Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cục Hàng không giải thích về văn bản 'nhân nhượng' cho VietJet

Sau khi bị phát hiện để phi công bay quá giờ quy định, VietJet Air đã xin Cục Hàng không nhân nhượng cho gia hạn thời gian bay để tránh tình trạng chậm hủy chuyến kéo dài.

Ngày 26/6, trên mạng xã hội lan truyền văn bản có nhan đề "Phiếu yêu cầu nhân nhượng" của hãng hàng không VietJet. Bên dưới có chữ ký của đại diện Cục Hàng không Việt Nam. 

Theo nội dung phiếu nhân nhượng, Vietjet xin phép Cục Hàng không cho hãng này tăng biên độ quy định thời gian bay của phi công từ 28 ngày lên 56 ngày. Cụ thể, trong 56 ngày liên tục, phi công không được phép bay quá 200 giờ bay và trong 28 ngày gần nhất không được bay quá 110 giờ.

Cuc Hang khong cuu nguy VietJet anh 1
Nội dung phiếu nhân nhượng lan truyền trên mạng xã hội.

Theo văn bản này, yêu cầu nhân nhượng của VietJet được Cục Hàng không được phê chuẩn bằng chữ ký của ông Tạ Minh Trọng, Phó Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam.

Ngay khi văn bản xuất hiện trên mạng, dư luận dấy lên thông tin cho rằng nội dung xin nhân nhượng của VietJet trái với quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế (quy định không cho phép phi công bay quá 100 giờ trong 28 ngày).

Chiều 26/6, Cục Hàng không Việt Nam đã lên tiếng giải thích về sự tồn tại của văn bản này. Theo đó, Cục xác nhận đã ban hành nhân nhượng số 2019-06-15/VJC-15.027 cho phép VietJet tạm thời tăng biên độ khoảng thời gian áp dụng từ 28 ngày lên 56 ngày và đảm bảo người lái tàu bay không vượt quá 200 giờ bay.

Cục Hàng không đã chấp thuận đề nghị của VietJet với điều kiện chỉ áp dụng đối với những phi công đảm bảo không vượt quá 110 giờ bay trong 28 ngày trước đó. Ngoài ra, phi công phải đáp ứng các điều kiện là trong 12 tháng liên tục vừa qua không bị dừng bay vì lý do sức khỏe và trong 12 tháng liên tiếp không vi phạm an toàn đến mức phải dừng bay hoặc áp dụng chế tài.

"Việc ban hành nhân nhượng số 2019-06-15/VJC-15.027 đối với VietJet là hoạt động thực tiễn áp dụng cho tất cả các hãng hàng không Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế và tuân thủ các quy định của văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về tiêu chuẩn an toàn bay", Cục Hàng không giải thích trong thông cáo.

Cuc Hang khong cuu nguy VietJet anh 2
Hành khách tụ tập tại quầy vé của VietJet do hãng này chậm hủy chuyến hàng loạt trong ngày 15/6. Ảnh: An Huy.

Cục Hàng không đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân VietJet để một số phi công làm việc vượt mức quy định và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tái diễn.

Dù trao cơ chế nhân nhượng cho VietJet trong 56 ngày (tính từ 15/6) nhưng Cục Hàng không cũng vừa cho biết sẽ chấm dứt thời hạn hiệu lực của nhân nhượng trong tháng 6.

Như VietJet giải trình, sự cố chậm hủy chuyến hàng loạt của hãng trong 3 ngày (từ 14 đến 16/6) có nguyên nhân từ việc hãng này để phi công bay quá giờ quy định, sau đó bị Cục Hàng không phát hiện.

Cụ thể, một số phi công của hãng có thời gian làm việc vượt quá quy định tại Phần 15 của Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay (thời gian bay lớn hơn 100 giờ trong 28 ngày liên tục).

Khi phát hiện sự việc, Cục Hàng không lập tức dừng bay với các phi công bay đủ, quá giờ của VietJet.

Sau khi bị Cục Hàng không áp dụng chế tài, VietJet gặp khó khăn do không đủ phi công để giảm tình trạng chậm hủy chuyến hàng loạt. Để giải quyết vấn đề, hãng này đã đề nghị Cục Hàng không cấp nhân nhượng như nội dung nêu trên.

Thứ trưởng GTVT: 'Sẽ khiển trách hãng bay để hủy chuyến hàng loạt'

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT và Cục Hàng không đã kịp thời tháo gỡ sự cố hủy chuyến hàng loạt của VietJet. Hãng này sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm.


Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm