Theo Reuters, đảo quốc ở Caribbean đã gửi “đội quân áo choàng trắng” đến những nơi gặp thảm họa trên khắp thế giới, chủ yếu là những nước nghèo, kể từ cuộc cách mạng năm 1959. Các bác sĩ Cuba đã ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch tả ở Haiti và ebola ở Tây Phi trong những năm 2010.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Cuba cử đội ngũ khẩn cấp tới Italy, một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, cho thấy khả năng ngoại giao y tế của mình.
Đây là phái đoàn y tế thứ sáu mà Cuba đã gửi đi trong những ngày gần đây để giúp đối phó với đại dịch Covid-19 ở các nước, gồm Venezuela, Nicaragua, Jamaica, Suriname và Grenada.
“Tất cả chúng tôi đều sợ nhưng chúng tôi có nghĩa vụ cách mạng phải hoàn thành, vì vậy chúng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi và gạt nó sang một bên”, ông Leonardo Fernandez, 68 tuổi, chuyên gia chăm sóc y tế chuyên sâu, nói với Reuters vào cuối ngày 21/3 trước khi khởi hành.
Các bác sĩ Cuba cầm ảnh chân dung cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong buổi lễ chia tay trước khi lên đường đến Italy tại Havana, Cuba, hôm 21/3. Ảnh: Reuters. |
Italy đang là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona. Đến nay, nước này có 4.825 ca tử vong, cao nhất thế giới, với 53.578 ca nhiễm, chủ yếu ở vùng Lombardy.
Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Lombardy, Giulio Gallera, đã yêu cầu Cuba cử bác sĩ hỗ trợ.
Nhiều bệnh viện ở Cuba đã xuống cấp. Nước này cũng trong tình trạng thiếu thuốc men mà theo họ chủ yếu do các lệnh cấm vận của Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua. Các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Cuba. Tuy nhiên, nước này là một trong các nước của tỷ lệ bác sĩ bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel hôm 20/3 tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài không phải thường trú nhân từ ngày 24/3. Động thái giáng đòn nặng vào nền kinh tế và du lịch của đảo quốc.