Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chạy đua chiếm thị trường xúc xích tươi

Nếu như trước đây xúc xích tiệt trùng tạo nên cơn sốt với người tiêu dùng thì hiện nay, xúc xích tươi đang là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều người.

Dù các doanh nghiệp trong nước đã có sự khởi động sớm, nhưng theo đánh giá, lợi thế của thị trường xúc xích tươi sẽ thuộc về khối ngoại. Ảnh: NLĐ

Đầu năm 2016, Vissan sẽ tiến hành IPO nên cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp này được công bố khá chi tiết. Sản phẩm xúc xích được đánh giá là con bài chủ lực đóng góp vào doanh thu hàng năm của doanh nghiệp này. Mặc dù chỉ chiếm 1/4 doanh thu, nhưng sản phẩm xúc xích lại đóng góp hơn 1/2 tổng lợi nhuận của Vissan.

Hiện tại sản phẩm xúc xích tiệt trùng của Vissan đang chiếm 65% thị phần, nhưng câu chuyện này có thể sẽ không giữ ưu thế lâu trong tương lai, khi xúc xích tươi đang ngày một chiếm ưu thế. Cụ thể trong 5 năm trở lại đây, thị trường này đã có sự dịch chuyển lớn từ việc sử dụng xúc xích tiệt trùng sang xúc xích tươi. Vì vậy, việc đầu tư sản xuất các sản phẩm xúc xích tươi đang được nhiều doanh nghiệp khởi động khá rầm rộ.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan cho biết: “Xúc xích tiệt trùng thực sự phát triển và có tốc độ tăng trưởng mạnh từ khoảng năm 2010 trở về trước. Tuy nhiên những năm gần đây bắt đầu có dẫu hiệu chững lại. Đó cũng là thời điểm mà xúc xích tươi bắt đầu được người tiêu dùng đón nhận”.

Đi tiên phong với sản phẩm xúc xích tươi là Công ty CP Đức Việt đang chiếm ưu thế tại thị trường miền Bắc. Đức Việt đã mất khoảng 10 năm để tìm chỗ đứng cho xúc xích tươi tại thị trường Việt Nam. Ở thời điểm đó sản phẩm xa lạ với người dùng, chưa có thương hiệu lớn để thuyết phục kênh phân phối, không bảo quản được lâu là những vấn đề mà doanh nghiệp vấp phải. Nhưng sau thời gian đầu (2000) giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng làm quen, đến nay Đức Việt đã sản xuất 20 tấn xúc xích tươi mỗi ngày.

Mặc dù chiếm ưu thế về xúc xích tiệt trùng, nhưng với thị trường xúc xích tươi, các doanh nghiệp Việt đều là người mới. Ảnh: DNSG.

Sự phát triển này đã khiến không ít doanh nghiệp đang chiếm lĩnh thị trường xúc xích tiệt trùng như CP và Vissan để ý. Đến năm 2013, hai ông lớn quyết định tham gia vào phân khúc này nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới.

Song vấn đề khiến các doanh nghiệp gặp phải hiện nay là nguyên liệu. Theo một thống kê gần đây của Bộ Công Thương, giá các loại thịt nguyên liệu chính của xúc xích như: thịt heo, thịt bò… của Việt Nam luôn cao hơn so với giá trung bình của khu vực 5.000-10.000/kg. Điều này sẽ tạo ra lợi thế lớn cho các thương hiệu nước ngoài khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Với lợi thế là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm theo một quy trình khép kín, CP đang làm chủ hoàn toàn về nguyên liệu đầu vào. Các thành phần sản xuất đều do doanh nghiệp tự cung tự cấp ngay trong nước. Đây là thế mạnh cạnh tranh đáng kể của CP, bên cạnh Đức Việt và Vissan.

Trong một cuộc trao đổi mới đây, ông Mười thừa nhận, để chủ động được 100% nguyên liệu là điều vô cùng khó. Bởi với sản lượng giết mổ hàng ngày đến 3.000 con, doanh nghiệp không thể có đủ diện tích và nguồn lực đầu tư từ đầu đến cuối. Trong khi đặc thù của ngành chăn nuôi Việt Nam lâu nay vốn sản xuất manh mún, thiếu bài bản… dẫn đến năng suất thấp, giá thành cao.

Một chuyên gia thực phẩm phân tích: “Sự dịch chuyển thị trường từ xúc xích tiệt trùng sang xúc xích tươi đang là lợi điểm đối với khối ngoại. Xúc xích tươi xuất phát từ các nước phương Tây nên kinh nghiệm của họ trong việc sản xuất là hơn hẳn doanh nghiệp nội. Chưa kể việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu bài bản, chất lượng đồng đều là cơ sở để họ chiếm ưu thế lớn về giá thành”.

Theo các doanh nghiệp, trong thời gian tới, xúc xích tươi sẽ được tiêu thụ chủ yếu nên việc nhanh chân khai thác thị trường này đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp.

Hiện tại để khai thác được tiềm năng lớn của thị trường này chỉ mới xoay quanh 3 doanh nghiệp là Vissan, CP, Đức Việt. Và dù đã có khách hàng, có hệ thống phân phối hoàn chỉnh nhưng các doanh nghiệp này cũng thừa nhận sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm ngoại khi các hiệp định thương mại đang dần được hiện thực hóa.

Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm