Bộ GTVT vừa chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam thành lập đoàn công tác do Cục trưởng Đinh Việt Thắng làm trưởng đoàn, làm việc với 10 địa phương về kiến nghị bổ sung sân bay mới vào quy hoạch toàn quốc. Cục báo cáo Bộ GTVT kết quả làm việc và đề xuất giải pháp xử lý trước ngày 15/11.
Quá trình làm việc với các địa phương, Cục Hàng không cần đánh giá khả năng hình thành sân bay mới theo tiêu chí đã xây dựng tại hồ sơ quy hoạch sân bay toàn quốc; đánh giá khả năng khai thác dân dụng theo mô hình sân bay chuyên dùng.
Nhiều địa phương muốn xây sân bay để tăng sức hút đầu tư và phát triển kinh tế, du lịch. Ảnh: H.H. |
Thời gian qua, Bộ GTVT và Cục Hàng không đã hoàn thành biên soạn và trình lên Thủ tướng dự thảo quy hoạch sân bay toàn quốc giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, danh sách sân bay trong nước đến năm 2030 là 28 sân bay và đến năm 2050 là 31 sân bay.
Theo tính toán của Bộ GTVT, con số 28 sân bay vào năm 2030 sẽ giúp nâng tổng công suất sân bay toàn quốc lên khoảng 283 triệu khách/năm, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới sân bay trong phạm vi 100 km. Mật độ này được Bộ GTVT đánh giá là phù hợp với các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia...
Tuy nhiên, số địa phương đề xuất bổ sung thêm quy hoạch sân bay đến nay đã tăng lên 10 tỉnh, gồm Hà Giang (sân bay Tân Quang), Tuyên Quang (sân bay Na Hang), Sơn La (sân bay Mộc Châu), Quảng Ngãi (sân bay Lý Sơn), Kon Tum (sân bay Măng Đen), Đắk Nông (sân bay Nhân Cơ), Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Tây Ninh.
Sau nhiều áp lực từ các địa phương và chỉ đạo từ lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không và tư vấn lập quy hoạch (TEDI) rà soát, chuẩn bị báo cáo đánh giá chi tiết khả năng hình thành sân bay mới tại những địa phương nêu trên, đề xuất phương án xử lý kiến nghị.
Mục Xã hội gửi đến độc giả gợi ý về một số tác phẩm hay, tin tức xuất bản về chủ đề hàng không. Xem tại đây.