Chia sẻ với báo chí chiều 9/1, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an) đánh giá sau gần 10 ngày triển khai Nghị định 100 của Chính phủ, lực lượng chức năng toàn quốc đã lập biên bản hơn 3.700 tài xế vi phạm lỗi nồng độ cồn.
Căn cứ Nghị định 100, lực lượng chức năng xử phạt hành chính tổng số tiền trên 12,5 tỷ đồng đối với người vi phạm nồng độ cồn và thu giữ hàng nghìn bằng lái xe.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng khẳng định có nhiều chế tài nghiêm cấm CSGT tiêu cực. Ảnh: Hoàng Lam. |
Lãnh đạo Cục CSGT nêu ra một số địa phương có số người vi phạm lỗi này ở mức cao, như: Tây Ninh (308 trường hợp), Đắk Lắk (214 trường hợp), Bắc Giang (203 tài xế), TP.HCM (182 người), Hà Nội (129 trường hợp).
Trước quan ngại về việc mức xử phạt hành chính tăng sẽ làm gia tăng tình trạng CSGT tiêu cực khi làm nhiệm vụ, Cục trưởng CSGT khẳng định Đảng, Nhà nước và ngành công an đã có nhiều chủ trương phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành.
Hiện, Bộ Công an và hệ thống pháp luật cũng đã có nhiều chế tài nghiêm cấm và xử lý cán bộ, chiến sĩ thực thi công vụ tiêu cực. Điển hình, Chỉ thị 01 năm 2019 nêu rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu lực lượng CSGT nếu để xảy ra tiêu cực.
Bên cạnh đó, quy chế dân chủ hiện cho phép người dân giám sát CSGT bằng cách ghi hình, nhưng cần đảm bảo khoảng cách để không ảnh hưởng đến quá trình làm nhiệm vụ.
Về phía lực lượng CSGT, khi tuần tra kiểm soát xử lý lỗi nồng độ cồn đều có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị. Ngoài ra, CSGT cũng được trang bị camera chuyên dụng để ghi lại toàn bộ quá trình xử lý.
“Những căn cứ đó sẽ khiến CSGT không thể tiêu cực, tham nhũng khi làm nhiệm vụ”, tướng Dũng nhấn mạnh.
Tài xế xe khách cố tình nhồi nhét, vi phạm luật sẽ bị tạm giữ phương tiện, tước bằng lái. Ảnh: N.H. |
Về kế hoạch tuần tra, xử lý xe khách vi phạm dịp Tết Nguyên đán, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng CSGT, cho biết mới đây Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT tổng lực ra quân kiểm soát, xử phạt vấn nạn xe khách vi phạm luật trong dịp Tết.
Đối với xe chở khách, CSGT sẽ tập trung xử lý các lỗi vi phạm về tốc độ, đưa đón sai địa điểm, chở quá số người quy định và kiểm soát thời gian lái xe đường dài với tài xế.
"Phổ biến nhất là trường hợp chở quá số người quy định, chúng tôi sẽ đình chỉ, xử lý các nhà xe đồng thời yêu cầu họ phải đưa xe khác chở người dân về quê ăn Tết an toàn", Phó cục trưởng nhấn mạnh.
Với các tuyến cao tốc, CSGT sẽ tận dụng thiết bị, phương tiện nghiệp vụ, đặc biệt là hệ thống giám sát như camera và máy đo tốc độ để phát hiện tài xế vi phạm luật.
Ngoài ra, để hạn chế nạn xe khách trá hình, lãnh đạo Cục CSGT khuyến cáo người dân nên nhận biết phương tiện để di chuyển. Xe khách cố định đều có logo, xe dù sẽ không có nhãn mác. Cục CSGT cũng sẽ phối hợp Bộ GTVT để quản lý các bến xe, kiểm soát ngay từ đầu.
"Qua hoạt động nghiệp vụ, chúng tôi có các kỹ năng, kinh nghiệm để phát hiện những xe khách trá hình đó", đại tá Bình nói và nhấn mạnh nếu người dân phát hiện xe khách trá hình, cần thông tin kịp thời cho CSGT.
Về ý kiến cho rằng uống siro, ăn hoa quả làm phát sinh nồng độ cồn, thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT - cho biết đơn vị đã tổ chức hơn 150 lần thực nghiệm, lấy mẫu test nhưng đều cho ra kết quả nồng độ cồn không tăng lên và không tồn lại lâu.
Đối với người ăn một số loại hoa quả như nho, dứa sẽ không xuất hiện nồng độ cồn. Còn nếu uống nước hoa quả lên men hay siro, nếu kiểm tra lúc đầu sẽ cho nồng độ khoảng 0,6-1,2 mg/lít khí thở. Tuy nhiên, chỉ số sẽ về 0 sau 3-5 phút nên người uống loại này sẽ không bị xử phạt.