Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cùng do Mỹ viện trợ, vì sao quân Afghanistan rệu rã, Ukraine trụ vững?

Quân đội Ukraine và Afghanistan cùng nhận hỗ trợ khí tài và đào tạo từ Mỹ nhưng khi chiến sự nổ ra, thể hiện của hai lực lượng rất khác biệt.

Ukraine tru vung truoc Nga anh 1

“Vấn đề không phải quy mô một đội quân, số binh sĩ trên chiến trường hoặc khí tài”, ông John Spencer, chuyên gia tại Viện Chiến tranh Hiện đại thuộc Học viện quân sự West Point danh giá của Mỹ, nói với Zing. “Vấn đề là ý chí của người lính và lý tưởng của họ.

Trước sức ép từ Nga, quân đội Ukraine có thể trụ vững sau 3 tháng kể từ đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt", trong khi quân đội Afghanistan tan rã rất nhanh trước bước tiến của Taliban hồi tháng 8/2021.

Ukraine tru vung truoc Nga anh 2

John Spencer, Chủ nhiệm khoa nghiên cứu chiến tranh đô thị, Viện Chiến tranh Hiện đại (Mỹ), thuộc Học viện West Point. Ông từng tham chiến tại Iraq. Ảnh: Amazon.

Theo ông Spencer, người Ukraine cầm súng để phòng vệ, trong khi điều này không đúng với người Afghanistan.

“Nếu bạn đến một ngôi làng (nằm xa Kabul) và hỏi người dân, họ sẽ hỏi ‘Afghanistan là gì? Đây là làng tôi, tôi không quan tâm tới thứ cách xa mình đến hàng trăm dặm’”, ông Spencer nói. Do đó, nếu Afghanistan có biến động thì việc huy động toàn bộ người dân sẽ rất khó. "Đó là điểm khác biệt lớn so với Ukraine”.

Đồng tình với nhận định trên, ông Mark Cancian - cố vấn cấp cao Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - cũng cho rằng sĩ khí của quân đội Afghanistan không đồng đều.

"Nhiều binh sĩ Afghanistan nỗ lực chiến đấu nhưng nhiều người khác rất thiếu động lực. Tình trạng đào ngũ của Afghanistan cũng rất nghiêm trọng", ông Cancian nói với Zing.

Ý chí chiến đấu khác rõ rệt

Cả Afghanistan và Ukraine đều được nhận viện trợ lớn về quân sự từ Mỹ. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển, Mỹ đã dành ra 72,7 tỷ USD viện trợ quân sự cho Afghanistan từ năm 2001 tới năm 2020, tương đương 3,8 tỷ USD/năm.

Đối với Ukraine, từ năm 2014 tới ngày 6/5, Mỹ viện trợ quân sự tổng cộng hơn 6,5 tỷ USD, theo dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, tương đương 0,8 tỷ USD/năm.

Ukraine tru vung truoc Nga anh 3

Ông Mark Cancian là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tổ chức tư vấn chính sách hàng đầu ở Washington D.C. Ông là đại tá về hưu sau hơn 30 năm trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Ảnh: CSIS.

Nếu xét về mặt con số đơn thuần, 6,5 tỷ USD thấp hơn nhiều mức Afghanistan nhận được. Nhưng từ khi giao tranh bùng nổ, Mỹ đã đẩy mạnh viện trợ an ninh cho Ukraine, với 3,8 tỷ USD từ hôm 24/2 tới hôm 6/5, chiếm hơn nửa tổng mức viện trợ trong 8 năm.

Tới ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục ký ban hành gói viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine, trong đó 6 tỷ USD sẽ được dành cho việc viện trợ an ninh. Nếu chiến sự kéo dài, sự hỗ trợ của Mỹ nhiều khả năng sẽ được duy trì.

Cả Lực lượng Vũ trang Ukraine (UAF) và Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan (ANSF) cũng đều được quân đội Mỹ đào tạo, dù ở mức độ khác nhau.

Binh sĩ Mỹ trực tiếp có mặt tại Afghanistan để huấn luyện binh sĩ ANSF trong 20 năm, trong khi hợp tác huấn luyện tác chiến giữa UAF và Vệ binh Quốc gia California của Mỹ bắt đầu từ năm 2014.

Nhưng dù mức viện trợ và quy mô ra sao, ông Spencer nhấn mạnh vai trò của yếu tố động cơ chiến đấu.

“Có một số đơn vị Afghanistan rất gắn kết và kiên quyết chiến đấu vì một đất nước Afghanistan, nhưng có những người không công nhận Afghanistan là một đất nước”, ông Spencer nói.

“Không có khác biệt như vậy trong quân đội Ukraine, vì họ đều tin mình chiến đấu cho Ukraine. Họ tin rằng họ đang chiến đấu vì đất nước”, ông Spencer khẳng định.

Ukraine tru vung truoc Nga anh 4

Một người lính Ukraine tại Borodyanka vào ngày 6/4. Ảnh: AP.

Vai trò của người lãnh đạo cũng đóng vai trò lớn. Ông Spencer chỉ ra sự tương phản giữa cựu Tổng thống Ashraf Ghani - người rời đi khi Taliban đến bên ngoài thủ đô Kabul - với Tổng thống Volodymyr Zelensky - người từ chối đề nghị được sơ tán ra khỏi thủ đô Kyiv và khẳng định “cần súng đạn, không cần đi nhờ xe”.

“Nếu lãnh đạo chính phủ Ukraine cũng rời khỏi đất nước, cuộc giao tranh ấy sẽ kết thúc sớm như cuộc chiến Afghanistan”, ông Spencer nói.

Tuy nhiên, ông Cancian lưu ý rằng bản chất hai cuộc xung đột là khác nhau và điều này cũng có thể lý giải sự chênh lệch giữa UAF và ANSF.

“Quân đội Afghanistan phải đối mặt cuộc nội chiến”, ông Cancian nói với Zing. Trong khi đó, do đối diện áp lực bên ngoài, “người dân Ukraine rất hăng hái. Rất nhiều người tự nguyện thành lập các đội dân quân mà không bị nhà nước ép buộc”.

Bên cạnh đó, kiểu giao tranh hai quân đội gặp phải cũng khác nhau. Trong khi quân đội Afghanistan được đào tạo để đối phó lực lượng nổi dậy thường chọn cách đánh du kích, quân đội Ukraine giáp mặt quân đội chính quy của Nga.

Ukraine tru vung truoc Nga anh 5

Binh sĩ Mỹ đào tạo lính Afghanistan vào năm 2016. Ảnh: New York Times.

Chênh lệch học vấn lớn

Một số yếu tố khác cũng góp phần vào sự chênh lệch hiệu quả tác chiến giữa hai đội quân, chẳng hạn học vấn của binh sĩ.

Theo NATO, năm 2009, 8 năm sau khi lực lượng do Mỹ dẫn dắt lật đổ Taliban và lập ra chính phủ mới tại Afghanistan, chỉ 13% lực lượng chính quy biết đọc và biết viết. Sau nhiều năm được Mỹ và NATO hỗ trợ, tỷ lệ này vẫn không được cải thiện đáng kể.

Rất khó để có thể đào tạo những người có kỹ năng kém để họ biết cách bảo dưỡng trang thiết bị như xe tải chẳng hạn, theo ông Cancian. Vì thế, số lượng kỹ thuật viên có tay nghề của Afghanistan ít hơn Ukraine rất nhiều.

“Người Ukraine có học vấn cao, đa số đều có bằng cấp 3 hoặc cao hơn, nên việc đào tạo những người này biết cách bảo dưỡng xe tải sẽ dễ dàng hơn”, ông Cancian nói với Zing.

Ukraine tru vung truoc Nga anh 6

Một nhóm thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc tập luyện cách cơ động chiến đấu ở Kharkiv vào ngày 29/1. Rất nhiều người Ukraine tự nguyện thành lập các đội dân quân. Ảnh: AP.

Đồng tình, ông Spencer nhận định người Ukraine từ trước khi giao tranh xảy ra đã được đào tạo nhiều năm cách thao tác những khí tài có độ chuyên biệt cao.

“Nếu bạn đưa cho họ một khí tài khác, như một phiên bản khác của cùng kiểu xe tăng hoặc lựu pháo từ thời Liên Xô, họ sẽ có thể nhanh chóng sử dụng những công nghệ khác”, ông nói.

Một yếu tố lý giải nữa là sự khác biệt về kinh nghiệm phối hợp của các binh sĩ.

“Vì có nhiều bộ lạc hoặc vùng miền, người Afghanistan không có kinh nghiệm tổ chức để nhiều người hoặc nhiều đơn vị cùng phối hợp”, ông Cancian nói, bổ sung rằng ngay cả lực lượng nổi dậy ở Afghanistan cũng có nhiều nhóm khác nhau và không phải lúc nào cũng phối hợp.

“Ukraine phụ thuộc vào nguồn cung khí tài và đạn dược phương Tây vì những thứ này đang hết rất nhanh, nhưng họ không phụ thuộc trên phương diện lên kế hoạch hoặc huấn luyện”, ông Cancian nói. “Nhiều đơn vị Afghanistan rất ỷ lại vào cố vấn người Mỹ và cần hỗ trợ trên nhiều phương diện”.

Vì sao 300.000 binh sĩ Afghanistan đại bại trước 80.000 lính Taliban?

Thất bại chóng vánh của chính phủ Afghanistan, dù có quân số áp đảo Taliban, khiến nhiều người kinh ngạc. Nguyên nhân chủ yếu đến từ báo cáo sai lệch và những tuyên bố “màu hồng".

Binh sĩ Ukraine tại Mariupol: 'Còn sống là còn chiến đấu'

Các binh sĩ Ukraine đang cố thủ tại khu vực nhà máy Azovstal, thành phố Mariupol ngày 8/5 tuyên bố sẽ không đầu hàng và tiếp tục chống lại quân đội Nga, theo Reuters.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm