Trước khi Bộ Công Thương bán hơn 53,59% vốn tại Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (SAB) cho doanh nghiệp của tỷ phú Thái Lan, Sabeco cùng với Habeco - Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Hà Nội (BHN) là 2 doanh nghiệp bia nội lớn nhất thuộc sở hữu của Nhà nước. Ngoài lĩnh vực chính là đồ uống, nước giải khát, cả Sabeco và Habeco đều có những khoản đầu tư ngoài ngành với giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Đầu tư góp vốn hàng trăm tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017, Habeco hiện có 16 công ty con, với vốn nắm giữ từ 53,89% trở lên. Các công ty này đều kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất bia, rượu và phụ trợ đồ uống.
Bên cạnh đó, “ông lớn” thị trường bia phía Bắc còn rót vốn vào các công ty liên kết sản xuất đồ phụ trợ như vận tải, thương mại, sành sứ… với tổng giá trị hơn 343 tỷ.
Cũng giống Sabeco, Habeco cũng có những khoản đầu tư ngoài ngành với tổng giá trị đến cuối năm 2017 là 43,75 tỷ đồng. Trong đó bao gồm các lĩnh vực như bất động sản, giáo dục...
Cụ thể, Habeco hiện có khoản đầu tư 16,25 tỷ đồng (15,52% vốn) tại CTCP Bất động sản Lilama. Đây là công ty bất động sản được thành lập từ năm 2007, do Habeco cùng với TCT Lắp máy Việt Nam, TCT Thuốc lá Việt Nam, Công ty TNHH Tân Long; TCT Tư vấn xây dựng Việt Nam là cổ đông sáng lập.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 của Lilama cho thấy công ty này chỉ thu về khoản lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi năm. Tính đến cuối 2015, lãi lũy kế của công ty mới đạt 2,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Habeco còn có 5 tỷ đồng (3,58% vốn) tại Đại học Công nghiệp Vinh. Cùng với 2 khoản đầu tư khác tại CTCP Sành sứ Thủy tinh Việt Nam và CTCP TM Bia Hà Nội - Hưng Yên 89 với giá trị lần lượt 12 tỷ (6% vốn) và 10,5 tỷ đồng (12,5% vốn).
Với 4 khoản đầu tư vào đơn vị khác này, Habeco đang phải dự phòng giảm giá đầu tư gần 2 tỷ đồng.
Thu bao nhiêu tiền từ đầu tư ngoài ngành?
Bên cạnh các khoản đầu tư tài chính vào các công ty khác, Habeco hiện có hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng lấy lãi.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, tổng số tiền gửi tại ngân hàng của đơn vị này lên tới 3.775 tỷ, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó bao gồm 1.647 tỷ tiền gửi không kỳ hạn, 1.561 tỷ tiền gửi kỳ hạn ngắn; 497 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng và 50 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dài…
Các khoản đầu tư ngoài ngành của Habeco cũng được xếp vào danh mục đầu tư tài chính, cùng với lãi tiền gửi, các khoản đầu tư này mang về cho Habeco hàng trăm tỷ đồng tiền lãi mỗi năm.
Năm 2017, Habeco thu về tới 135 tỷ doanh thu hoạt động tài chính và chỉ phải chi ra gần 70 tỷ chi phí, trong đó chủ yếu là để trả lãi vay, giúp đơn vị này thu về hàng chục tỷ đồng lãi từ các tiền gửi và các khoản đầu tư.
Trong khi đó, với hàng trăm tỷ đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết, khoản lợi nhuận Habeco thu về lại trồi sụt, không ổn định. Trong năm 2017, công ty chỉ thu về vỏn vẹn 3,5 tỷ tiền lãi trong các khoản đầu tư tại công ty liên doanh, liên kết, giảm gần 9 lần so với năm 2016. Thậm chí, trong quý IV/2017 công ty còn lỗ tới 19,6 tỷ đồng. Các khoản đầu tư này có năm mang về cho Habeco hàng chục tỷ đồng nhưng cũng có năm khiến công ty chịu lỗ tương ứng.