Chuỗi cụm rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam CGV đang trở thành tâm điểm với nhiều ý kiến trái chiều sau khi một đoạn clip ghi lại cảnh đôi trai gái quan hệ tình dục trong một rạp phim của cụm rạp này bị phát tán trên mạng. Sự việc đã được CGV Việt Nam xác nhận. Đơn vị này nhận trách nhiệm xử lý nhân viên phát tán hình ảnh.
Đây không phải lần đầu tiên cụm rạp vướng phải lùm xùm tại Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của CGV có vẻ không bị ảnh hưởng mà liên tục tăng mạnh.
Từ MegaStar đến CGV
CJ CGV là chuỗi rạp chiếu phim multiplex lớn nhất tại Hàn Quốc, bắt đầu kinh doanh chiếu phim từ năm 1995. Hiện công ty có chi nhánh tại nhiều quốc gia trên thế giới như Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ...
CJ CGV Hàn Quốc chính thức vào Việt Nam từ năm 2011, khi chi hơn 70 triệu USD thâu tóm gần như toàn bộ Công ty Envoy Media Partners (EMP).
Thời điểm đó, EMP đang là chủ sở hữu 80% vốn tại cụm rạp chiếu phim MegaStar, với thị phần chiếu phim khoảng 60% tại Việt Nam. 20% vốn còn lại nằm trong tay Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC). Đến cuối năm 2013, CJ CGV Hàn Quốc đã chính chuyển đổi thương hiệu MegaStar tại Việt Nam thành CGV.
Vướng nhiều lùm xùm tại thị trường Việt Nam nhưng CGV vẫn đang lãi lớn qua từng năm. Ảnh: CGV VN. |
Hiện CGV sở hữu khoảng 60 rạp chiếu phim trên cả nước và hơn 47% thị phần năm gần nhất.
CGV Hàn Quốc mới đây đã tiết lộ tình hình kinh doanh của đơn vị tại Việt Nam với việc ghi nhận 10 triệu lượt khách chỉ sau nửa năm 2018, đây là tỷ lệ nhanh nhất kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2011 của đơn vị này.
Chuỗi cụm rạm này lần đầu tiên đạt mốc 10 triệu lượt khách vào tháng 12/2015. Sau đó tiếp tục đạt một lần nữa vào tháng 9/2016 và tháng 8/2017. Như vậy, với con số lượt khách ghi nhận đến giữa năm 2018, chỉ trong vòng 3 năm, quy mô khách hàng của cụm rạp này đã tăng gấp đôi.
Số lượng rạp chiếu phim CGV tại Việt Nam đã tăng lên 57, công ty dự kiến đạt doanh thu 168,4 triệu USD, xấp xỉ 3.800 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng đang có kế hoạch gia tăng số lượng rạp phim tại Việt Nam lên con số 70 vào cuối năm nay.
Nắm 45% thị phần chiếu phim, hơn 60% thị phần phát hành phim tại Việt Nam
Theo báo cáo thường niên năm 2017 của CJ CGV Hàn Quốc, năm 2017, CGV Việt Nam ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng doanh thu, khoảng 140 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến cuối 2017, tổng tài sản của CGV Việt Nam cũng đạt xấp xỉ 3.100 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm hơn 80%.
Ngoài ra, CJ CGV Việt Nam cũng là đơn vị đứng đầu về đại lý phát hành cho các studio tại Mỹ như UPI, Pixar, Disney hay Warner Bros.
Công ty cũng được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam.
Còn theo số liệu từ Hiệp hội phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, năm vừa qua CGV tiếp tục dẫn đầu thị phần chiếu phim với hơn 45%, cao hơn cả 4 doanh nghiệp đứng sau cộng lại gồm Lotte, Galaxy, BHD và Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Ngoài ra, thị phần phát hành phim của CGV lên tới hơn 60%.
Chiến lược của CGV tại Việt Nam là phát triển theo bề ngang khi liên tục đổ tiền gia tăng số lượng rạp phim. Đầu năm 2017, sau khi Platinum rút lui khỏi một số trung tâm thương mại, CGV đã lập tức nhảy vào thay thế.
Trong năm gần nhất, CGV đã mở thêm 15 cụm rạp và nâng tổng số phòng chiếu từ 247 lên 324, mức tăng 30%.
Kể từ khi đổi tên thương hiệu thành CGV, lợi nhuận của cụm rạm này tại Việt Nam liên tục tăng trưởng 2 con số từ 54 tỷ đồng năm 2015, lên 107 tỷ năm 2016 và qua ngưỡng 140 tỷ đồng vào năm 2017.
Tuy chưa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay nhưng theo báo cáo giải trình kết quả kinh doanh quý II của Phương Nam (cổ đông sở hữu 20% vốn tại CGV Việt Nam), thì 6 tháng vừa qua khoản lãi từ công ty liên kết Phương Nam tăng chủ yếu do lợi nhuận của Công ty CJ CGV Việt Nam tăng.
Theo đó, 6 tháng qua, Phương Nam ghi nhận gần 13 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên kết. Với việc mở rộng cụm rạp nhanh chóng cùng với cổ đông ghi nhận lợi nhuận được chia tăng, có thể khẳng định 6 tháng đầu năm 2018, cụm rạp CGV cũng đang có lãi tăng trưởng so với cùng kỳ.
Là khoản đầu tư hiệu quả nhất hiện tại, nhưng Phương Nam mới đây cho biết công ty đã tìm ra đối tác sẽ mua 12,5% vốn góp tại CGV Việt Nam với mức giá 160 tỷ đồng, trong khi trong khi giá trị sổ sách của khoản đầu tư chỉ hơn 19 tỷ.
Với mức giá 160 tỷ đồng chỉ cho 12,5% vốn cổ phần, cụm rạp CGV Việt Nam đang được các nhà đầu tư định giá gần 1.300 tỷ đồng, tương được trên 56 triệu USD.