Mới đây, Chính phủ đồng ý chủ trương cấp điểm cho bằng lái xe. Theo đó, mỗi giấy phép lái xe (GPLX) có 12 điểm. Khi bị trừ hết điểm do vi phạm, bằng lái không còn hiệu lực. Giải pháp được kỳ vọng quản lý toàn diện hành vi của tài xế trong bối cảnh mỗi năm có gần hàng nghìn người "ra đường và không thể trở về nhà".
Bên cạnh ưu điểm của đề án, nhiều người lo ngại việc trừ điểm GPLX sẽ làm phát sinh thêm tiêu cực, hình thành cơ chế xin - cho để không bị trừ điểm khi vi phạm.
Muốn không phát sinh tiêu cực cần phương án tổng thể
Đánh giá về đề xuất cấp điểm bằng lái xe, tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nhận định đây là cách làm không mới vì trước đây Việt Nam từng có hình thức bấm lỗ bằng lái.
Ưu điểm của phương án cấp điểm thể hiện ở việc điểm trừ không thể hiện trên bằng lái mà lưu trữ trong cơ sở dữ liệu chung. Việc này giúp khắc phục được trường hợp người vi phạm đối phó bằng cách báo mất bằng, xin cấp lại để xóa bỏ vi phạm trước.
Tuy nhiên, chuyên gia của JICA khuyến nghị việc thực hiện đòi hỏi cơ sở hạ tầng và dữ liệu lớn, được truy cập dễ dàng mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, CSGT cả nước phải được cấp các thiết bị truy cập vào hệ thống. Tất cả trang thiết bị đó đòi hỏi lượng đầu tư không nhỏ. Đây là thách thức khi triển khai phương án này.
“Ở Nhật Bản, hệ thống trừ điểm còn liên động tới phí bảo hiểm của phương tiện giao thông. Người ít vi phạm thì phí bảo hiểm rẻ, người vi phạm nhiều thì phí bảo hiểm cao. Đó cũng là giải pháp tác động tới ý thức tài xế”, ông Bình chia sẻ và mong cơ quan chức năng xem xét cách làm này.
Thực thi trừ điểm bằng lái đòi hỏi cơ sở hạ tầng, dữ liệu lớn. Ảnh: H.Q. |
Trước những lo ngại phát sinh tiêu cực, hình thành cơ chế xin, cho, tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng việc quản lý trừ điểm bằng lái và quản lý để tránh phát sinh tiêu cực là 2 biện pháp riêng biệt. Tiêu cực có thể xảy ra ở bất kỳ phương thức quản lý nào nếu không có cơ chế giám sát tốt.
“Việc xóa bỏ phát sinh tiêu cực cần những phương án tổng thể, dài hơi của cả hệ thống. Nếu cứ đưa ra biện pháp quản lý lại sợ tiêu cực thì rất khó tiến lên”, ông Bình nhận định.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng không nên vì sợ tiêu cực mà dừng áp dụng phương pháp quản lý mới. Điều quan trọng là khi hoàn thiện đề án, cơ quan chuyên môn làm gì để có thêm cơ chế giám sát đảm bảo minh bạch, tránh nhũng nhiễu.
Ngoài ra, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia góp ý cơ quan quản lý nên cân nhắc hình thức cộng điểm.
“Giải pháp cộng điểm nhìn qua thì mang tính thưởng, phạt công minh. Tuy nhiên, việc thưởng điểm có thể khiến tài xế vi phạm nhiều hơn mà vẫn được điều khiển phương tiện”, ông Tạo phân tích.
Ông cũng cho rằng với các lỗi áp dụng trừ điểm thì nên bỏ hình thức tước GPLX có thời hạn, tăng mức phạt hành chính để tránh tác động nhiều lần tới bằng lái của người vi phạm.
Nghiên cứu điểm bằng lái quyết định chính sách bảo hiểm
Trước việc mỗi năm có hàng nghìn người tử vong do tai nạn giao thông, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho rằng cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để giám sát người điều khiển phương tiện.
Quản lý cấp điểm bằng lái ra đời có mục đích chính là quản lý hành vi của người tham gia giao thông. Khi đi vào hoạt động, hệ thống quản lý điểm bằng lái sẽ giúp cơ quan quản lý theo dõi quá trình chấp hành sau vi phạm.
"Việc này cũng tác động tới tài xế, khiến họ có trách nhiệm bảo vệ số điểm của mình. Nếu để mất hết thì tài xế mất quyền lái xe. Chúng tôi đánh giá đây là hệ thống quản lý văn minh và toàn diện”, lãnh đạo Cục CSGT nói.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an. Ảnh: X.T. |
Về việc thực thi, Chính phủ đã quyết định việc trừ, cấp điểm bằng lái sẽ là hình thức quản lý song song với xử lý vi phạm. Tuy nhiên, đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh việc trừ điểm sẽ phải dựa vào những lỗi vi phạm để biết rằng mức độ nguy hiểm của hành vi đó. Từ đây, hệ thống điểm sẽ có mức tương ứng.
"Ví dụ ở lỗi vượt đèn đỏ, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người vi phạm bị phạt tiền, tước GPLX tạm thời. Hệ thống quản lý điểm bằng lái đi vào hoạt động sẽ trừ thêm số điểm tương ứng với hành vi đó", ông Bình giải thích.
Số điểm trên bằng lái sẽ liên quan đến mức đóng bảo hiểm của chủ xe. Ảnh minh họa: P.P. |
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đang nghiên cứu số điểm GPLX là một trong những yếu tố để xây dựng chính sách bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới. Nếu tài xế có nguy cơ, rủi ro cao thì mức bảo hiểm sẽ cao và ngược lại, nếu chấp hành tốt thì sẽ có lợi trong quá trình tham gia hệ thống bảo hiểm.
Về cơ sở hạ tầng, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT triển khai đồng bộ phần mềm xử lý vi phạm. Khi phần mềm ra đời trên phạm vi toàn quốc, toàn bộ GPLX đã có trong hệ thống dữ liệu này. CSGT toàn quốc ra quyết định xử phạt, lập biên bản đều phải nhập lên hệ thống.
“Việc này sẽ không phát sinh thủ tục cho người dân và sự kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cũng dễ dàng hơn. Người dân hoàn toàn yên tâm việc cấp điểm cho bằng lái là một hệ thống riêng, không phải hệ thống xử lý vi phạm hành chính. Tôi nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của phương án này là theo dõi cả quá trình để người dân phải chấp hành, nếu không sẽ mất quyền lái xe”, ông Bình thông tin thêm.
Theo dự thảo quy định, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm. Khi bị trừ hết điểm do vi phạm, GPLX không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp bằng lái mới phải học và thi sau ít nhất 6 tháng.
Trong thời hạn một năm, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm thì sẽ được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Nếu trong một năm mà tài xế không vi phạm thì được cộng điểm.
Số điểm sẽ không thể hiện trực tiếp trên bằng lái mà sẽ mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống chung toàn quốc. CSGT ở mọi địa phương chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm.
Chính phủ sẽ quy định cụ thể về căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện việc trừ, phục hồi điểm của GPLX trong thời gian tới