Ngày 22/8, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam đánh giá cả 2 hồ sơ của Vinpearl Air và Vietravel đều đủ điều kiện để báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt đầu tư.
Tuy nhiên, với mỗi doanh nghiệp lại đi kèm các khuyến nghị khác nhau từ Cục Hàng không Việt Nam.
Tiềm ẩn khó khăn từ mô hình khai thác của Vietravel Airlines
Với Vietravel Airlines, Cục Hàng không đánh giá mô hình khai thác dự kiến của hãng là cung cấp chuyến bay thuê chuyến (charter), phục vụ du lịch cần được khuyến khích vì hiện tại Việt Nam chưa có hãng nào cung cấp dịch vụ này.
Tuy nhiên, Cục Hàng không cho rằng mô hình này của doanh nghiệp này "tiềm ẩn khó khăn khi chọn mạng đường bay chủ yếu ở các sân bay thứ cấp".
Theo hồ sơ của Vietravel Airlines, hãng chọn Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài (Huế) làm sân bay căn cứ. Điều này sẽ không tạo áp lực lên các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, những sân bay đang quá tải.
Cục Hàng không phân tích khó khăn xuất phát từ việc khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Đánh giá hồ sơ của Vinpearl Air và Vietravel Airlines đạt yêu cầu để trình Thủ tướng, tuy nhiên Cục Hàng không cũng có khuyến cáo riêng với từng hãng. |
"Nếu như, trong trường hợp khai thác các chuyến bay charter không hiệu quả, Vietravel Airlines sẽ khai thác thường lệ và sẽ phải sử dụng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu máy bay qua đêm, điều được cho là sẽ góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không", văn bản của Cục nêu.
Cơ quan này khuyến cáo Vietravel Airlines cần xây dựng kế hoạch khai thác linh hoạt trong trường hợp thuê chuyến tại các sân bay lớn do sẽ gặp khó khăn trong việc có được các slot (giờ cất, hạ cánh) vì mới tham gia thị trường.
Theo hồ sơ, trong năm đầu tiên, Vietravel Airlines dự kiến khai thác 3 máy bay dòng Airbus A320 hay Boeing 737 hoặc tương đương. Đến năm thứ 5, hãng sẽ nâng tổng số máy bay khai thác lên 8 chiếc.
Quy mô 36 chiếc của Vinpearl Air có khả năng vượt cầu của thị trường
Với Vinpearl Air, khuyến nghị của Cụ Hàng không Việt Nam lại tập trung vào quy mô đội bay.
Theo hồ sơ, Vinpearl Air dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7/2020 với đội máy bay 6 chiếc. Trung bình hàng năm Vinpearl sẽ đưa vào khai thác 6 máy bay và đến năm 2025 đội bay đạt 36 chiếc.
Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.
Cơ quan này khuyến cáo kế hoạch phát triển quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 của Vinpearl Air có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường, trong trường hợp Vietnam Airlines thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cao và các hãng hàng không thực hiện theo đúng kế hoạch đội bay đã báo cáo Cục Hàng không Việt Nam.
Theo hồ sơ, Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, đặt căn cứ tại sân bay Nội Bài. Hãng này sẽ kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế, nội địa theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp, hay còn gọi là hàng không hybrid, mô hình tương tự Bamboo Airways.
Hai hãng Vinpearl Air và Vietravel Airlines đang trong cuộc đua trở thành hãng hàng không thương mại thứ 6 tại Việt Nam. Hiện nay, có 4 hãng hàng không Việt là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways.
Hiện Vietnam Airlines khai thác và vận hành nhiều máy bay nhất, với 97 chiếc, sau đó là Vietjet Air 67 chiếc. Hai hãng Jetstar Pacific và Bamboo Airways lần lượt khai thác 15 và 10 máy bay.
Về thị phần, Vietnam Airlines (bao gồm các công ty thành viên là Jetstar Pacific và VASCO) sở hữu gần 51% thị trường nội đia, trong khi Vietjet Air có 46%. Phần còn lại thuộc về hãng hàng không vừa bay được 7 tháng, Bamboo Airways.