ở San Francisco bị Mỹ tuyên bố là “không còn được hoan nghênh” và buộc phải rời Mỹ trong vòng 72 giờ.

Đây là lần Washington áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất đối với các cáo buộc về hoạt động tin tặc của Moscow.

Diễn biến này diễn ra vào những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, đánh dấu mức căng thẳng mới giữa Mỹ và Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh, vốn đã xấu bởi tình hình Ukraine và Syria.

Cuộc chơi còn tiếp diễn

“Tôi nghĩ động thái này gây tác động ngắn hạn lên hoạt động thu thập tình báo của Nga ở Mỹ”, cựu quan chức FBI Kevin Favreau nói.

“Trò chơi sẽ tiếp tục, các viên chức tình báo luôn có thể thay thế được”. Mỹ sẽ tiếp tục xác định và đưa người Nga vào danh sách các đối tượng hoạt động gián điệp bị theo dõi nhưng không trục xuất.

cuoc chien gian diep Nga - My anh 4
Xe buýt chở nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Mỹ vào năm 1986 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Ảnh: AP.

Trong Chiến tranh Lạnh, số lượng tình báo Nga ở Mỹ vượt trội so với điệp vụ CIA ở Nga, tỷ lệ có thể lên tới 10 – 1. Trong bối cảnh đó, Washington lo ngại việc trục xuất người Nga có thể khiến Kremlin trả đũa trục xuất số nhà ngoại giao và điệp viên Mỹ ít ỏi, khiến hoạt động tình báo của Washington ở Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bước chuyển lớn xảy ra vào cuối 1986 khi Tổng thống Ronald Reagan sau khi quá tức giận với một loạt vụ ăn cắp bí mật quá tổn hại đã yêu cầu trục xuất 80 nhà ngoại giao Xô Viết. Phía Liên Xô khi đó trả đũa bằng việc trục xuất hàng chục nhân viên Mỹ. 

Điều này hầu như không thay đổi sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhiệm vụ của các sĩ quan phản gián Mỹ là theo dõi điệp viên Nga, thỉnh thoảng quấy rối họ và tìm cách lôi kéo họ làm việc cho Mỹ.

Tháng 1 năm ngoái, FBI gây chấn động khi phá vỡ một mạng lưới gián điệp của Moscow được cho bí mật thu thập thông tin kinh tế về thị trường Mỹ. Kết thúc vụ việc, 2 nhân viên thuộc Cơ quan Tình báo ở nước ngoài (SVR) của Nga bị Washington trục xuất. 

Đáng nói là trong những năm qua, nhân viên FBI từng muốn thực hiện vài cuộc bắt giữ tương tự vụ ở New York nhưng những yêu cầu đó đều bị từ chối do lo ngại Nga sẽ trả đũa.

35 nhà ngoại giao Nga phải rời Mỹ vào đầu năm mới

Truyền thông Nga xác nhận máy bay chở 35 nhà ngoại giao nước này và người thân bị Mỹ trục xuất đã rời sân bay ở Washington vào ngày 1/1.

Trump khen Putin 'rất thông minh' vì không trả đũa Mỹ

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tán dương Tổng thống Nga Vladimir Putin vì không vội vàng đáp trả các lệnh trừng phạt Washington vừa áp đặt.





An An

Bạn có thể quan tâm