Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ác mộng kẹt xe ở thủ đô của Philippines

Mắc kẹt trong dòng xe cộ trên phố đã trở thành nỗi ám ảnh đối với mọi người dân ở thành phố Manila, song chính phủ vẫn chưa có giải pháp khả thi để cải thiện tình hình.

Maria Zurbano, một chuyên gia thiết kế web, hôn con gái 3 tuổi trong bóng tối rồi rời khỏi nhà trước bình minh để bắt đầu hành trình cực nhọc xuyên qua thủ đô của Philippines. Hành trình tới công ty của Maria, một chuyến đi khứ hồi với thời gian lên tới 6 giờ mỗi ngày, sẽ ngày càng trở nên đáng sợ trong bối cảnh số lượng ôtô bùng nổ ở siêu đô thị với dân số hơn 12 triệu người.

Giới doanh nhân cảnh báo Manila có thể rơi vào tình trạng tắc nghẽn toàn diện dù chính phủ đã đề ra kế hoạch lớn để giải quyết nạn kẹt xe.

“Mỗi khi tới công ty, tôi cảm thấy mệt mỏi. Lưng của tôi luôn đau. Nó ảnh hưởng tới sức khỏe vì tôi ngồi quá lâu”, Zurbano tâm sự khi cô ngồi chờ xe buýt ở trạm gần nhà lúc 5h sáng.

Vào 5h sáng hàng ngày, Maria Zurbano phải ra trạm xe buýt để bắt đầu hành trình tới công ty. Cô thường mất 6 tiếng mỗi ngày cho hành trình đi làm và về nhà. Ảnh: AFP

Sau khi kết thúc hành trình bằng xe buýt mini qua quãng đường khoảng 17 km tới quận Makati, người phụ nữ 36 tuổi vẫn ám ảnh việc mắc kẹt trong dòng xe.

“Giao thông ngày càng trở nên tệ hơn. Tôi cảm thấy căng thẳng, nhưng có vẻ như tình hình sẽ không thay đổi. Tôi chỉ có thể học cách chịu đựng thực tế”, cô bình luận.

Số liệu của chính phủ cho thấy nạn kẹt xe ở thủ đô và những vùng phụ cận khiến Philippines mất khoảng 3 tỷ peso (64 triệu USD) mỗi ngày, tương đương 0,8% tổng sản phẩm quốc nội.

Nguyên nhân

Vấn nạn tắc đường ở Manila ngày càng tệ hơn do tầng lớp trung lưu mới nổi đang thúc đẩy sự bùng nổ của xe hơi. Người dân mua gần 300.000 xe mới trong năm 2015.

Sự thờ ơ với cơ sở hạ tầng trong nhiều thập kỷ khiến Manila chỉ có vài đại lộ và tình trạng tắc nghẽn trên những đại lộ ấy thường kéo dài 3 tới 4 giờ mỗi ngày.

Hệ thống đường ray của Manila vừa nhỏ, vừa tồi tàn so với hệ thống đường ray ở những thủ đô khác tại Đông Nam Á - như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok. Vì thế, người dân có rất ít lựa chọn nếu họ không sử dụng đường bộ.

Hệ thống xe buýt tư nhân và xe buýt mini hoạt động khá tùy tiện. Tài xế của những chiếc xe đó thường xuyên vi phạm luật giao thông như dừng giữa đường để đón khách. Thực trạng này khiến tình hình càng trở nên tệ hơn.

"Đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng nhất mà chính phủ tiếp theo đối mặt", John Forbes, một cố vấn cấp cao của Phòng Thương mại Mỹ tại Manila, nói với AFP.

Nạn kẹt xe tại nhiều tuyến phố ở Manila kéo dài 3-4 giờ mỗi ngày. Ảnh: AFP

Forbes cảnh báo Manila có nguy cơ trở thành đô thị mà con người không thể sống bình thường trong 3-5 năm nữa, nghĩa là người dân sẽ không thể di chuyển trong thành phố, nếu chính phủ không làm thêm đường bộ và lắp đường ray.

Cuộc bầu cử để chọn người kế nhiệm Tổng thống Benigno Aquino, người sẽ không thể tái cử vì quy định của Hiến pháp sau nhiệm kỳ 6 năm, sẽ diễn ra vào tháng 5.

Aquino là vị tổng thống được lòng dân, nhưng nhiều người vẫn chỉ trích ông vì không hành động quyết liệt trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng yếu của đất nước. Thậm chí dư luận lên án Aquino vì ông từng phát biểu rằng nạn kẹt xe trở nên trầm trọng hơn là dấu hiệu của sự tăng trưởng kinh tế.

Kế hoạch Giấc mơ

Các cố vấn của Aquino đang cố gắng giúp ông giành lại cảm tình của những người chỉ trích. Họ vạch kế hoạch mở vài đường cao tốc mới và mở rộng một đường ray ở Manila để giảm ùn tắc.

Nhóm cố vấn của tổng thống cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của "Kế hoạch Giấc mơ" để xử lý tình trạng giao thông rối ren ở thủ đô. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ chi tới 65 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030.

Các công trình lớn - như hệ thống tàu điện ngầm, đô thị vệ tinh kết nối với Manila bằng đường ray cao tốc - sẽ xuất hiện. Chính phủ cũng sẽ dịch chuyển vị trí của một số sân bay, cảng biển và làm nhiều đường mới.

Gil Beltran, thứ trưởng Tài chính Philippines và cũng là nhà kinh tế từng nghiên cứu vấn nạn ùn tắc giao thông, khẳng định chính phủ hoàn toàn có đủ khả năng chi 65 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Song nhiều chuyên gia dự đoán khả năng chính phủ thực hiện các dự án rất thấp. Họ cho rằng hệ thống chính trị rối ren và tham nhũng, tình trạng quan liêu trong bộ máy hành chính sẽ ngăn cản nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng.

Một ví dụ tiêu biểu là dự án xây dựng đường ray 19 km ở ngoại ô Manila. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Nhưng đến tận bây giờ người ta vẫn chưa khởi động dự án.

Khi công bố dự án vào năm 2013, Tổng thống Aquino từng nói đùa rằng ông sẵn sàng để tàu hỏa cán nếu dự án không hoàn tất đúng thời hạn. Nhưng hiện tại chính phủ của ông vẫn chưa hoàn tất quá trình đấu thầu dự án.

Gilberto Llanto, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines, cũng tỏ ra bi quan khi đề cập tới kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng của chính phủ.

"Người ta gọi nói là Kế hoạch Giấc mơ vì nó sẽ tồn tại mãi trong thế giới của những giấc mơ", ông bình luận.

Cảnh tắc nghẽn 26 làn đường ở Ấn Độ

Hàng trăm ôtô nối đuôi nhau và dàn hàng ngang trên một tuyến đường cao tốc là thực trạng xảy ra trong những ngày qua tại Ấn Độ.

 

Linh Phong (theo AFP)

Bạn có thể quan tâm