Trả lời Zing, giáo sư Bellisari cho rằng ông Biden "sẽ sử dụng kinh nghiệm của một chính trị gia kỳ cựu để tìm cách bắt tay với phe Cộng hòa" nhằm đồng lòng đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.
Giáo sư Andrew Bellisari thuộc Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Center for European Studies Harvard. |
Vai trò cầu nối trong và ngoài đảng Dân chủ của ông Biden
- Theo giáo sư, tổng thống đắc cử Biden có thể làm gì để đoàn kết đảng Dân chủ lại?
- Trước hết, tôi cho rằng đảng Dân chủ hiện nay tương đối đồng lòng, nhưng trong nội bộ vẫn sẽ tồn tại những bất đồng quan điểm về việc ban hành quyết sách và cách điều hành đất nước. Sự khác biệt này đến từ cả những đảng viên Dân chủ theo đuổi lập trường trung dung lẫn cấp tiến.
Bằng cách đánh bại đối thủ đến từ phe Cộng hòa, ông Biden đã chứng minh bản thân là người thích hợp để kéo hai thái cực trong nội bộ đảng Dân chủ lại gần nhau hơn.
Giáo sư Bellisari đánh giá cao khả năng đoàn kết các đồng minh của ông Biden. Ảnh: AFP. |
Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông Biden cho thấy bản thân là người có thiện chí muốn gắn kết mọi người với nhau.
Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử năm nay, chiến dịch tranh cử của ông Biden đã liên hệ với Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và các đồng minh nhằm thiết lập một liên minh khăng khít của đảng Dân chủ trong cuộc đua tổng thống.
Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng đường lối chính trị mà ông Biden đề xuất trong quá trình tranh cử thậm chí còn cấp tiến hơn cả bà Hillary Clinton hồi 2016 và ông Barack Obama vào năm 2008, một phần là bởi ông Biden có khả năng đối thoại với nhóm cấp tiến trong đảng của mình.
- Trong tương lai, với cương vị tổng thống, ông Biden có thể làm gì để dẫn dắt đảng Dân chủ đối phó với phe Cộng hòa ở Thượng viện?
- Vẫn còn phải chờ xem! Vòng dồn phiếu (runoff) của cuộc đua thượng nghị sĩ ở Georgia sẽ diễn ra vào tháng 1/2021, kết quả tại bang này sẽ định đoạt phe đa số ở Thượng viện.
Nếu cả hai ứng viên thượng nghị sĩ của phe Dân chủ đều giành chiến thắng ở Georgia, số ghế ở Thượng viện sẽ chia đều cho lưỡng đảng.
Lúc đó, đảng Dân chủ sẽ có lợi thế vì phó tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ trở thành lãnh đạo Thượng viện, từ đó toàn quyền quyết định các vấn đề quyết sách khi xảy ra giằng co giữa hai phe.
Tuy nhiên, viễn cảnh đó rất khó xảy ra.
Dẫu vậy, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden hẳn đã chuẩn bị kế hoạch để đối phó với tình huống đảng đối lập giành quyền kiểm soát Thượng viện.
Khi đó, tổng thống đắc cử Biden sẽ sử dụng kinh nghiệm của một chính trị gia kỳ cựu để tìm cách bắt tay với phe Cộng hòa.
Nếu muốn đưa đất nước trở lại trạng thái ổn định, lưỡng đảng cần bỏ qua những bất đồng để hợp tác với nhau. Ảnh: AP. |
Câu hỏi được đặt ra là liệu đảng Cộng hòa có sẵn sàng hợp tác với ông Biden hay không. Tôi hy vọng là có, hoặc chí ít hai bên có thể tìm được tiếng nói chung ở một vài điểm.
Đối phó với Covid-19 và kích thích nền kinh tế hậu đại dịch là hai trong số những vấn đề bức thiết nhất đòi hỏi sự đồng thuận của lưỡng đảng.
Những vấn đề "không thể giải quyết một sớm một chiều"
- Theo giáo sư, bên cạnh đại dịch Covid-19, còn những vấn đề trầm kha nào mà ông Biden sẽ khó lòng giải quyết hoàn toàn trong 4 năm tại vị sắp tới?
- Đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực đối với nền kinh tế.
Tôi cho rằng ông Biden sẽ bổ nhiệm các bộ trưởng một cách phù hợp để ban hành một loạt các biện pháp kinh tế song song với việc giải quyết một số bất cập xã hội.
Xây dựng kế hoạch kích thích nền kinh tế cũng là cách để tiếp cận các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu hoặc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Những bất cập này đều ít nhiều liên hệ với nhau. Một vài vấn đề có thể dễ giải quyết hơn so với số còn lại. Nhưng nhìn chung, chúng đều quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự gắn kết của cả nước Mỹ.
Do đó, bên cạnh đại dịch Covid-19, tôi cho rằng chính quyền Biden đồng thời cần tập trung giải quyết những vấn đề nói trên.
Đại dịch Covid-19 không phải là mối bận tâm duy nhất của chính quyền ông Biden. Ảnh: Reuters. |
Việc đưa ra quyết sách vẫn sẽ cần sự hợp tác của đảng Cộng hòa. Ví dụ, nếu muốn ban hành sắc lệnh cải cách hoạt động của lực lượng cảnh sát, ông Biden và các đồng minh sẽ cần sự đồng thuận trong nội bộ Thượng viện.
Tuy nhiên, có một số điều ông Biden có thể tự mình quyết định dưới tư cách tổng thống, chẳng hạn như tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề ông Biden và các đồng minh nhiều khả năng tập trung đối phó trong giai đoạn nắm quyền. Ảnh: New York Times. |
Nhưng hầu hết vấn đề nêu trên không phải chuyện có thể giải quyết một sớm một chiều.
Quá trình xử lý các bất cập này đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ và tận tâm từ cả những thành viên của đảng Cộng hòa. Bởi sau tất cả, chúng ta thấy rằng hai đảng đã xích lại gần nhau hơn khi cùng tập trung đối phó những vấn đề chung của quốc gia.
Trong quá khứ, với sự ủng hộ của lưỡng đảng, Tổng thống Trump từng thông qua một đạo luật cho phép những người mắc tội danh có tính chất phi bạo lực không phải thụ án tù.
Đó là một bước đệm quan trọng để hướng tới các chính sách đem lại sự công bằng chủng tộc. Nhưng đây cũng chỉ là một mảnh ghép của câu đố. Vẫn còn nhiều việc phải làm để lấp đầy các chỗ trống về mặt chính sách mà đội ngũ ông Trump chưa thể hoàn thành.
Tôi nghĩ chính quyền Biden sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi để cải thiện tình hình, hoặc ít nhất họ sẽ duy trì các cuộc đối thoại với người dân để hiểu mình cần làm gì.
- Kết quả bầu cử năm nay phản ánh sự phân cực trầm trọng giữa cử tri. Theo ông, tổng thống đắc cử Biden có thể làm gì để hạn chế sự chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị trong nội bộ nước Mỹ?
- Quá trình đó sẽ không diễn ra một cách dễ dàng. Nhưng ông Biden nhiều khả năng sẽ khiến Nhà Trắng trở nên bình tĩnh và suy xét thấu đáo hơn.
Ông ấy sẽ trở thành một tổng thống biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Tôi không chắc điều này có thể gắn kết đất nước hay không, nhưng hẳn sẽ làm nước Mỹ bình tĩnh trở lại.
Ông Biden có phong thái điềm đạm và tuân theo các chuẩn mực hành vi của giới chính trị gia cổ điển, trái ngược với phong cách của tổng thống đương nhiệm. Ảnh: AFP. |
Việc thu hẹp lằn ranh vô hình chia cắt cử tri về mặt chính trị hiện nay đòi hỏi sự đồng lòng của ở nhiều cấp độ ban ngành, vị trí tổng thống chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể đó.
Rất nhiều gia đình, mối quan hệ bạn bè hay đồng nghiệp đã tan vỡ sau cuộc bầu cử năm nay. Do đó, dù vai trò của tổng thống là không thể chối cãi, mỗi người Mỹ cũng cần phải suy xét xem bản thân có thể làm gì để gắn kết hơn với những người xung quanh.
- Theo giáo sư, quá trình gắn kết người dân Mỹ với nhau sẽ giúp ích cho công cuộc chống dịch Covid-19 ở Mỹ trên những khía cạnh nào?
- Trên thực tế, mầm bệnh Covid-19 không phân biệt đối tượng cử tri.
Dù bỏ phiếu cho ai, bạn vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus nếu không thực hiện các quy tắc an toàn theo khuyến cáo của bác sĩ.
Mỗi công dân Mỹ đều có trách nhiệm làm mọi thứ có thể trong khả năng để giúp đất nước vượt qua cơn khủng hoảng này.
Chỉ khi ý thức được những hành động nhỏ như đeo khẩu trang hay tin tưởng vào vaccine, nước Mỹ mới có thể tiếp tục chống chọi với đại dịch.
Và chính vì virus không phân biệt đảng phái, nên dù bỏ phiếu cho ai chăng nữa, người Mỹ cần gạt bỏ sự chia rẽ về mặt chính trị để đoàn kết lại thành một quốc gia thống nhất và cùng nhau vượt qua dịch Covid-19.
Bài toán Covid-19
- Theo giáo sư, ông Biden sẽ chọn phong tỏa toàn quốc hay triển khai các gói cứu trợ y tế để đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng Covid-19?
- Chính quyền Biden có thể sẽ kết hợp nhiều phương pháp chống dịch cùng lúc.
Quyết định ban hành quy định cách ly xã hội phụ thuộc vào giới chức của mỗi tiểu bang. Đây là giải pháp bất đắc dĩ và thường được áp dụng ở những địa phương rơi vào tình thế bất khả kháng.
Ông Biden nhiều khả năng sẽ cố tránh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc vì tính khả thi vẫn còn bỏ ngỏ.
Đồng thời, động thái này hoàn toàn có thể kéo theo làn sóng phản đối, vì hệ quả của cách ly xã hội ở mỗi địa phương là rất khác nhau.
Giáo sư Bellisari nhận định rằng phong tỏa toàn quốc không phải là giải pháp khả dĩ để nước Mỹ vượt qua đại dịch. Ảnh: Getty. |
Điều nước Mỹ cần để vượt qua đại dịch Covid-19 hiện tại là một kế hoạch đồng bộ và thống nhất của chính phủ liên bang để phân phối nguồn lực đến những địa phương đang chìm vào khủng hoảng.
Đây là điều mà chính quyền ông Trump chưa làm tốt. Họ phó mặc cho giới chức các bang tự đối phó với đại dịch.
Tình trạng thống đốc các bang phải giành giật dược phẩm điều trị Covid-19 để phân phát cho các cơ sở y tế địa phương không phải hiếm, và điều đó vốn không nên xảy ra.
Nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của ông Biden đang xây dựng lực lượng đặc biệt chống Covid-19 để triển khai kế hoạch đối phó đại dịch.
Việc này đòi hỏi ông Biden và các phụ tá chuẩn bị cẩn thận về mặt nhân sự và vật tư để đáp ứng nhu cầu bức thiết từ các bang có số ca nhiễm mới tăng vọt với tốc độ chóng mặt.
Đặc biệt, chìa khóa giúp nước Mỹ có thể vượt qua đại dịch nằm ở công tác phân phối vaccine.
Do đó, một trong những nhiệm vụ tối quan trọng lực lượng chống Covid-19 của chính quyền ông Biden cần hoàn thành chính là đảm bảo người dân Mỹ có thể tiếp cận với vaccine khi sẵn sàng.
Giáo sư Andrew Bellisari giảng dạy lịch sử chính trị tại Đại học Fulbright Việt Nam. Ông tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Rutgers ở New Jersey và nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard.
Trong thời gian tại Harvard, giáo sư Bellisari là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Weatherhead.