Cảnh tắc nghẽn trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà |
Tỷ lệ người sở hữu ôtô ở Việt Nam ngày càng tăng dẫn đến một số hệ lụy như ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông. Số liệu của tờ Economist cho biết, doanh số bán ôtô và các loại xe tải tăng 55% trong năm 2015, dù vẫn ở mức thấp.
Trong năm 2016, mức tăng được dự đoán là khoảng 1/3. Phần lớn người mua ôtô là tại Hà Nội và TP.HCM, nơi chiếm gần một nửa dân cư đô thị ở Việt Nam.
So với những nước láng giềng thì mức độ tắc nghẽn ở các thành phố lớn tại Việt Nam ít nghiêm trọng hơn. Khoảng 40 triệu xe máy ở Việt Nam khi lưu thông trên phố có thể khiến bất kỳ người đi bộ nào kinh hãi, gây náo động khi luồn lách từ những tuyến phố lớn đến các con hẻm nhỏ. Trong khi đó, ở tình thế ngược lại, các ôtô lại chặn đầu, bịt kín những tuyến đường.
Tắc đường ở TP.HCM. Ảnh: Shutterstock . |
Chỉ 9% đất ở trung tâm Hà Nội được dùng để làm các trục đường chính và phụ, so với tỷ lệ 32% ở vùng Manhattan (New York, Mỹ). Ngân hàng Thế giới (WB) hồi năm 2011 từng tính toán rằng, nếu số lượng xe hơi đạt đến mức vừa phải như ở Malaysia, thì toàn bộ thủ đô Hà Nội sẽ bị tê liệt và không thể nhúc nhích.
Economist dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Arve Hansen (Trung tâm Phát triển và Môi trường, Na Uy) rằng một số chính sách của Việt Nam đang xung đột nhau. Một mặt, chính quyền cổ vũ ngành lắp ráp ôtô nội địa; mặt khác lại áp thuế với người mua, một phần do lo ngại yếu tố kẹt xe.
Trong bối cảnh này, nhiều thỏa thuận thương mại gần đây sẽ hạn chế sự kiểm soát của nhà nước để khống chế số lượng ôtô bằng thuế quan. Chẳng hạn, một thỏa thuận với các nước trong khu vực Đông Nam Á khi có hiệu lực từ năm 2018 có thể dẫn đến làn sóng ôtô giá rẻ từ Thái Lan đổ vào Việt Nam.
Sức hấp dẫn từ việc sở hữu ôtô sẽ không vì tình trạng đường sá của Việt Nam mà giảm sút. Nguy cơ va chạm giữa ôtô và xe máy gia tăng khiến việc đi lại ngày càng nguy hiểm hơn. Những người lái ôtô biết rằng sẽ vướng vào kẹt xe nhưng họ thà chờ đợi trong không gian máy lạnh, hơn là toát mồ hôi ngồi trên xe máy.
Những người phải di chuyển quãng đường xa hơn cũng không muốn sử dụng xe buýt vì nó nóng và không đáng tin cậy. Số liệu của Economist cho biết, tỷ lệ sử dụng hệ thống xe buýt công cộng ở Hà Nội giảm 14% năm qua.
Hệ thống đường sắt đô thị đang xây dựng được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tình hình. Tuyến đầu tiên trong ít nhất 6 tuyến đường sắt đô thị đang được thi công ở TP.HCM, và 2 tuyến đường sắt trên cao đang được xây dựng ở Hà Nội. Tuy nhiên, việc hoàn thiện mạng lưới này phải mất nhiều năm. Tốc độ phát triển của các thành phố cũng gia tăng song song với tiến độ xây dựng.
Chính quyền 2 thành phố lớn của Việt Nam cũng đang nỗ lực thay đổi tình hình. TP.HCM đang thảo luận chuyện mở rộng đường bằng cách thu hẹp vỉa hè; trong khi Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào hoạt động nhiều loại xe buýt chất lượng tốt hơn.