Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cùng nhận tài trợ của Mỹ như Moderna, vaccine Sanofi tiếp tục lỡ hẹn

Hôm 15/12, Sanofi công bố kết quả tích cực về hiệu quả vaccine Covid-19 của họ. Cùng ngày, hãng dược phẩm này thông báo sản phẩm chưa thể được đưa ra thị trường trong năm 2021.

Vaccine của Sanofi từng được kỳ vọng là vũ khí chủ chốt của nhân loại trong cuộc chiến chống Covid-19. Tháng 5/2020, khi nước Mỹ khởi động “Chiến dịch Thần tốc” nhằm tăng tốc độ phát triển và sản xuất vaccine Covid-19, đây là một trong số 6 sản phẩm được Washington tài trợ với tổng số tiền lên tới 2,1 tỷ USD.

Tuy vậy, dù nhân loại chỉ còn cách “năm Covid thứ ba” 2 tuần lễ, loại vaccine này vẫn chưa có mặt trên thị trường. Công ty này vẫn chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 - điều kiện tối thiểu để vaccine có thể được phê duyệt.

Sự chậm trễ của Sanofi cho thấy những khó khăn của việc phát triển vaccine Covid-19 - kể cả với tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới, có nhiều kinh nghiệm sản xuất vaccine cúm mùa thông thường.

Những thách thức với Sanofi càng chồng chất một khi các đối thủ cạnh tranh đã chiếm lĩnh thị trường.

Sự chậm trễ của Sanofi

Hôm 15/12, Sanofi thông báo vaccine Covid-19 của họ sẽ không thể được đưa ra thị trường trong năm 2021 như dự tính. Thay vào đó, thời hạn ra mắt của sản phẩm này được lùi xuống quý I/2022, theo Financial Times.

Điều này có nghĩa Sanofi tiếp tục phải đứng ngoài thị trường béo bở này thêm một thời gian nữa, trong khi các đối thủ như Pfizer hay Moderna thu về hàng tỷ USD lợi nhuận. Chỉ riêng Pfizer đã dự báo doanh thu bán vaccine Covid-19 của họ đạt 36 tỷ USD trong năm 2021.

vaccine sanofi anh 1

Một cơ sở sản xuất dược phẩm của Sanofi tại Val-de-Reuil, Pháp. Ảnh: AFP.

Khi tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới ngày một cao, Sanofi chuyển hướng sang thị trường vaccine bổ sung cho những người tiêm đủ hai mũi. Cho đến nay, Mỹ và châu Âu đã đặt hàng trước 175 triệu liều vaccine của Sanofi. Hợp đồng sẽ được thực hiện nếu loại vaccine này được các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn.

Cũng trong hôm 15/12, Sanofi công bố những phát hiện ban đầu về hiệu quả của vaccine của hãng khi đóng vai trò mũi tiêm bổ sung. Kết quả tích cực được ghi nhận ở tất cả nhóm tuổi. Mức độ an toàn được đánh giá ở mức “tốt”, trong khi nồng độ kháng thể trung hòa “tăng từ 9 đến 43 lần”.

Phản ứng của hệ miễn dịch khi tiêm bổ sung vaccine của Sanofi tương đương với khi tiêm bổ sung bằng vaccine của Pfizer/BioNTech, theo kết quả nghiên cứu trước đó đối với 7 loại vaccine khác nhau.

Nghiên cứu của Sanofi được thực hiện trên hơn 500 tình nguyện viên đã tiêm chủng đầy đủ từ 4-10 tháng. Một số tình nguyện viên tiêm loại vaccine một mũi của Johnson & Johnson, trong khi những người còn lại được tiêm hai mũi vaccine Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca.

Ngoài ra, Sanofi cũng thông báo họ đang đánh giá hiệu quả của vaccine đối với biến chủng Omicron. Hãng dược phẩm này cho biết các nhà khoa học đang dùng mẫu máu của các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm để xem xét cách kháng thể sinh ra nhờ vaccine phản ứng trước biến chủng mới.

Khó khăn chồng chất

Tuy có nhiều triển vọng, vaccine của Sanofi vẫn chưa thể được đưa ra thị trường. Công ty này chưa thể hoàn thiện khâu đánh giá thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine, điều kiện tối thiểu để giới chức các nước phê duyệt.

Công ty này cho biết có quá ít tình nguyện viên của họ mắc Covid-19. Ủy ban giám sát quá trình thử nghiệm vaccine của Sanofi mong muốn chờ thêm một thời gian để có thêm những người tham gia thử nghiệm dương tính với virus. Khi đó, lượng dữ liệu có thể gia tăng.

Những “người đi sau” như Sanofi gặp khó khăn lớn trong khâu thử nghiệm vaccine. Theo yêu cầu về mặt khoa học, những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm phải thỏa mãn hai điều kiện: chưa được tiêm vaccine và chưa từng mắc Covid-19. Qua các làn sóng dịch, số người đủ điều kiện ngày một hiếm.

Sự chậm trễ của Sanofi còn đến từ sai lầm của chính công ty này. Tháng 12/2020, một sai sót trong thí nghiệm buộc Sanofi phải thử nghiệm lại từ đầu, khiến sản phẩm của họ bị tụt lại 6 tháng so với các đối thủ cạnh tranh. Giờ đây, khoảng cách này thậm chí còn rộng hơn.

vaccine sanofi anh 2

Sanofi vẫn chưa thể hoàn thành khâu thử nghiệm vaccine giai đoạn 3. Ảnh: Reuters.

Trái với các công nghệ mới được sử dụng trong các loại vaccine của Pfizer/BioNTech hay Moderna, vaccine của Sanofi sử dụng công nghệ khá truyền thống.

Loại vaccine này kích thích hệ miễn dịch bằng các loại protein gai của virus. Các protein này được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, bên trong các tế bào của côn trùng.

Công nghệ này từng được Sanofi sử dụng nhiều trong các loại vaccine cúm mùa thông thường. Ngoài ra, vaccine còn được bổ sung một loại hoạt chất được công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) cung cấp để tăng cường khả năng miễn dịch.

Sanofi từng có ý định phát triển một loại vaccine mRNA của riêng mình. Tuy vậy, dự án này đã chấm dứt vào tháng 9. Hãng dược phẩm này nhận thấy sản phẩm của mình không thể cạnh tranh với các sản phẩm của Pfizer/BioNTech hay Moderna, vốn đang chiếm lĩnh thị trường vaccine mARN trên thế giới.

“Một loại vaccine mRNA mới chống Covid-19 là không cần thiết hiện nay”, ông Thomas Triomphe, trưởng bộ phận vaccine của Sanofi, nói. “Nếu chúng tôi đưa sản phẩm ra thị trường vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, sẽ là quá muộn và không thể đem lại khác biệt gì”.

Sau khi Sanofi công bố kết quả thử nghiệm tích cực về hiệu quả của vaccine khi đóng vai trò mũi tiêm bổ sung hôm 15/12, giá cổ phiếu của hãng trên sàn Paris không mấy thay đổi. Điều này cho thấy ít nhà đầu tư tin tưởng loại vaccine này sẽ đem lại lợi nhuận lớn trong tương lai gần.

Tuy vậy, ông Roger Connor, giám đốc bộ phận vaccine của GSK - đối tác sản xuất vaccine của Sanofi - vẫn bày tỏ sự lạc quan.

“Khi mối lo ngại về đại dịch tiếp diễn, liều vaccine bổ sung là cần thiết để bảo vệ mọi người trong thời gian dài”, ông Connor nói.

Sanofi chấm dứt phát triển vaccine mRNA chống Covid-19

Sanofi cho biết sẽ dừng hoạt động nghiên cứu vaccine mRNA chống Covid-19 vì dù thử nghiệm khả quan, hãng dược phẩm Pháp thừa nhận họ không bắt kịp các đối thủ về khâu sản xuất.

Hãng dược Sanofi: Đừng chờ vaccine của chúng tôi

Ông Olivier Bogillot, chủ tịch hãng dược phẩm Sanofi của Pháp, đã kêu gọi người dân sớm tiêm chủng thay vì chờ vaccine Covid-19 của hãng này.

Việt Hà

Theo Financial Times, New York Times

Bạn có thể quan tâm