William Randolp Hearst đã thúc đẩy cường điệu hóa báo chí Mỹ. Ảnh: Bettmann. |
Đầu tháng ba năm 1887, chàng trai 29 tuổi William Randolph Hearst tiếp quản quyền sở hữu tờ báo Daily Examiner ở San Francisco đang làm ăn thua lỗ. Không lâu sau đó, ông biến tờ báo này một hiện tượng nóng hổi bằng cách dành riêng trang nhất để đăng tải thông tin tóm tắt về những câu chuyện đầy kịch tính - giống như các tiêu đề trang nhất ngày nay, và chữ được in cỡ to, tô đậm với nội dung chỉ trích những vụ án và những kẻ phạm tội đáng ghê tởm.
Hãy cùng xem đoạn tóm tắt đáng sợ sau đây trong phần tiêu đề ngày 31/3 nói về vụ mưu sát Sa hoàng Alexander của Nga:
NHỮNG KẺ ÁM SÁT. TAI ƯƠNG LƠ LỬNG TRÊN CHIẾC ĐẦU ĐANG ĐỘI CHIẾC VƯƠNG MIỆN CỦA TOÀN THỂ NGƯỜI DÂN NGA. NHỮNG CON CHÓ SĂN MANG HÌNH NGƯỜI ĐANG TRUY LÙNG ÔNG TA TỚI CHẾT. HIỂM NGUY ĐỦ DẠNG ĐỦ HÌNH BAO PHỦ CON ĐƯỜNG MÀ ÔNG TA ĐI. TỬ THẦN NẤP Ở TỪNG NGÃ RẼ, NHỮNG ĐÀN CHÓ THEO SÁT TỪNG BƯỚC CHÂN (và đây mới chỉ là phiên bản rút gọn).
Khi một trận hỏa hoạn xảy ra thiêu rụi khách sạn cổ kính sang trọng Hotel Del Monte ở miền nam San Francisco, Hearst dành nguyên trang đầu của tờ báo chỉ để đăng tin về câu chuyện này với dòng tiêu đề tóm tắt nội dung vụ việc:
NHỮNG NGỌN LỬA ĐÓI KHÁT TRONG CƠN CUỒNG DÃ. VƯƠN MỖI LÚC MỘT CAO, CAO HƠN, CAO HƠN NỮA VỚI NIỀM KHÁT KHAO MÃNH LIỆT VÀ BẰNG CẢ CƠN GIẬN DỮ BẠO TÀN CHÚNG LAO ĐẾN NHỮNG VỊ KHÁCH ĐANG RUN LẨY BẨY.
Những vụ tự tử bị khai thác đầy tục tĩu, như nội dung tóm tắt của câu chuyện trang bìa vào ngày Giáng sinh năm đó:
TIN GIẬT GÂN TỪ SANTA ROSA. THÔNG TIN VỀ VỤ TỰ TỬ BẤT THÀNH CỦA BÀ MARTIN, MỘT LIỀU THUỐC ĐỘC, ĐƯỢC CỨU SỐNG BẰNG ĐIỆN.
Theo đó bài viết này đưa tin rằng bà Martin khi đó đang “được giữ lại mạng sống bằng cách sử dụng một bình ắc-quy điện”. Chỉ có điều, tác giả bài viết trên không nói rõ bình ắc-quy đó được sử dụng như thế nào.
Hẳn không ai nghĩ rằng câu chuyện đó lại có thể là một lời chào vui vẻ cho một buổi sáng ngày Giáng sinh, nhưng trên thực tế những vụ tự tử và ý định tự tử đều là những tin tức được ưa thích đặc biệt. Rõ ràng là Hearst hiểu rõ các độc giả của mình như lòng bàn tay.
Trước đó, ông đã nhanh chóng hoàn thiện nghệ thuật cường điệu hóa của báo chí trong thời gian học hỏi từ bậc thầy của môn nghệ thuật này là Joseph Pulitzer, chủ bút của tờ The World ở Thành phố New York.
Khi Hearst mua lại tờ New York Journal và biến nó trở thành một tạp chí được cả thành phố này yêu thích, ông và Pulitzer lao vào một cuộc chiến về sau được gọi là cuộc chiến báo chí lá cải, hay “cuộc cạnh tranh của những gã điên để giành quyền làm chủ cái ống xả nước thải”, theo lời mô tả của một phóng viên người Anh thời đó.
Chủ nghĩa giật gân của họ đã biến đọc báo trở thành một hoạt động của thị trường đại chúng, qua đó đẩy mạnh sức tiêu thụ giấy in báo. Số lượng các tờ báo được in ở Mỹ tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 1880 đến năm 1890 và tăng gấp đôi lần nữa vào năm 1900. Lĩnh vực sản xuất giấy phát triển với tốc độ tên lửa và nó vẫn tiếp tục tăng trưởng từ đó đến nay.