Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến bảo tồn nghệ thuật xăm mình ở Nhật Bản

Những nghệ nhân xăm mình ở Nhật đang nỗ lực đòi quyền tự do cho loại hình nghệ thuật lâu đời của Nhật Bản dù bị cấm hoặc được coi là biểu hiện mối liên kết với xã hội đen.

Nghệ thuật xăm mình ở Nhật Bản Nhiều người yêu thích xăm trổ ở phương Tây thường nhắc đến sự nổi tiếng của hình xăm đẹp do những nghệ sĩ Nhật tài năng thể hiện. Tuy vậy, một bộ phận xã hội Nhật Bản vẫn có nhận xét tiêu cực về loai hình nghệ thuật này.

Ở Nhật, xăm mình lâu nay có mối liên kết với thế giới ngầm hay yakuza, từ chỉ mafia hay các tổ chức tội phạm truyền thống ở đất nước mặt trời mọc.

Tuy nhiên, một nhóm nhỏ luật sư, học giả và những người yêu mến nghệ thuật xăm mình vẫn đang nỗ lực bảo vệ môn nghệ thuật có từ lâu đời này, bất chấp lệnh cấm công chức địa phương xăm trổ của thị trưởng thành phố Osaka từ năm 2012.

Số lượng thành viên trong nhóm ngày càng tăng, những người ủng hộ nghệ thuật xăm mình quan niệm rằng cuộc đấu tranh nhằm gìn giữ môn nghệ thuật này không đơn thuần chỉ vì tự do của nghệ nhân.

nghe thuat xam minh o Nhat anh 1
Hình xăm từng là biểu tượng lịch sử của Nhật Bản. Một người có thể chọn xăm kín toàn thân hoặc trên một số bộ phận cơ thể nhất định. Ảnh: Jeff Laitila.

Khoảng hai năm trước, với quy định các nghệ nhân xăm mình cần có giấy phép hành nghề, cảnh sát Osaka bắt đầu kiểm soát các nghệ nhân một cách chặt chẽ hơn, dù họ có quan hệ với yakuza hay không.  Điều này làm dấy lên các tranh cãi pháp lý mà khởi nguồn từ nghệ nhân xăm hình Taiki Masuda, 28 tuổi.

Cảnh sát Osaka đột kích cửa tiệm của Masuda vào tháng 4/2015 và phạt anh này vì mua thuốc khử trùng tại một công ty dược phẩm trực tuyến. Theo quy định, chúng phải được mua từ các quầy thuốc với hướng dẫn trực tiếp về cách sử dụng.

Ngoài ra, anh còn bị phạt vì tội xăm mình cho 3 người phụ nữ trong cửa hàng trong ngày hôm đó.

“Cảnh sát coi việc xăm mình như một quá trình cần được đảm bảo về y tế và hành động của Masuda bị coi là vi phạm quy định vì không có giấy phép hành nghề”, Jumpei Shirai, luật sư bào chữa cho anh Masuda, cho hay.

Không giống như 5 nghệ nhân xăm mình khác từng chấp nhận hình phạt của cảnh sát, Masuda không đồng ý trả số tiền phạt 300.000 yen (3.750 USD) và cho rằng cảnh sát đã vượt quá quyền hạn.

“Nộp tiền phạt đồng nghĩa với việc thừa nhận xăm mình là có tội và tất cả nghệ nhân xăm mình đều là tội phạm. Chúng tôi chỉ đang làm những thứ mà chúng tôi đam mê”, Straitstimes dẫn lời Masuda nói.

Masuda bắt đầu chiến dịch Gìn giữ nghệ thuật Xăm mình ở Nhật với một nhóm gồm 30 thành viên và hơn 15.000 người theo dõi trên Facebook. Họ thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về nghệ thuật xăm mình cũng như quyền tự do cá nhân ở Nhật.

nghe thuat xam minh o Nhat anh 2
Một nghệ nhân Nhật Bản xăm hình bông hoa lên lưng của người phụ nữ. Ảnh: AFP.

Từ xăm hình đến các quyền trong Hiến pháp

Theo Straistimes, Nhật Bản có khoảng 3.000 đến 5.000 nghệ sĩ xăm mình. Xăm mình hiện chưa được công nhận là nghề hợp pháp ở Nhật.

Xăm lên cơ thể không phải là hành động phạm tội tuy nhiên ở một số công ty hoặc cơ quan nhà nước, nhân viên phải khai báo nếu có bất cứ hình xăm nào.

“Những người thuộc thế hệ cũ thường coi xăm mình là điều cấm kỵ trong xã hội, nhưng những người sinh ra sau năm 1980 lại thấy hình xăm là một cách thể hiện bản thân và là một nét văn hóa riêng”, Miho Kawasaki, từng làm biên tập viên của một tạp chí chuyên về xăm mình, cho biết 

“Tôi có một hình xăm trên người và cho rằng xăm là một loại hình nghệ thuật, tại sao bạn phải là một bác sĩ trước khi làm nghề xăm mình”, một nha sĩ nam 29 tuổi, khách hàng của Masuda, chia sẻ.

Theo giáo sư Kanako Takayama, chuyên gia luật hình sự tại Đại học Kyoto, cuộc đấu tranh của Masuda cũng liên quan đến các vấn đề hiến pháp.

nghe thuat xam minh o Nhat anh 3
Bộ sưu tập hình ảnh, tài liệu liên quan đến hình xăm theo lịch sử. Ảnh: BBC. 

“Nếu cuộc chiến của Masuda thất bại, các quyền theo Hiến pháp khác như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do lựa chọn nghề nghiệp cũng có thể bị ngăn cản”, bà nói.

Cuộc chiến không dễ dàng

Hồ sơ vụ kiện của Masuda được đệ trình lên Tòa án Tối cao. Kể từ sau phiên điều trần đầu tiên tại tòa án Osaka vào tháng 12/2015, việc kinh doanh của anh đã bị đình chỉ hơn 20 tháng.

Một số nghệ sĩ xăm mình buộc phải di chuyển đến các thành phố khác (ngoài Osaka) để hành nghề. Ông Masuda phải làm nghề thiết kế để trang trải cuộc sống nhưng luôn khao khát được gọi là một nghệ nhân xăm mình.

Theo quy định của Bộ Y Tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật, “tiêm mực xăm vào da người” là hình thức áp dụng y tế.

Các nghệ nhân xăm mình cũng thường xăm lên cơ thể mình hoặc gia đình, bạn bè trước khi thực hành điều này trên cơ thể khách hàng. Bản thân Masuda từng xăm lên chân trước khi xăm cho khách hàng.

Masuda cho hay tất cả khách hàng của của ông đã phải ký vào cam kết rằng họ không có liên kết với các yakuza và dặn khách hàng phải cân nhắc kỹ các hình xăm mà họ muốn làm.

“Thông thường tôi sẽ tư vấn cho khách các hình xăm về tên bạn gái, bạn trai và hoặc tên hai vợ chồng vì không biết chuyện gì sẽ thay đổi trong tương lai. Tôi nhắc họ rằng chuyện xăm không phải là chuyện thích thì làm”, Masuda chia sẻ.

Trong khi đó, bà Kawasaki cho biết nên điều chỉnh công việc này theo hướng các nghệ nhân được phép hành nghề nếu tuân thủ các tiêu chuẩn và và quá trình xăm an toàn.

Lễ hội xăm hàng đầu thế giới

Những người tham dự sự kiện thường niên Expo Tattoo lần thứ 6 tại Colombia có dịp chứng kiến nhiều cảnh tượng khó quên.

Những điều ít biết về xăm trổ ở Triều Tiên

Người dân ở Triều Tiên có thể xăm mình như hình thức bày tỏ quan điểm và hình xăm cần tuân thủ chỉ dẫn và tư tưởng của chính phủ.

Mai Anh

Bạn có thể quan tâm