PHÍA SAU CÁC BỨC ẢNH CUỘC HỖN CHIẾN CƯỚP PHẾT TRÊN BÙN LẦY
Để có được những khoảnh khắc chân thật về cuộc hỗn chiến cướp phết lấy may ở Phú Thọ, nhiều phóng viên chụp ảnh, quay video đã phải bỏ giầy, lội ruộng và thậm chí có người bị ngã sấp xuống bùn lầy.
Lăn xả lội bùn tiếp cận sự việc
Alo, đề nghị các đồng chí an ninh khẩn trương tìm ngay người nào đang điều khiển vật thểbay trên không kiểm tra và xử lý", tiếng loa phát thanh thông báo liên tục của ban tổ chức lễ hội Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), chiều 28/2 khi một chiếc flycam bay trên đầu nhóm thanh niên đang tranh cướp quả phết may mắn đầu năm.
Đó là một trong những tình huống tác nghiệp khó khăn của hàng chục nhà báo, phóng viên tại lễ hội cướp phết Hiền Quan chiều 28/2 (13 tháng Giêng).
Phóng viên chạy cùng đám người hỗn loạn trên bùn lầy. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một nữ phóng viên lăn xả quay video. Cô đứng cách đám đông vài mét để đảm bảo an toàn. Ảnh: Nam Nguyễn. |
Phóng viên Hoàng Hà - Zing.vn vừa xuống ruộng vài phút thì bị đám đông chạy về phía anh bắn đầy bùn lên người. |
Đôi giầy vừa cởi bỏ để dễ đi lại, ít phút sau bị biến mất. Ảnh: Nam Nguyễn. |
Phóng viên Nam Nguyễn, báo điện tử Tổ Quốc, chia sẻ theo như kinh nghiệm những năm gần đây anh đi tác nghiệp lễ hội này, việc đầu tiên là phải tối giản đồ đạc mang theo người, tốt nhất chỉ cầm một thân máy ảnh, một ống kính góc rộng và một ống kính tele.
Nếu có điều kiện thì anh sẽ đeo 2 máy trên người để không phải liên tục thay ống kính trong một số trường hợp. Anh kể khi quả phết bay về hướng mình anh nhanh chóng chạy ra một góc khác tránh dòng người tranh cướp xô đến, rất nguy hiểm. "Đặc biệt tôi không chạy, vì dễ bị ngã", anh Nam chia sẻ.
Phóng viên Nam Nguyễn trên bãi phết chiều 28/2. |
Hoàng Hà và Duy Hiếu, hai phóng viên báo Zing.vn sau khi thu xếp công việc kịp đến đưa tin lễ hội Hiền Quan kịp giờ. Khi các anh có mặt đã là 14h50 (15h nghi thức cướp phết bắt đầu). Do có kinh nghiệm từng tác nghiệp tại lễ hội này hai lần, anh Hà chọn một đôi giày thể thao cũ, đến nơi xỏ vào chân và lội bùn. Tuy nhiên, khi đến bãi phết, anh cũng vứt bỏ vì chân ngập xuống bùn, rút lên thì bị tụt giầy, bước đi không nổi.
Vừa cởi giầy ra để trên bờ ruộng thì đám đông hỗn loạn lao tới, anh Hà chỉ kịp giơ máy lên bấm liên thanh, không kịp ngắm. Lúc này bùn bắt đầu bắn lên cao bám kín quần áo và hai chiếc máy ảnh đeo trên cổ.
"Sau khi đám đông đi qua, tôi nhìn lại thì không thấy giày đâu. Có lẽ nó bị chìm nghỉm dưới bùn sâu", anh Hà kể lại.
Để có được khoảnh khắc ấn tượng, các nhiếp ảnh gia, phóng viên chỉ có ba cách để lựa chọn: dùng flycam bay lên hoặc tiếp cận tận nơi, lao vào khu vực họ đang giẫm đạp. Cách nhàn nhất không sợ bị bẩn chân tay là đứng từ xa dùng ống kính tele câu vào nhưng ảnh sẽ nhàn nhạt, thiếu ấn tượng.
Phóng viên Tiến Tuấn (áo xanh) với lợi thế về chiều cao và cánh tay dài giúp cho các bức ảnh được chụp từ trên đỉnh đầu dễ dàng hơn. Ảnh: Đức Thanh. |
Các phóng viên, nhiếp ảnh gia đứng xung quanh đám đông đang đè đầu cưỡi cổ nhau để giành quả phết. Ảnh: Nam Nguyễn. |
Anh Tiến Tuấn, phóng viên ảnh Zing.vn chia sẻ cách thứ nhất không thể vì flycam không phải nơi nào cũng được phép bay. Và anh chọn cách thứ hai; giơ cao máy lên úp ống kính xuống dí sát máy ảnh vào chụp những pha cận cảnh nhất có thể, mang lại hình ảnh rõ nét, thể hiện rõ hành động nhất. Cả buổi cướp phết, Tiến Tuấn là một trong số gần chục tay máy liên tục đeo đuổi đám hỗn loạn ấy, anh hết lao lên bờ rồi lại chạy xuống ruộng.
Cũng tham dự hội phết chiều qua, nhiếp ảnh gia Na Sơn chia sẻ vui: "Có năm đi chụp ảnh ở đây, về xem thấy bức nào cũng có Tiến Tuấn với Vũ Minh Quân trong hình. May năm nay Quân Shotgun không có mặt. Hai ông này đã to cao, toàn những người trên 1,8 mét, tay lại dài, có lợi thế hơn hẳn các phóng viên khác".
Tuy nhiên, dấn thân vào chỗ nguy hiểm này, không ít trường hợp các tay máy đã bị đám đông đó chạy ùa về phía mình dẫn đến bị xô ngã hoặc bùn bắn tung tóe vào người và máy ảnh. Nếu lượng người quá đông, người chụp ảnh rất dễ bị đè bẹp. Khi bị thụt chân xuống bùn cũng không thể chạy kịp.
Phóng viên video báo điện tử VnExpress Trần Quang chỉ vì mải mê với khuôn hình mà bị "vồ ếch". Cả người và máy quay của anh đều bị bám đầy bùn bẩn. Sau buổi lễ Quang chia sẻ: "May không sao anh ạ, máy rơi xuống bùn nên chỉ bẩn chút thôi, vẫn hoạt động tốt".
Phóng viên Trần Quang sau khi bị "vồ ếch". Ảnh: Nam Nguyễn. |
Phóng viên video Mạnh Thắng lội ruộng phỏng vấn đuổi theo nhân vật. Ảnh: Nam Nguyễn. |
Nhiếp ảnh gia Lê Kim Hưng lội ao bèo chụp cận cảnh. Ảnh: Trung Kiên. |
Săn ảnh hỗn loạn, phải chụp bằng được quả phết
Ngoài việc dấn thân xuống bùn tác nghiệp, các phóng viên còn phải tư duy các góc độ sao cho hợp với một bài phóng sự. Đầu tiên là trong ảnh phải có quả phết màu đỏ, nếu không độc giả không hiểu đám đông đó hỗn chiến vì cái gì. Mà quả phết luôn được giấu kín trong tay một người nào đó trên bùn lầy kia không hề dễ dàng.
Có nhiếp ảnh gia đi lễ hội này 3-4 năm chưa bao giờ chụp được ảnh quả phết. Có mặt ở đây, họ phải canh máy liên tục. Giữa đám đông hỗn loạn kia, mỗi khi quả phết được tung lên không phóng viên phải rình chộp được ngay, đó là khoảnh khắc đắt giá. Nếu không kịp ảnh có thể mất nét hoặc bấm cò xong quả phết đã rơi xuống dưới.
Mỗi khi quả phết được tung lên không phóng viên phải rình chộp được ngay, đó là khoảnh khắc tưởng dễ mà rất khó có được. Ảnh: Hoàng Anh. |
Có sức khỏe theo đuổi đến cùng, phóng viên sẽ chụp được ảnh quả phết như thế này. Ảnh: Hải Thanh - Tiến Tuấn. |
Có cách khác để săn phết, để bài phóng sự thể hiện được câu chuyện đầu đuôi rõ ràng, phóng viên Hoàng Anh (báo Trí Thức Trẻ) đã chạy bộ theo một thanh niên giành chiến thắng về nhà cách bãi phết 2 km. Ngay trong quả phết đầu tiên, quan sát được anh chạy đuổi theo thanh niên đó về đến tận khu 1, xã Hiền Quan. Chạy bở hơi tai vì còn đồ đạc, di chuyển chậm hơn họ. Nhà này năm 2017 cũng từng cướp được phết.
"Dọc đường về nhà, hai bên lối đi nhiều người dân đã ra đón và chia vui. Trong nhà thì ông bà nội ngoại của thanh niên này đã ngồi chờ sẵn như thể biết chắc từ trước sẽ cướp được phết. Không khí hết sức vui vẻ. Sau khi chụp xong anh ta để phết lên ban thờ tôi quay lại tác nghiệp tiếp", anh Hoàng Anh kể lại.
Cướp phết bị biến tướng từ lâu vì mê tín
Dù ấn tượng về lễ hội này đối với nhiều phóng viên là chỉ thấy sự tranh cướp, ẩu đả nhưng đối với du khách thập phương và người dân quanh vùng nó có sức thu hút lớn.
14h30, trên đường từ Cổ Tiết vào đến đình Hiền Quan, phóng viên bắt gặp nhiều người háo hức đi từ đâu đó chạy về cho kịp giờ. Có gia đình chở cả em bé chừng 2 tháng tuổi ra mép ruộng đón xem. Trên đê, hàng nghìn người quây kín từ 13h30 để ngóng về phía cánh đồng, nơi tổ chức cướp phết.
Cũng như năm 2017, ban tổ chức chăng dây bao bọc 4 hướng và có lực lượng an ninh (gồm cảnh sát cơ động, công an xã, quân đội...) đứng làm nhiệm vụ không cho người dân vào tham gia tranh cướp. Nhưng khi vị chủ tế đem quả phết đầu tiên xuống thì hàng trăm người cả phụ nữ và trẻ em vượt rào chạy vào trong.
Nhiều pha giẫm đạp rất bạo lực kèm theo tiếng chửi bậy thiếu văn hóa lễ hội. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Nhiều thanh niên dù mệt lử vẫn cố ôm chặt đối phương để tìm bằng được quả phết. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Một học sinh bị quả dúi ném trúng đầu, được bê ra trạm ý tế cấp cứu. Thanh niên khác kiệt sức sau khi bị giẫm đạp trong hỗn loạn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khán giả vây kín bờ đê đón xem. Lần lượt 3 quả phết và 3 quả dúi được các nhóm cướp ở một góc khác nhau với cả trăm thanh niên lao vào giành giật. Bên này không có triển vọng lấy được nhiều nhóm chuyển sang quả khác. Ảnh: Hoàng Hà. |
Các nhóm cầm gậy vụt nhau sau khi quả phết được đưa lên bờ đê rồi vẫn bị đối phương đuổi cướp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hàng trăm thanh niên đi chân đất và cởi trần sẵn sàng tiếp sức cho đội của mình dù không nằm trong danh sách thi đấu. Có ý kiến cho rằng lễ hội Hiền Quan lâu nay không chỉ có trò chơi dành cho các thí sinh mặc trang phục lễ hội tham gia tranh phết nữa, mà đã trở thành ngày để nhiều thanh niên các thôn trong xã tìm sự may mắn bằng cách giẫm đạp đến mức đầy bạo lực.
Người dân nơi đây tin rằng, không cần cướp về nhà, chỉ cần chạm được tay vào quả phết, quả dúi đó trong năm sẽ gặp nhiều may mắn. Đó là lý do hàng trăm thanh niên quyết tâm tranh giành bằng được. Dù có nhiều người mệt lả, kiệt sức được dìu ra khỏi khu vực "chiến đấu".
Dưới bãi lầy thanh niên mệt lử, trên bờ khán giả người cười, kẻ lo lắng. Khi phết bị ném xuống dòng kênh đầy bèo từ đám đông hỗn loạn, đoàn người ập tới khua tay chân để tìm. Trên bờ đê nhiều khán giả tỏ ra thích thú, hò hét không ngớt. Họ dùng điện thoại livestream trên mạng xã hội kèm những lời bình hóm hỉnh như: “Các bạn đang xem là những chiến binh màu đen, còn hơn những người thợ lò ở vùng than Quảng Ninh” hay “ha... ha... trông như bầy zombie lội nước”...
“Đánh nhau rồi, đánh nhau rồi", khi phóng viên Duy Hiếu lia máy theo thì thấy nhiều nhóm thanh niên đang dùng nắm đấm, gậy phang vào người vào lưng đối thủ tới tấp. Anh chàng gầy gò, cởi trần vung cùi chỏ lia lịa vào một thanh niên to béo đang cúi xuống tìm phết. Thế nhưng sau khi bị đấm, ngẩng lên anh ta không biết ai là người vừa đánh mình rồi lại lao vào giành giật tiếp.
Lễ hội Hiền Quan luôn thu hút đông đảo tay săn ảnh
Đối với nghề phóng viên, đặc biệt là phóng viên ảnh, việc chụp được bức ảnh có khoảnh khắc ấn tượng, đầy tính báo chí và thêm một chút nghệ thuật xử lý góc cạnh, ánh sáng nữa là điều nhiều người luôn theo đuổi. Bởi thế mà có những sự kiện hoặc lễ hội năm nào cũng diễn ra y xì như vậy, nhiều phóng viên vẫn vác máy tới săn ảnh.
Phóng viên ảnh Hoàng Giang Huy là một trong nhiều người thường xuyên có mặt tại hội Hiền Quan hàng năm. Sau nhiều phút chần chừ, anh đã bỏ giầy lội xuống tiếp cận đám đông. Ảnh: Trung Kiên. |
Họ đến vì sự kiện này thú vị hoặc vì những nét đặc biệt mà không nơi nào có được. Họ đến vì tuy nội dung giống nhau nhưng khoảnh khắc mỗi năm một khác. Có những nhiếp ảnh gia đến đâu đó chỉ để săn được một bức tâm đắc nhất là thấy vui. Lại có nhiều tay máy chụp ảnh chỉ để đăng tải lên mạng xã hội chia sẻ với bạn bè...
Anh Trung Kiên, phóng viên TTXVN thường trú tại Phú Thọ cho rằng hội Hiền Quan có đặc điểm là tổ chức ở cánh đồng có nhiều bùn đất, ao nước, do đó dễ tạo nên những khoảnh khắc ấn tượng trong ảnh. Trước đây, BTC thường chọn vị trí bên bãi sông gần đó, nếu trời nắng, cát bốc lên còn đẹp hơn nữa. Tuy nhiên vài năm nay nước sông dâng lên cao, bãi này không còn, các chàng trai trong xã buộc phải “hỗn chiến” trên bùn lầy của cánh đồng mùa gặt.
Ngoài những tiêu chí về ảnh báo chí, các nhà báo còn muốn phản ánh những hình ảnh không đẹp của lễ hội này, mong muốn chính quyền địa phương cần tổ chức sao cho văn minh hơn, ngăn chặn triệt để nạn bạo lực và những hành vi thiếu văn hóa, phản cảm tại đây.