Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2019 diễn ra ngày 24/4, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an) nêu thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chủ yếu do tài xế sử dụng ma túy, rượu bia.
Ông đề nghị phải siết chặt khâu sát hạch, đào tạo lái xe, quản lý người điều khiển phương tiện.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an. Ảnh: Bá Chiêm. |
Cảnh sát tổ chức chốt chặn ở các quán bia?
Về nhiệm vụ thời gian tới, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết lực lượng sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm. Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch chuyên đề về kiểm tra việc sử dụng rượu bia, ma túy, kiểm tra các quy định về tốc độ…
“Đặc biệt, ma túy và nồng độ cồn sẽ là chủ đề làm xuyên suốt trong năm nay, vì đây là những việc rất phức tạp”, ông Dũng nói và đề nghị mở chiến dịch tuyên truyền, vận động sâu rộng về vấn đề sử dụng rượu bia.
Nhiều người biết xong cuộc nhậu phải lái xe nhưng họ vẫn uống. Vì vậy, ông Dũng cho rằng vận động là cần thiết, còn xử lý vi phạm chỉ là khâu sau cùng.
Trước các ý kiến đề nghị tổ chức các chốt chặn ngay đầu những quán bia, người đứng đầu Cục CSGT cho rằng đây là một biện pháp nhưng “chưa hay”, “rất phản cảm”.
Khó xử lý tài xế say rượu
Liên quan đến hoạt động của lực lượng cảnh sát, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng đánh giá tình hình không chấp hành người thi hành công vụ diễn ra rất phức tạp. Với các người uống rượu bia, dùng ma túy, ông Dũng cho rằng mọi can thiệp của cảnh sát là "không ăn thua" vì họ bất chấp hết.
Bên cạnh đó, một số người quá khích, lợi dụng đường giao thông để dừng xe, cản trở giao thông nhưng pháp luật lại chưa quy định cho cảnh sát trong trường hợp ấy được làm gì.
“Xử lý rất khó vì nếu quá tay sẽ vướng pháp luật”, ông Dũng nói.
Nêu ví dụ tài xế dừng xe, bỏ xe đi, ông Dũng cho biết không có chế tài, không giao quyền hạn cho người có thẩm quyền nên không thể cẩu xe đi được, cũng không bắt giữ người ta được.
Đặc biệt, người đứng đầu Cục CSGT than khó khi xử lý đối với những trường hợp say rượu. Dù cảnh sát phải giải thích rất nhiều nhưng những người này không nghe, không hợp tác.
“Như vậy rất khó”, ông Dũng nói và cho biết ở các nước, cảnh sát sẽ bắt giữ ngay rồi chờ khi nào người đó tỉnh rượu mới giải quyết.
Trước các trao đổi này, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng cần rà soát hành lang pháp lý để quy định rõ ràng hơn. Tuy nhiên, ông lưu ý có thể vận dụng để xử lý nghiêm những trường hợp cản trở giao thông vì không có gì vướng mắc.
“Hành vi cản trở giao thông là tội hình sự nên có thể xử lý hình sự được, còn gây rối trật tự giao thông có thể tạm giữ hành chính. Những việc này có thể áp dụng pháp luật được, pháp luật không vướng, vấn đề là sử dụng pháp luật như thế nào cho đúng”, Phó thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người.
So với cùng kỳ 2018, số vụ tai nạn giảm 644 vụ (13,78%), số người chết giảm 244 người (11,35%), số người bị thương giảm 486 người (13,4%).
Trật tự an toàn giao thông được nhận định diễn biến rất phức tạp, vẫn còn 19 địa phương có số người chết do TNGT tăng trong quý I, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20%.
Cũng trong quý I/2019 có 7 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở một số địa phương như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Huế, Long An... làm chết 29 người, bị thương 29 người, gây bức xúc dư luận xã hội.