Vào đầu tuần này, Văn phòng Đăng ký Thương hiệu Trung Quốc tuyên bố tổng thống Mỹ độc quyền sử dụng thương hiệu Trump trong lĩnh vực xây dựng tại Trung Quốc trong 10 năm. Đây là quyền thương hiệu ở nước ngoài đầu tiên được trao cho ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống, nhưng chưa phải là cuối cùng.
Cuộc chiến bảo vệ tên tuổi
Theo Washington Post, trong thập kỷ qua, ông Trump đã nộp 126 đơn đăng ký thương hiệu "TRUMP" ở Trung Quốc với nhiều mặt hàng, từ chăm sóc sức khỏe thú nuôi, phần mềm máy tính, đồ lót cho đến câu lạc bộ golf... Hơn 70 đơn đã được thông qua và 49 đơn đang chờ xử lý.
Tên tuổi của ông trùm bất động sản Mỹ trở nên phổ biến và được ưa chuộng tại Trung Quốc nhiều năm qua. Người ta sản xuất đủ loại hàng hóa đặt tên Trump, từ thuốc trừ sâu, sơn, búp bê, hệ thống vệ sinh, các sản phẩm sử dụng hàng ngày cho đến máy điều hòa nhịp tim...
Phòng trưng bày của một công ty sử dụng thương hiệu Trump không xin phép. Ảnh: AFP. |
Phần lớn những việc sử dụng tên tuổi như vậy không được sự cho phép của Trump, và tập đoàn của ông cũng không được hưởng lợi nhuận từ việc này. Do vậy, trong một thập kỷ vừa qua, tập đoàn Trump vất vả trong các cuộc kiện tụng ở tòa án Trung Quốc để bảo vệ việc độc quyền sử dụng tên tuổi của ông trùm bất động sản.
Trong một bức thư năm 2011 gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke, Trump nêu cụ thể một vụ tranh chấp thương hiệu xảy ra ở Ma Cau và nhờ sự giúp đỡ. Trong thư, ông cho biết: "Tôi đã tốn hàng trăm nghìn USD chi phí pháp lý để bảo vệ tên tuổi của tôi cũng như các nhãn hiệu toàn cầu trước sự lợi dụng để kinh doanh những người Trung Quốc".
Trump cũng tỏ ra giận dữ vì hệ thống tòa án Trung Quốc không công nhận sự phổ biến về tên của ông. "Tên của tôi nổi tiếng trên toàn cầu, nhưng dường như chỉ có hai nơi là người ta không biết tôi là ai, đó là Trung Quốc và Macau".
Mặt nạ hình Trump rất đắt khách ở Trung Quốc sau khi vị tỷ phú đắc cử tổng thống Mỹ. Ảnh: Ifeng. |
Chiến thắng nhờ là tổng thống?
Ngày 7/12/2006, Trump nộp đơn xin độc quyền sử dụng thương hiệu Trump cho các lĩnh vực xây dựng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một người đàn ông tên Dong Wei đã đệ đơn với nội dung tương tự trước đó 2 tuần. Do đặc thù "nộp đơn trước thì xét duyệt trước" nên Văn phòng Đăng ký Thương hiệu Trung Quốc đã bác bỏ đơn của Trump.
Ông Trump lần lượt nộp đơn kháng cáo lên các cấp tòa án ở Trung Quốc nhưng đều thua kiện. Lần cuối cùng tòa án phân xử về vụ việc này là vào tháng 5/2015, một tháng trước khi Trump tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ.
Không lâu sau đó, các luật sư của Trump đã có một hành động bất thường. Ông Matthew Dresden, luật sư nghiên cứu về quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, cho biết nhóm luật sư của tỷ phú Mỹ đưa vụ việc trở về Ủy ban Thẩm định Thương hiệu (cũng là nơi đầu tiên từ chối đơn kiện của Trump) để yêu cầu họ hủy quyền sử dụng thương hiệu Trump của Dong Wei.
Lần này, nỗ lực đã thành công. Ngày 6/6/2016, Dong Wei chính thức bị tước quyền sử dụng thương hiệu Trump trong lĩnh vực xây dựng.
Đến ngày 13/11/2016, không lâu sau khi Trump chiến thắng, một tờ báo của Trung Quốc tuyên bố về việc cấp quyền sử dụng thương hiệu Trump trong lĩnh vực xây dựng cho tập đoàn của tổng thống đắc cử Mỹ. Các bên liên quan có thời hạn 3 tháng để phản đối.
Vì không có đơn kiến nghị nào nên việc sử dụng và khai thác thương hiệu đã được chính thức trao cho tập đoàn Trump từ ngày 14/2.
Tuy nhiên, sản phẩm gây tranh cãi nhất là hệ thống bồn vệ sinh của công ty TNHH Công nghiệp Trump Thâm Quyến. Sản phẩm này được cho là rất phổ biến ở Trung Quốc, thậm chí được sử dụng trong nhiều văn phòng làm việc ở Trung Nam Hải.
Một sản phẩm của Trung Quốc sử dụng thương hiệu Trump trái phép. Ảnh: AP. |
Tổng giám đốc công ty này, Zhong Jiye, cho biết ông đã chọn tên "Trump" làm thương hiệu kể từ năm 2002 vì nó phát âm gần giống với tên tiếng Hoa của công ty là "Chuang Pu". Ông Zhong khẳng định sẽ đối đầu đến cùng để giữ tên này nếu tổng thống Mỹ quyết can thiệp.
Trung Quốc muốn tác động đến Trump
Alan Garten, luật sư trưởng của Tập đoàn Trump, phủ nhận một trong những nguyên nhân chiến thắng là do ảnh hưởng từ cương vị mới của ông Trump.
Garten cho biết cuộc chiến bảo vệ thương hiệu là một phần của quá trình cảnh giác đã bắt đầu từ nhiều năm trước khi ông Trump tranh cử. "Chúng tôi đã làm công việc này trên phạm vi quốc tế suốt 20 năm".
Luật sư Garten cũng nhắc lại việc ông Trump đã từ bỏ các chức vụ ở tập đoàn và trao quyền điều hành lại cho các con trước ngày ông nhậm chức để chính thức trở thành tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, Norman Eisen, luật sư trưởng về đạo đức tại Nhà Trắng thời chính quyền Obama, cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể tận dụng mong muốn bảo vệ thương hiệu của Trump để tác động.
"Đó là một cách làm không mất sức của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng với Trump nhưng lại khiến nước Mỹ tốn kém rất nhiều. Họ cho Trump những gì ông muốn và hiển nhiên sẽ trông đợi nhận lại điều gì đó", Eisen nói với AP.