Hàng Thái . |
Vừa mua xong hệ thống Metro Cash & Carry tại Việt Nam từ người Đức, người Thái mua tiếp hệ thống Big C Thái Lan từ người Pháp. Và dường như những thương vụ có giá trị hàng trăm triệu USD của người Thái trong lĩnh vực bán lẻ có vẻ chưa dừng lại...
Hàng hóa Thái Lan đã “đổ bộ” vào VN với quy mô lớn chưa từng có, ở hầu hết các ngành hàng, từ gói kẹo cho tới hàng hóa xa xỉ… sau khi chuỗi bán lẻ rơi vào tay nhà đầu tư Thái.
Hàng hóa cạnh tranh khốc liệt đã đành, nhưng doanh nghiệp trong nước ngày càng chật vật hơn khi lợi thế cạnh tranh bị mất đi nhiều.
“Việc nắm giữ đa dạng hình thức bán lẻ này cho phép họ chủ động việc thu mua, buôn bán theo chuỗi, tận dụng lợi thế chuỗi để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Do vậy, cơ hội bán hàng của VN vào chuỗi của họ rất khó"
Bà VŨ KIM HẠNH (chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao)
Về tay người Thái: doanh số chững lại
“Chúng tôi đã ngưng làm hàng gia công (hàng thương hiệu của nhà bán lẻ) cho siêu thị Metro từ cuối năm trước, ngưng toàn bộ luôn” - bà T.L., phó tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có trụ sở tại TP HCM, cho biết như vậy.
Theo lời vị phó tổng giám đốc này, kể từ khi siêu thị Metro Cash & Carry bán cho nhà đầu tư Thái Lan, mọi hoạt động liên quan đến điều chỉnh giá cả, hàng hóa đều diễn ra khá chậm chạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Tôi mất sáu tháng kể từ khi thông báo mới được phép rút hàng khỏi kệ, chưa kể giá cả biến động lên xuống, muốn điều chỉnh gần như không thể thực hiện được” - bà T.L. bức xúc.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết chính sách bán hàng của siêu thị Metro đã thay đổi từ từ, dù được chiết khấu cao hơn chút ít nhưng hàng hóa bán ra khá chậm và doanh số cũng chững lại.
Ông N.T.C., giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nhóm hàng thực phẩm tươi sống, cho rằng từ thời điểm siêu thị Metro Cash & Carry về tay người Thái đã có sự chuyển biến lớn trong hoạt động marketing.
“Họ ưu tiên doanh nghiệp Thái rất rõ, cùng một mặt hàng nhưng hàng của doanh nghiệp Thái liên tục tung ra nhiều chương trình giảm giá, nhìn thấy sốc luôn” - ông C. nói.
Giám đốc một công ty chuyên về thực phẩm chế biến cũng cho rằng từ khi chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart về tay nhà đầu tư Thái, cơ cấu hàng hóa ở đây thay đổi khá nhiều. Hàng Thái vào chuỗi siêu thị này tăng lên rõ rệt, từ bánh snack đến các loại kẹo, thực phẩm đóng gói...
B’s Mart cũng là thương vụ mà Tập đoàn Thái Lan BJC thực hiện mua lại từ thương hiệu Family Mart của nhà đầu tư Nhật Bản.
Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, lo lắng nếu Big C Việt Nam tiếp tục rơi vào tay người Thái thì xem như người Thái đã nắm trọn các mô hình bán lẻ ở Việt Nam từ buôn bán sỉ đến siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thậm chí cả kênh truyền thống.
“Việc nắm giữ đa dạng hình thức bán lẻ này cho phép họ chủ động việc thu mua, buôn bán theo chuỗi, tận dụng lợi thế chuỗi để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Do vậy, cơ hội bán hàng của Việt Nam vào chuỗi của họ rất khó” - bà Hạnh lo lắng.
Hàng Thái xuất hiện nhiều hơn
Từ năm 2015, thuế suất hàng hóa giữa các nước ASEAN gần như kéo giảm về 0%, tuy nhiên trong cơ hội này, hàng Thái đang tận dụng tốt hơn so với các nước trong khu vực với thương hiệu và độ phủ rộng.
Chỉ cần làm một khảo sát nhỏ cũng có thể thấy hàng Thái đang xuất hiện khá nhiều tại các hệ thống siêu thị trong nước. Cách đây 2-3 năm, trên các quầy kệ ở siêu thị như Co.op Mart, Big C, Lotte, Maximark... chỉ lác đác một số mặt hàng.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ riêng nhóm hàng bánh kẹo, hàng Thái khá nhiều trên các quầy kệ siêu thị. Ông Võ Xuân Trung, giám đốc Công ty IBP, chuyên phân phối nhãn hàng snack từ Thái, phân tích: sức tiêu thụ hàng Thái hiện khá tốt.
Khoảng hai năm trở về trước, mỗi năm hội chợ hàng Thái chỉ diễn ra một lần, nhưng hai năm gần đây con số đó tăng lên 4 lần/năm. Để có thể tăng nhanh và mạnh như vậy, theo ông Trung, doanh nghiệp Thái được hỗ trợ rất nhiều để đi “chinh chiến” thị trường Việt Nam, doanh nghiệp họ xây dựng chiến lược bài bản, có sự trợ giúp của chính phủ về chính sách, kể cả vốn.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng hàng hóa của họ tốt, giá cả phù hợp... nên dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn.
Nguy cơ bị thâu tóm
Nói về hàng Thái, ông Trần Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty tư vấn Pathfinder (TP HCM), cho rằng những lo lắng về nguy cơ hàng Thái chiếm lĩnh thị trường trong nước trước các cuộc thâu tóm chuỗi bán lẻ là có cơ sở.
“Khi các nhà bán lẻ Thái vào Việt Nam chắc chắn họ sẽ tăng tỷ trọng hàng Thái trên quầy kệ của mình. Vì vậy, nếu chúng ta không có những chính sách kịp thời thì không chỉ có cảnh người dân chuyển sang mua hàng Thái mà còn chứng kiến thêm nhiều thương vụ “bán mình” của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới” - ông Tuấn dự báo.
Thật ra, những người làm xúc tiến thương mại lâu năm đều biết người Thái đã có một chiến dịch lâu dài, bài bản để thâm nhập thị trường Việt Nam. Không rầm rộ nhưng từ nhiều năm qua chiến lược xúc tiến thương mại của người Thái gắn với hoạt động tổ chức triển lãm được triển khai đều đặn để kết nối các nhà sản xuất Thái Lan và người tiêu dùng Việt.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh thừa nhận nếu người Thái chi phối hệ thống phân phối thì hàng Việt Nam sẽ bội phần khó khăn. Xét về quy mô sản xuất, doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh được với hàng Thái, về chất lượng sản phẩm cũng thế.
Về giá cả, hàng Thái so với hàng Hàn Quốc vẫn rẻ hơn, cạnh tranh hơn nên phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt Nam. Về lâu dài, tính lợi thế cạnh tranh của hàng Thái cũng khá ổn với sự hỗ trợ hiệu quả từ hoạt động xúc tiến của chính phủ.
“Giai đoạn đầu, hàng Thái sẽ chưa lên kệ các siêu thị một cách ồ ạt, nhưng đến lúc nào đó tỉ lệ hàng Việt sẽ giảm từ từ trong các siêu thị ngoại” - ông này nhận định.
Chính sách hỗ trợ hàng Việt Nam chưa rõ ràng
Theo ông Trần Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty tư vấn Pathfinder, người Thái từ lâu luôn coi Việt Nam là thị trường chiến lược trọng điểm phát triển, với chất xúc tác từ Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), đầu tư của Thái sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hàng Việt Nam ngay trên chính sân nhà vẫn chưa rõ ràng. “Tại các cuộc báo cáo tổng kết, chúng ta vẫn hô hào tỉ lệ hàng Việt chiếm đến 90-95% trong các siêu thị nhưng số hàng hóa thực của doanh nghiệp Việt không cao như vậy” - ông Tuấn nhận định.