Mason là thị trấn nhỏ với khoảng 2.000 dân, cách thủ phủ Austin của bang Texas khoảng 70 km. Tại thị trấn với đa phần cư dân là người da trắng, ủng hộ tư tưởng bảo thủ và chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Với họ, cuộc bầu cử chưa kết thúc, và không phải ai cũng chấp nhận kết quả kiểm phiếu mà truyền thông Mỹ công bố.
"Bạn tôi theo phe Dân chủ tin rằng Biden sẽ giúp chữa lành mọi vết thương và hàn gắn đất nước. Họ chỉ đang tự lừa mình. Phe Dân chủ không xứng đáng có được điều đó", Jeanie Smith, một cư dân của Mason, nói, theo New York Times.
Chống đối từ phe bảo thủ
Gần 2 tuần sau ngày bầu cử, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang đối mặt sự chống đối từ những người ủng hộ đảng Cộng hòa, bất chấp thực tế kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông đã chiến thắng với số phiếu phổ thông cao kỷ lục.
Thách thức với ông Biden bắt đầu từ Tổng thống Trump, người từ chối chấp nhận thất bại, cũng như giới nghị sĩ Cộng hòa không công nhận chiến thắng của ứng viên Dân chủ.
Vấn đề nghiêm trọng nhất với ông Biden trong dài hạn là hàng triệu cử tri Cộng hòa từ chối công nhận kết cuộc bầu cử.
Thực tế hiện nay khác xa với những hình dung và kỳ vọng của ông Biden. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden khẳng định cuộc bầu cử là cơ hội để nước Mỹ vượt qua sự chia rẽ, cam kết sửa chữa những rạn nứt về ý thức, chủng tộc, địa lý đã ngày càng trở nên tồi tệ kể từ năm 2016.
Người ủng hộ Tổng thống Trump đổ tới Washington D.C. Ảnh: AP. |
"Tìm lại linh hồn đất nước" là khẩu hiệu chiến dịch tranh cử của ông Biden. Tuần trước, ứng viên Dân chủ tuyên bố "hãy chấm dứt thời kỳ ma quỷ hóa ở Mỹ ngay bây giờ".
Ngày bầu cử chứng kiến làn sóng khổng lồ cử tri Cộng hòa đi bỏ phiếu khắp cả nước, đặc biệt ở những vùng nông thôn như Mason. Đây là những khu vực có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu gia tăng lớn nhất cả nước.
Kỳ vọng chiến thắng áp đảo của phe Dân chủ không thành hiện thực. Đảng Cộng hòa chiến thắng lớn khi thu hẹp đáng kể khoảng cách số ghế ở Hạ viện, trong khi nhiều khả năng tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Những ngày qua, hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Trump đã tuần hành phản đối kết quả kiểm phiếu.
"Chúng tôi sẽ sẵn lòng chấp nhận kết quả, miễn là cuộc bầu cử công bằng, đúng đắn và được kiểm chứng", Sherrie Strong, một người ủng hộ phe Cộng hòa, cho biết. Cũng như nhiều cử tri Cộng hòa, bà Strong hoài nghi việc ông Biden vượt lên ngoạn mục tại các bang chiến trường khi phiếu bầu qua thư được kiểm đếm.
Không dễ hàn gắn
Mahnken là cử tri 72 tuổi đã dành phần lớn cuộc đời mình ủng hộ đảng Cộng hòa. Năm 2016, bà Mahnken bỏ phiếu cho ông Trump, nhưng năm nay, người phụ nữ lựa chọn ứng viên Dân chủ.
"Tôi không thể chấp nhận con đường đất nước chúng ta đang đi. Tôi không muốn 4 năm tới sẽ lặp lại như thế này, đầy hỗn loạn và chia rẽ", bà Mahnken nói. Người phụ nữ tin tưởng vào thông điệp hàn gắn, hòa giải của ông Biden.
Ông Mark Lehmberg, một người bạn của bà Mahnken, từng không đi bỏ phiếu năm 2016. Người đàn ông nói không hy vọng vào lời hứa đoàn kết đất nước mà phe Dân chủ đưa ra. Ông Lehmberg bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, với hy vọng nền kinh tế sẽ được cải thiện.
"Quan hệ giữa hai bên đã quá tổn hại rồi. Sẽ rất khó, không thể đoàn kết người dân đâu", ông Lehmberg nói.
Cuộc biểu tình ở Dallas hôm 9/11. Ảnh: AP. |
Hôm 9/11, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Trump đã tập trung bên ngoài văn phòng bầu cử thành phố Dallas. Không chỉ thể hiện sự giận dữ với kết quả bầu cử mà họ coi là gian lận, người biểu tình phát đi thông điệp phản đối ông Biden và các quan chức Cộng hòa đã thừa nhận chiến thắng của ứng viên Dân chủ.
"Hãy nhớ họ là ai khi các bạn tham gia cuộc bỏ phiếu kế tiếp", một diễn giả nói trước đám đông biểu tình.
Theo một cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos tiến hành mới công bố, gần 80% cử tri Mỹ tin ông Biden đã chiến thắng, bao gồm 60% cử tri Cộng hòa.
Tuy nhiên, một thăm dò khác do Politico/Morning Consult tiến hành cho thấy có tới 70% cử tri Cộng hòa không tin vào sự trung thực của cuộc bầu cử, tăng gấp đôi so với trước ngày bỏ phiếu.
Ngay cả ở những vùng bảo thủ mạnh mẽ như Mason, vẫn có những tiếng nói, dù ủng hộ Tổng thống Trump, kêu gọi đảng Cộng hòa chấp nhận và vượt qua thất bại.
Jay Curry, một người đàn ông 44 tuổi, cho rằng việc Tổng thống Trump từ chối chấp nhận thất bại sẽ chỉ tạo ra thêm hỗn loạn và chia rẽ.
"Chúng ta chia rẽ thành bên đỏ và bên xanh. Chúng ta chống lại nhau nhiều hơn là giúp đỡ người khác. Đây là dấu chấm hết rồi. Kết quả là như vậy", ông Curry nói.
Vợ của ông Curry, bà Andrea, có cái nhìn lạc quan hơn.
"Tôi tin mọi tổng thống chúng ta có đều không bao giờ cố ý gây tổn hại cho đất nước. Họ sẽ cố gắng làm điều tốt nhất có thể, đó là tất cả những gì chúng ta hy vọng. Ông Biden sẽ không cố ý làm xáo trộn đất nước", bà Andrea nói.
Nỗi lo của cử tri da trắng
Sự lạc quan của bà Andrea lẻ loi giữa tâm lý số đông người ủng hộ Tổng thống Trump. Theo mục sư Fred Krebs của Nhà thờ St. Paul Lutheran, cuộc bầu cử năm nay quan trọng với nhiều người bởi nó cũng là cuộc trưng cầu dân ý không chỉ về vấn đề chính trị.
Ông Krebs cho biết người dân ở Mason quan tâm tới hàng loạt vấn đề khác, như quan hệ giữa cộng đồng da trắng với người nhập cư, cũng như sự trỗi dậy của phong trào Black Lives Matter và ảnh hưởng tới nền chính trị Mỹ.
Cướp bóc xảy ra trong các cuộc biểu tình Black Lives Matter. Ảnh: Reuters. |
Bà Jeanie Smith cùng người chồng Dennis, cả hai đều đã gần 70 tuổi, dành sự ủng hộ tuyệt đối cho Tổng thống Trump, dù nay kết quả dường như đã ngã ngũ. Sự ủng hộ này đến từ những lo ngại về văn hóa và xã hội.
Giống với khẩu hiệu của ông Biden, vợ chồng nhà Smith coi cuộc bầu cử năm nay là cuộc chiến vì linh hồn của đất nước. Đối với gia đình Smith, chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ đồng nghĩa với làn sóng văn hóa ngoại lai sẽ tiếp tục tràn vào nước Mỹ.
"Tất cả những gì tôi làm suốt cuộc đời này, ông Biden muốn trao cho người nhập cư, cho họ cuộc sống dù họ ngồi im một chỗ và không chịu lao động", ông Smith nói.
"Và nếu những kẻ biểu tình đó tới đây, nếu họ phá hoại đồ đạc, tôi bảo đảm họ sẽ không thể có mặt ở đây lâu. Chúng tôi sẽ tống khứ họ ra khỏi thị trấn, và không an lành tử tế như cách họ đến", ông Smith nói, ám chỉ những kẻ phá hoại trong các cuộc biểu tình Black Lives Matter.