Mỗi đô thị đều phải lựa chọn những giải pháp riêng để xử lý tình trạng kẹt xe gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Giảm kẹt xe bằng... cáp treo
Manila (Philippines) thường bị đánh giá là nơi có nạn kẹt xe kinh khủng nhất thế giới. Đô thị Manila có tổng cộng 17 thành phố riêng biệt (trong đó có thành phố thủ đô Manila) với tổng số dân hơn 20 triệu người.
Giải quyết nạn kẹt xe tại Manila trong nhiều năm qua vẫn là bài toán chưa có lối ra cho chính quyền Philippines. Rất nhiều biện pháp từng được cân nhắc, từ những biện pháp phổ biến đến những ý tưởng điên rồ.
Có thể kể đến những sáng kiến như xây thêm đường, tăng thuế cho những gia đình mua chiếc xe thứ hai hoặc ba, thậm chí xây một... thủ đô mới để đẩy công chức về đó.
Xe máy và ô tô chen chúc nhau trong một điểm kẹt xe tại Manila. Ảnh: AFP |
Tại Manila, người sở hữu xe không thể muốn lái xe ra đường ngày nào thì lái. Số cuối cùng trong số đăng ký xe sẽ quy định ngày nào chủ xe có thể lưu thông trên đường, và mỗi con số chỉ có một số ngày nhất định được phép "xuất hành".
Tháng 6 vừa qua, một lãnh đạo ngành giao thông Philippinesnêu đề xuất sử dụng... cáp treo để giúp giảm áp lực lưu thông trên đường bộ, theo Rappler.
Xe hơi - "hung thần" của đường phố
Ở Bangkok (Thái Lan) số xe đã nhiều hơn số người. Theo Bangkok Post, hiện Bangkok có 8,9 triệu xe, trong khi dân số chính thức ở đây chỉ là gần 6 triệu người.
Tuy nhiên, con số những người lưu thông trên đường phố Bangkok mỗi ngày lên đến 17 triệu người, và chỉ có 40% trong số họ sử dụng các phương tiện công cộng.
Chính quyền Thái Lan đã có nhiều biện pháp hạn chế việc sở hữu xe hơi. Các biện pháp mới được đề xuất hồi cuối năm 2015 bao gồm yêu cầu người mua xe phải chứng minh mình có nơi đậu xe mới được mua, phạt nặng những người đậu xe gây ách tắc, tăng phí đậu xe ở trung tâm thành phố...
Bên cạnh hạn chế xe hơi, Thái Lan đang tích cực cổ vũ người dân đạp xe bằng cách xây làn đường riêng cho xe đạp, tổ chức ngày hội đi xe đạp... Tuy nhiên, sau tất cả các biện pháp, kẹt xe vẫn là một trong những điều khó chịu nhất cho người đến Bangkok.
Một người đi bộ qua đường trong lúc xe cộ đều bị tắc lại trong một đám kẹt xe ở Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Tại Yangon (thủ đô của Myanmar cho đến năm 2006), trong nhiều năm liền người dân phải sống phụ thuộc vào hệ thống xe buýt quá tải và lỗi thời, đối mặt những người phụ xe thô lỗ và thậm chí cả nạn quấy rối tình dục trên xe buýt.
Thế nhưng khi Myanmar mở cửa nền kinh tế, cho phép các nhà nhập khẩu xe tư nhân được gia nhập thị trường, nước này đối mặt với bài toán giao thông còn khó khăn hơn.
Giá xe hơi giảm mạnh, ngay cả những gia đình trung lưu cũng mua được xe. Lượng xe hơi tăng đột biến gây ra nạn kẹt xe, trong khi hạ tầng giao thông và hệ thống giao thông công cộng vẫn chưa được cải thiện.
"Quay số" để được đăng ký xe hơi
Trong khi đó, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hạn chế lượng xe cộ bằng cách giới hạn cấp phép đăng ký ô tô mới. Larry Li, làm việc trong ngành tài chính, đã xin giấy phép tất cả 47 lần trong 5 năm qua, và 47 lần đều thất bại.
Trong tháng 6.2016, trong số 2,7 triệu đơn đăng ký qua mạng, chỉ có 1/725 số đơn được duyệt cấp phép đăng ký tại Bắc Kinh, New York Times dẫn số liệu chính thức của chính quyền. Biện pháp "xổ số" giấy phép này được áp dùng từ tháng 1/2011.
Những người không may mắn trong "vòng quay số" như Li phải chọn đến một giải pháp khác. Họ mang xe ra tỉnh, thành bên ngoài Bắc Kinh đăng ký. Những chiếc xe có biển số ngoại tỉnh phải xin một giấy phép gọi là "giấy ra vào Bắc Kinh", và mỗi tuần họ phải lên cảnh sát để gia hạn giấy phép này.
Dù vậy, biện pháp này vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng giao thông ở Bắc Kinh. Chính quyền thành phố này đang cân nhắc cả việc thu phí ùn tắc để hạn chế người dân tham gia giao thông vào giờ cao điểm.
Dòng xe tại Bắc Kinh trong giờ cao điểm. Ảnh: Reuters |
Singapore là một trong những thành phố áp dụng hiệu quả việc thu phí sử dụng đường bộ nhằm hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân, theo BBC. Tuy nhiên, Singapore hay bất cứ thành phố nào muốn sử dụng biện pháp này phải có một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả cho người dân.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm, về lý thuyết, tỉ lệ phương tiện so với đường sá tại Singapore dày ngang ngửa các nước láng giềng, với trung bình 281 phương tiện/1km đường, so với Thái Lan là 255 và Philippines là 226.
Dù vậy, không phải mọi nơi tại Thái Lan và Philippines đều có kẹt xe, dân cư và phương tiện đổ về các thành phố như Bangkok và Manila sẽ làm tỉ lệ xe và người ở các thành phố này cao hơn con số trên. Vì vậy, tình trạng hiện tại của Bangkok và Manila dĩ nhiên sẽ nan giải hơn Singapore.